Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 17/06/2009-10:26:00 AM
Tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 4 năm 2009 tỉnh Bắc Ninh
I.Sản xuất nông nghiệp.
Thời tiết thuận lợi, nước tưới đủ, tình hình sâu bênh được kiểm soát nên lúa xuân sinh trưởng và phát triển tốt. Bên cạnh việc chăm sóc và bảo vệ lúa xuân, nông dân đang tích cực gieo trồng cây rau màu vụ hè xuân. Tính đến ngày 16/4, toàn tỉnh đã gieo trồng được 4.556 ha cây rau màu các loại, vượt 1,2% KH, giảm 2% so cùng thời điểm năm trước; trong đó: Cây ngô 1.198 ha, vượt 20% KH vụ và tăng 15,5%; rau các loại 1.730 ha, vượt 15,3% và giảm 14%; Cây lạc 1.053 ha, đạt 87,8% và giảm 7,8%; cây đậu tương 365 ha, vượt 21,7% và tăng 116%...
Chăn nuôi và hoạt động thú y: Trong tháng, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển, nguyên nhân chính là do: Giá sản phẩm chăn nuôi vẫn giữ ở mức cao đồng thời giá thức ăn chăn nuôi đang giảm, dịch bệnh không phát sinh, dịch cúm gia cầm được kiểm soát… Theo kết quả điều tra, ngoài đàn trâu giảm, còn đàn bò, lợn và gia cầm đều tăng. Hiện nay, các địa phương đang tích cực triển khai đợt tiêm phòng đại trà vụ xuân hè cho đàn gia súc, gia cầm; đến ngày 15/4, đã tiêm được 2,86 triệu lượt con gia cầm các loại, tiêm 168,2 nghìn liều vắc-xin các loại cho đàn lợn; 21,6 nghìn liều vắc-xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng cho đàn trâu, đàn bò.
II.Sản xuất công nghiệp, đầu tư xây dựng cơ bản, giao thông vận tải.
1.Sản xuất công nghiệp.
Trong tháng, giá nhiều nguyên liệu trên thế giới giảm và giá đang ở mức thấp đã tạo thuận lợi cho sản xuất các sản phẩm có đầu vào từ hàng nhập khẩu; các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp của Chính phủ cũng như của tỉnh đã phát huy hiệu quả, cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn nên sản xuất công nghiệp trên địa bàn đã thoát khỏi xu thế tăng trưởng âm của quý I, đạt tăng trưởng trở lại, tuy vẫn còn ở mức thấp song đây là những tín hiệu đáng mừng.
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 4 ước 1.243,8 tỷ đồng (giá cố định 1994), tăng 5,4% so tháng trước và tăng 6,2% so cùng kỳ; trong đó:
Kinh tế nhà nước: ở khu vực này, nhiều sản phẩm vẫn còn tồn đọng nhiều như kính, thuốc lá, hàng may mặc… nên các cơ sở chỉ sản xuất cầm chừng, vì thế giá trị sản xuất ở khu vực này giảm 11,3% so tháng trước và giảm 5,5% so cùng kỳ năm trước, ước đạt 122,76 tỷ đồng; trong đó:
Công nghiệp Nhà nước TW: giá trị sản xuất (GTSX) ước 114,08tỷ đồng, giảm 1,9% và giảm 6,5%.
Công nghiệp Nhà nước địa phương: GTSX ước 8,68 tỷ đồng, tăng 6,3% và tăng 11,75%.
Kinh tế ngoài Nhà nước: GTSX ước 705tỷ đồng, tăng 4% và 14,7%. Đây là khu vực duy trì được nhịp độ tăng trưởng khá trong “cơn bão suy giảm kinh tế”, nguyên nhân chủ yếu do khu vực này tham gia hội nhập chưa sâu, với tỷ lệ sản phẩm xuất khẩu thấp hơn ở các khu vực khác; có thêm nhiều doanh nghiệp, cơ sở cá thểmới đi vào hoạt động sản xuất; đồng thời với phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dễ thích ứng, phục hồi khi được Nhà nước hỗ trợ, ưu tiên thực hiện các nhóm giải pháp nhằm kích thích phát triển sản xuất như giảm lãi suất tín dụng, bảo lãnh tín dụng, giảm, giãn, hoãn nộp một số loại thuế…
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài: Trong tháng, có thêm 10 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, đã góp phần hạ thấp đà suy giảm sản xuất so với 3 tháng đầu năm, tuy nhiên, đây là khu vực chịu tác động nhiều nhất của việc suy giảm kinh tế toàn cầu, nên sản xuất khu vực này sụt giảm, giá trị sản xuất ước 416,2 tỷ đồng, tuy tăng 14,5% so tháng trước nhưng giảm 2,7% so cùng kỳ.
Tính chung 4 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ước 4.573,6 tỷ đồng (giá cố định 1994), đạt 23,5% KH năm, giảm 2,6% so cùng kỳ năm 2008.
2. Đầu tư xây dựng cơ bản.
Do việc thực hiện các giải pháp kích cầu, ngăn chặn suy giảm kinh tế đang phát huy tác dụng, nhiều dự án, công trình được giải ngân kịp thời nên vốn đầu tư trong tháng tăng khá. Tổng vốn đầu tư của Nhà nước do địa phương quản lý ước 118,9 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng rất cao 178,7% so cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách địa phương 113,3 tỷ đồng, tăng 1,1% và tăng 244%. Tính chung 4 tháng, tổng vốn đầu tư của Nhà nước do địa phương quản lý 432,1 tỷ đồng, tăng 96% so cùng kỳ; trong đó, vốn ngân sách địa phương 410,33 tỷ đồng, tăng 130,5%.
3. Giao thông vận tải.
Khối lượng hàng hoá vận chuyển tháng 4 ước 1.295 ngàn tấn, tăng 1,8% so tháng trước, tăng 5,2% so cùng kỳ; khối lượng luân chuyển hàng hoá ước 79.389 ngàn tấn.km, tăng 7,1%,tăng 6,8%. Khối lượng vận chuyển hành khách ước 541 ngàn lượt người, tăng 3,2% so tháng trước, tăng 2,1% so cùng kỳ; khối lượng luân chuyển hành khách ước 15.457 ngàn người.km, tăng 3,8% và giảm 4,3%. Tổng doanh thu vận tải ước 81,9 tỷ đồng, tăng 5,3% so tháng trước và tăng 9,9% so cùng kỳ. Các tuyến xe buýt tiếp tục hoạt động tốt. Tính chung 4 tháng: Khối lượng hàng hoá vận chuyển ước 5.250 ngàn tấn, đạt 31,2% KH, tăng 5% so cùng kỳ; khối lượng luân chuyển hàng hoá ước 302.536 ngàn tấn.km, đạt 41,9% KH, tăng 11,4%. Khối lượng vận chuyển hành khách ước 2,1 triệu lượt hành khách, đạt 30,7% KH, tăng 2,1%; khối lượng luân chuyển hành khách ước 64.642 ngàn người.km, đạt 28,1% KH, giảm 6,2%. Tổng doanh thu vận tải ước 320,7 tỷ đồng, tăng 12,9% so cùng kỳ.
III. Thương mại - Tài chính - Ngân hàng.
1. Thương mại:
Trong tháng, giá điện, giá xăng dầu, giá tiêu dùng tăng trở lại; đồng thời do tác động xấu của việc suy giảm kinh tế thế giới, hoạt động sản xuất kinh doanh ở trong nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nói riêng đã và đang chịu ảnh hưởng trực tiếp và rõ ràng. Một bộ phận không nhỏ công nhân, người lao động đã phải nghỉ việc hoặc tạm nghỉ việc… dẫn đến thu nhập nhiều hộ gia đình bị giảm xút. Việc tiêu dùng nhiều loại hàng hoá đã bị cắt giảm hoặc hạn chế đến mức thấp nhất. … Đó là những nguyên nhân cơ bản làm cho mức lưu chuyển hàng hoá giảm trong tháng này, tăng thấp so cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước 837,1 tỷ đồng, giảm 0,4% so tháng trước và tăng 14% so cùng kỳ. Tính chung 4 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước 3.467,3 tỷ đồng, đạt 33%KH, tăng 16,6% so cùng kỳ.
Chỉ số giá tiêu dùng: Sau 3 tháng không có biến động lớn thì tháng này dưới ảnh hưởng của việc tăng giá điện, giá xăng dầu và việc tăng mức lương cơ bản lên 650.000 đồng từ tháng 5/2009 nên giá tiêu dùng tháng 4 trên địa bàn tăng khá cao. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,27% so tháng trước. Hầu hết các nhóm, mặt hàng đều có chỉ số giá tăng; riêng lương thực giảm vì vụ xuân ở các tỉnh phía Bắc có triển vọng được mùa, vụ đông xuân ở các tỉnh phía Nam đạt năng suất và sản lượng khá. Sau 4 tháng, giá cả hàng hoá tương đối ổn định, so tháng 12/2008 chỉ số giá tiêu dùng tăng nhẹ 0,02%, điều này, ngoài việc phản ánh sự giảm cầu nó cũng cho thấy những giải pháp mà Chính phủ đang thực hiện để kiềm chế tăng giá vẫn đang phát huy hiệu quả.
Xuất nhập khẩu: Trong tháng, hoạt động ngoại thương đạt thấp do tác động của suy giảm kinh tế, sản xuất công nghiệp tăng thấp (đặc biệt khu vực có vốn đầu tư nước ngoài), Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước 9,4 triệu USD, giảm 18,8% so tháng trước và tăng 0,9% so cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước 11,1 triệu USD, giảm 26,9% và giảm 41,3%. Tính chung 4 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước 42,9 triệu USD, giảm 7% so cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước 48,7 triệu USD, giảm 13% so cùng kỳ.
2.Tài chính.
Do tác động của suy giảm kinh tế, nhiều ngành kinh tế suy giảm hoặc tăng thấp; đồng thời cùng với thưc hiện việc dãn, hoãn nộp thuế, giảm thuế trong nhóm giải pháp kích cầu đầu tư…nên tác động đến thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tháng 4 ước 156,9 tỷ đồng, giảm 7,1% so tháng trước, giảm 30% so cùng kỳ; trong đó, thu tiền sử dụng đất giảm mạnh (giảm 55,2% ). Tổng chi ngân sách địa phương ước 129,5 tỷ đồng, tăng 36% và 96,3%; trong đó, chi đầu tư phát triển tăng 112% và tăng 270,3%.
Tính chung 4 tháng, Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 677,5 tỷ đồng, đạt 24,6% KH, giảm 24% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương 1076,1 tỷ đồng, đạt 35,5% KH, tăng 20,7%.
3.Ngân hàng - Tín dụng và tiền tệ.
Tổng thu tiền mặt qua ngân hàng ước 5.650 tỷ đồng, tăng 2,3% so tháng trước và tăng 42,4% so cùng kỳ; tổng chi tiền mặt 5.630 tỷ đồng, tăng 3,8% và tăng 51%; bội thu tiền mặt 200 tỷ đồng.
Nhằm kích cầu đầu tư và sản xuất, các ngân hàng và các tổ chức tín dụng đã tích cực huy động các nguồn vốn nhàn dỗi trong dân cư để cho vay phát triển sản xuất kinh doanh bằng các chương trình khuyến mãi, lãi suất tiền gửi linh động. Đến cuối tháng 4, tổng nguồn vốn huy động ước 9.810 tỷ đồng, tăng 1,5% so tháng trước và tăng 5,6% so cùng kỳ; trong đó, huy động bằng tiền gửi tiết kiệm 6.110 tỷ đồng, tăng 1,4% và tăng 63,4%. Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, các ngân hàng và tổ chức tín dụng đã chủ động hạ, giảm lãi suất cho các đối tượng, đến hết tháng 3, toàn tỉnh đã cho vay hỗ trợ lãi suất tới 395 doanh nghiệp, 1.589 khách hàng khác với tổng dư nợ cho vay là 1.331 tỷ đồng; hiện nay, toàn hệ thống đã tiếp nhận và xem xét chuẩn bị giải ngân cho hơn 200 doanh nghiệp và hơn 1.000 khách hàng khác. Tính chung, tổng dư nợ tín dụng cho vay đến cuối tháng 4 đạt 14.170 tỷ đồng, tăng 4,3% và tăng 20,6%. Các đối tượng chính sách cũng được ưu tiên cho vay vốn để giảm nghèo, giải quyết việc làm nên dư nợ cho vay tăng 52,2% so cùng kỳ. Mặc dù đã có nhiều đơn vị được giãn nợ nhưng số nợ quá hạn đến nay tăng lên mức 400 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn là 2,82%, cao hơn rất nhiều so với mức 0,8% của tháng 4/2008.
IV. Một số vấn đề văn hoá - xã hội.
1. Văn hoá - Thông tin, Thể dục thể thao.
Các hoạt động văn hoá, thông tin chủ yếu tiếp tục tập trung tuyên truyền về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chính Minh”, kết quả phát triển KT-XH quý I, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH tỉnh quý II, nhất là các nỗ lực, các giải pháp của Chính phủ, của tỉnh về ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội; tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân về phòng chống các dịch bệnh mùa hè, tháng hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm; kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam 30/4, ngày Quốc tế lao động 1/5; đặc biệt tuyên truyền sâu rộng cho mọi tầng lớp nhân dân về cuộc tổng điều tra dân số thời điểm 1/4/2009, do vậy đến ngày 17/4 toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành bước điều tra tại hộ gia đình.
Phong trào luyện tập thể dục thể thao trên địa bàn diễn ra sôi nổi, trong đó đáng chú ý là Báo Bắc Ninh đã phối hợp với các ngành tổ chức giải chạy “Khoẻ để lập nghiệp và giữ nước” lần thứ 8 – Cúp Báo Bắc Ninh, đa thu hút được trên 2.000 vận động viên, huấn luyện viên đến từ 40 đoàn tham gia các nội dung: Chạy biểu dương lực lượng, chạy tập thể và chạy việt dã.
2. Hoạt động Y tế.
Hoạt động y tế được duy trì với sự phối hợp chặt chẽ của các tuyến y tế, đặc biệt tập trung vào việc phòng dịch sốt phát ban dạng sởi. Theo báo cáo, đến ngày 9/4 dịch bệnh đã xuất hiện ở 96 xã, phường, thị trấn thuộc 8/8 huyện, thị xã, thành phố, với 798 ca mắc dịch bệnh, trong đó có 20 ca dương tính vi rút sởi. Bên cạnh đó, công tác phòng chống, tuyên truyền dịch bệnh mùa hè được tăng cường. Tuy nhiên, do là tháng giao mùa nên số lượng người đến cơ sở y tế khám chữa bệnh tăng lên so tháng trước; tổng số lượt khám chữa bênh 83,4 nghìn lượt bệnh nhân, tăng 18,4% so tháng trước; số bệnh nhân điều trị nội trú 8,6 nghìn lượt người, tăng 12,7%...
3. Tình hình tai nạn giao thông.
Trước sự kiểm tra thường xuyên, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm của lực lượng công an, tình hình vi phạm an toàn giao thông đã giảm xuống. Tháng 3, trên các tuyến đường bộ đã xảy ra 9 vụ tai nạn giao thong (TNGT), làm chết 11 người, bị thương 1 người; so với tháng trước, tuy giảm 4 vụ nhưng lại tăng 3 người chết; so tháng 3/2008 tăng 2 vụ, giảm 4 người chết. Tính chung 3 tháng, TNGT vẫn gia tăng, đã xảy ra 32 vụ, làm chết 36 người, bị thương 7 người; tăng 4 vụ, tăng 5 người chết, tăng 1 người bị thương so cùng kỳ năm trước./.

Website Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh

    Tổng số lượt xem: 1721
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)