Ngành dệt may đã đạt được kế hoạch 6 tháng đầu năm 2008, tuy nhiên các DN đang gặp nhiều khó khăn.
|
Dệt may đang phải gồng mình để đạt mục tiêu xuất khẩu 9,5 tỷ USD năm 2008.
|
Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã cho biết như vậy tại buổi họp thông báo kế hoạch bình chọn DN tiêu biểu ngành dệt may năm 2008.
Theo ông Ân, 6 tháng đầu năm 2008 kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt 4,2 tỷ USD, bằng 44,21% kế hoạch đề ra của cả năm 2008 là 9,5 tỷ, và đạt tăng trưởng 20%. Khối lượng còn lại có thể hoàn thành trong 6 tháng cuối năm, nhờ năm nay đơn hàng đặt nhiều.
Tuy nhiên DN phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ông Ân cũng cho biết, hiện có 2 khó khăn lớn nhất mà DN gặp phải, là khó vay vốn ngân hàng và khủng hoảng nhân công lao động.
Hiện nay các ngân hàng siết chặt tín dụng nên DN khó vay hơn, bên cạnh đó lãi suất quá cao nên không có lãi. Giá nguyên liệu tăng nhưng giá sản phẩm may mặc không thể tăng, nên đó là một khó khăn lớn cho DN dệt may.
Do lạm phát, vật giá tăng nên đời sống khó khăn vì vậy công nhân nghỉ việc nhiều, lao động thiếu hụt và đình công liên tục xảy ra.
Chẳng hạn, khó khăn đã khiến lợi nhuận 6 tháng đầu năm của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX) chỉ có 119 tỷ đồng, giảm đi một nửa so với kế hoạch đề ra.
Dệt may là ngành đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn nhất nước, chiến 15% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngành này đang giải quyết 5% số lượng lao động. Hiện nay toàn ngành có 1,2 triệu lao động, và tăng bình quân 100.000 lao động/năm.
Để đạt được mục tiêu hoàn thành kế hoạch năm 2008, các DN tiếp tục đi tìm kiếm, mở rộng sang các thị trường mới ngoài Mỹ và châu Âu. Đã có một số thành công đáng kể trong việc mở mang thị trường như các công ty Thái Tuấn, Thái Thịnh đã tìm được thị trường Trung Đông tiêu thị các sản phẩm vải lụa, công ty Phương Đông tìm được thị trường ở Séc, Nam Mỹ, nhiều DN đang tìm đường tiếp cận vào châu Phi…