Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 18/02/2009-14:20:00 PM
Châu Á nỗ lực giải cứu nền kinh tế
Hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của nhiều nước trong khu vực bị suy giảm đáng kể do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn câu.

Trung tâm thương mại Thượng Hải

Viện Tài chính Quốc tế (IIF), có trụ sở tại Washington vừa cảnh báo, cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay gây hậu quả nghiêm trọng cho nhiều nước châu Á còn hơn thời kỳ khủng hoảng năm 1997-1998.

Nhiều nước châu Á đang tiếp tục đưa ra những giải pháp mạnh giải cứu nền kinh tế.

Theo các chuyên gia IIF, các nền kinh tế châu Á khốn khó do có cơ cấu kinh tế hướng ngoại, phụ thuộc vào xuất khẩu. Trong khi, kinh tế các nước công nghiệp phát triển, như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu rơi vào suy thoái, làm giảm mạnh nhu cầu nhập khẩu đến từ các nước châu Á.

Thêm nhiều gói kích cầu kinh tế mới

Hàn Quốc mới đây đã thông báo tỷ lệ xuất khẩu giảm gần 30% trong vòng một năm. Hàng xuất khẩu của Nhật Bản giảm tới 35% trong khi Đài Loan mất gần 42%. Cường quốc xuất khẩu Trung Quốc cũng không thoát khỏi cơn địa chấn này.

Xuất khẩu giảm sút đang và sẽ khiến sản xuất công nghiệp của các nước châu Á giảm nhanh và mạnh hơn cả thời kỳ khủng hoảng tài chính 1997-1998.

Trong bối cảnh đối mặt nhiều khó khăn, các nước châu Á tiếp tục đưa ra những giải pháp cứu nền kinh tế khỏi nguy cơ suy thoái.

Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) ngày 3/2 thông báo kế hoạch chi hơn 11 tỷ USD để mua lại các cổ phiếu công ty từ các ngân hàng thương mại, nhằm giảm bớt gánh nặng về các khoản lỗ của giới ngân hàng và giải tỏa tình trạng đóng băng cho vay hiện nay.

Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso vừa tuyên bố, sẽ thực hiện "các biện pháp cần thiết trong tài khoá 2011" để cải cách cơ bản hệ thống thuế, cắt giảm chi tiêu tài chính và đẩy mạnh cải cách hệ thống dịch vụ hành chính công. Ông cũng đề xuất kế hoạch tạo 1,6 triệu việc làm cho người dân trong 3 năm tới.

Ngày 3/2 vừa qua, Australia cũng đã công bố gói giải pháp mới trị giá khoảng 26 tỷ USD dành cho hoạt động xây dựng hàng nghìn nhà ở và trường học mới.

Theo đó, tạo công ăn việc làm và duy trì khoảng 90.000 công việc trong hai năm tới. Thủ tướng Australia, ông Kevin Rudd cam kết chính phủ quyết tâm hồi phục kinh tế và nhấn mạnh sẽ kích cầu với cách thức "nhanh gọn, toàn diện nhất”.

Trung Quốc, ngày 3/2, tuyên bố sẽ chi thêm gói kích cầu mới chống suy thoái kinh tế, trị giá 19 tỷ USD tập trung vào các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Trước đó, Trung Quốc đã công bố gói kích cầu kinh tế trị giá 586 tỷ USD. Tại Thái Lan, Bộ Tài chính nước này cũng vừa cho biết sẽ đề nghị chính phủ thông qua kế hoạch vay 2 tỷ USD ban đầu từ các quỹ và tổ chức tín dụng quốc tế, góp phần cơ cấu lại và vực dậy nền kinh tế đất nước.

Chính sách của châu Á quan trọng với toàn cầu

Ngoài những khó khăn do xuất khẩu sa sút, theo IIF, các nền kinh tế châu Á còn phải đối mặt khó khăn do đầu tư nước ngoài giảm mạnh. Dự tính, khủng hoảng tài chính sẽ làm giảm khoảng 60% lượng vốn đầu tư nước ngoài vào các nền kinh tế đang trỗi dậy ở châu Á, từ mức 466 tỷ USD năm 2008 xuống còn khoảng 165 tỷ USD năm 2009.

Nhằm tạo động lực phát triển cho kinh tế khu vực, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos vừa qua, Thủ tướng Taro Aso cam kết Nhật Bản sẽ dành gói viện trợ phát triển trị giá 17 tỷ USD cho các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các quốc gia châu Á để giúp thúc đẩy phát triển kinh tế. Vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) mà Nhật Bản dành cho các nước cũng sẽ tăng 20% trong năm 2009.

Theo các chuyên gia, những biện pháp nêu trên là một phần trong những nỗ lực của các nền kinh tế châu Á nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm bớt sự lệ thuộc vào hoạt động xuất khẩu sang thị trường Âu-Mỹ. Đây là biện pháp cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Mặc dù kinh tế châu Á đang đứng trước nhiều khó khăn, song châu Á vẫn được nhìn nhận là điểm sáng trên bản đồ kinh tế thế giới hiện nay.

Tại diễn đàn với chủ đề "Khủng hoảng tài chính toàn cầu: Triển vọng, thách thức và phản ứng của ASEAN và Đông Á" vừa diễn ra ở Indonesia, Viện trưởng Viện ADB, Giáo sư Masahiro Kawai nhận định rằng: châu Á đang ở vị thế tốt hơn các khu vực khác trong việc đối phó với khủng hoảng nhờ những nhân tố cơ bản của khu vực đã tốt hơn nhiều so với giai đoạn 1997-1998.

Hiện tại, châu Á là khu vực duy nhất vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh, do đó chính sách của châu Á sẽ rất quan trọng đối với tương lai của nền kinh tế toàn cầu.

Trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 3/2, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Strauss Kahn cũng nhận định rằng, một số nền kinh tế châu Á rất năng động, có nhiều tiềm năng và nền tảng vững chắc, nhờ đó sẽ phục hồi rất nhanh chóng.

Kinh tế châu Á có thể phục hồi vào cuối năm 2009 hoặc đầu năm 2010, trong đó mức tăng trưởng năm nay có thể đạt 2,7% và năm 2010 đạt trên 5%. Một khi các nền kinh tế Mỹ và châu Âu bắt đầu thoát khỏi suy thoái, kinh tế châu Á "có thể phục hồi rất nhanh".


Vietstock

    Tổng số lượt xem: 955
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)