Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 04/01/2011-16:08:00 PM
EU nỗ lực cải cách trong khủng hoảng
Liên minh châu Âu (EU) đã trải qua một năm 2010 đầy biến động khi phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công. Mặc dù cuộc khủng hoảng đặt ra thách thức lớn nhất đối với đồng Euro, song nó cũng dẫn tới những thay đổi sâu sắc và các cải cách đầy tham vọng.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy trongHội nghị thượng đỉnh EU khai mạc tối 16/12 tại Brussels (Bỉ). Hội nghị đã nhất trí sửa đổi một cách hạn chế Hiệp ước Lisbon

Cuộc khủng hoảng đã phơi bày những khiếm khuyết một cách có hệ thống trong quản lý kinh tế của EU, nhất là việc thiếu cơ quan quản lý tài chính và điều phối kinh tế ở cấp độ liên minh.
Mặc dù các thành viên EU đã ký Hiệp ước “Tăng trưởng và Ổn định” như một cách để yêu cầu kiểm soát thâm hụt ngân sách và nợ công, song EU lại thiếu các công cụ thực thi. Điều đó giải thích một phần sự việc Hy Lạp chi tiêu quá mức và mất sức cạnh tranh nhưng không bị phát hiện trong nhiều năm, trong khi những lời cảnh báo đối với các nước vi phạm nhằm giữ trật tự cho các nước này cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Nhận ra rằng cần phải điều phối tốt hơn giữa các chính sách kinh tế cấp liên minh với sự tăng cường giám sát, các nhà lãnh đạo EU hồi tháng 10 đã thông qua một kế hoạch toàn diện về cải cách quản lý kinh tế nhằm ngăn ngừa tái diễn khủng hoảng nợ.
Chủ tịch EU Herman Van Rompuy cho rằng đây sẽ là lần cải cách lớn nhất của EU kể từ khi đồng Euro ra đời vào năm 1999.
Theo kế hoạch cải cách, các nước EU sẽ tăng cường kỷ luật tài chính, thực hiện cơ chế giám sát kinh tế vĩ mô mới, tăng cường điều phối các chính sách kinh tế và lập ra một khuôn khổ quản lý khủng hoảng thường xuyên.
Trong nỗ lực mới nhất nhằm cải thiện quản lý kinh tế, các nhà lãnh đạo EU trong cuộc họp cuối cùng trong năm đã quyết định sửa đổi có hạn chế Hiệp ước Lisbon để tạo ra một cơ chế đối phó khủng hoảng thường xuyên trong khu vực đồng Euro.
Cuộc khủng hoảng nợ cũng làm EU thêm quyết tâm tăng cường giám sát tài chính sau khi đầu cơ được viện dẫn như một trong các lý do làm cuộc khủng hoảng nợ leo thang. Về cách thức quản lý nền kinh tế, EU có xu hướng dựa vào sự can thiệp của chính quyền hơn làgiao phónền kinh tế cho các lực lượng thị trường.
Lâu nay, các chính phủ châu Âu giữ một vai trò lớn hơn trong quản lý kinh tế so với ở Mỹ. Trong khi Mỹ là một nền kinh tế thị trường tự do điển hình với ít sự can thiệp của chính quyền vào các hoạt động của thị trường, thì phần lớn các quốc gia châu Âu chọn mô hình kinh tế thị trường xã hội, một sự kết hợp giữa cạnh tranh tự do với quản lý của chính quyền. Cuộc khủng hoảng tài chính đã giúp EU thêm tin tưởng vào mô hình kinh tế của mình vì chính sự quản lý lỏng lẻo các thị trường tài chính của Mỹ đã dẫn tới tai họa này.
Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường xã hội của EU cũng chưa hoàn hảo và cuộc khủng hoảng nợ là bằng chứng rõ ràng cho thấy mô hình này là không bền vững.
Mô hình kinh tế thị trường xã hội của châu Âu nổi tiếng về các trợ cấp xã hội hào phóng. Số tiền mà các nước EU chi cho phúc lợi xã hội chiếm tỷ trọng cao hơn nhiều trong GDP so với Mỹ. Phúc lợi xã hội cao có thể giúp đảm bảo sự công bằng. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nếu phúc lợi quá lớn, vì nó sẽ làm tăng thêm gánh nặng thuế.
Trong nhiều năm qua, nền kinh tế của EU đã tăng trưởng với một tốc độ tương đối chậm. Nếu không tăng trưởng mạnh, EU sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hệ thống phúc lợi xã hội. Đối mặt với tình trạng dân số già, nền kinh tế thị trường xã hội của châu Âu cần điều chỉnh và cuộc khủng hoảng nợ nên được coi là một lời cảnh báo sớm.
Để đối phó với khủng hoảng, các nước EU đã thực hiện các biện pháp khắc khổ để củng cố nền tài chính công. Các biện pháp này bao gồm việc cắt giảm trợ cấp xã hội, nâng tuổi nghỉ hưu và giới hạn lương trong khu vực công. Người châu Âu giờ đây phải thắt lưng buộc bụng nếu họ không muốn đặt gánh nặng lên vai các thế hệ sau này. Do đó nhiều nhà phân tích cho rằng, để duy trì mô hình kinh tế xã hội của châu Âu, vấn đề mấu chốt là cần có tăng trưởng kinh tế cao hơn.
Bắt đầu từ năm 2011, EU bắt đầu thực hiện Chiến lược châu Âu 2020 - một kế hoạch phát triển kinh tế đầy tham vọng cho thập kỷ tới, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của Liên minh trên trường quốc tế./.
Nguyễn Chiến
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 758
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)