Mặc dù nhiều nền kinh tế lớn ở châu Á, vốn phụ thuộc vào xuất khẩu, đang phải "lao đao" trước "cơn bão" khủng hoảng kinh tế toàn cầu, song các nhà phân tích vẫn lạc quan rằng châu Á sẽ là khu vực đầu tiên thoát khỏi cuộc suy thoái hiện nay.
Tạp chí "Nhà kinh tế" (Mỹ) ngày 13/5 đã đăng bài phân tích cho rằng không nên đánh giá thấp sức bật của các nền kinh tế châu Á, bất chấp việc các "con hổ" châu Á đã phải hứng chịu sự suy giảm sản lượng mạnh nhất trong cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay, khiến nhiều người lo ngại rằng do phụ thuộc vào xuất khẩu nên các nền kinh tế châu Á sẽ chỉ phục hồi vững chắc khi nhu cầu của Mỹ và châu Âu tăng trở lại.
Theo bài báo, các nền kinh tế châu Á đã phục hồi nhanh một cách đáng kinh ngạc sau cuộc khủng hoảng tài chính cuối thập niên 1990, và không loại trừ khả năng "phép thần kỳ" có thể đến một lần nữa.
Mặc dù tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước châu Á trong quý IV/2008 và quý I/2009 vẫn giảm, song các chỉ số về sản xuất và xuất khẩu cho thấy dường như châu Á đã qua giai đoạn tồi tệ nhất.
Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong 3 tháng qua đã tăng 25%. Các nhà kinh tế đang điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay có thể lên 8%, ngay cả khi tiêu dùng của Mỹ tiếp tục ảm đạm. Mặc dù nhiều người cho rằng sự phát triển của Trung Quốc phụ thuộc vào tiêu dùng của Mỹ, song nếu tính trên cơ sở giá trị gia tăng (không tính chi phí các thành phần nhập khẩu), xuất khẩu vào Mỹ chiếm chưa đến 5% GDP của Trung Quốc.
Tỷ trọng của lĩnh vực sản xuất trong GDP của các nền kinh tế châu Á lớn hơn so với các khu vực khác. Khi so sánh giữa các nước giàu và các nước mới nổi, người ta thấy rằng những nước sản xuất chiếm tỷ trọng lớn nhất thì GDP năm 2008 cũng giảm mạnh nhất, nhưng ngược lại, nó cũng có thể phục hồi nhanh nhất.
Một lý do nữa để có thể hy vọng vào sự phục hồi của các nước châu Á là các gói kích thích của các nền kinh tế ở đây lớn hơn các khu vực khác. Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia... đều đã công bố các gói tài chính lớn hơn 4% GDP năm 2009, tỷ lệ lớn gấp hai lần gói kích thích của Mỹ trong năm nay.
Các gói kích thích ở châu Á cũng sẽ hoạt động hiệu quả hơn so với ở Mỹ và châu Âu do các khoản nợ của các công ty và các hộ gia đình đều ở mức độ trung bình nên các khoản cắt giảm thuế hoặc tiền tung ra sẽ được đưa vào tiêu dùng hơn là tiết kiệm. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng ở châu Á hoạt động tốt và nhịp nhàng hơn trong việc hỗ trợ tăng chi tiêu trong nước.
Là khu vực nhập khẩu dầu và các mặt hàng tiêu dùng khác lớn nhất thế giới, châu Á được hưởng lợi khi giá các mặt hàng này giảm trong năm qua. Đây như là một khoản cắt giảm thuế, giúp tăng thu nhập và lợi nhuận thực tế. Việc giá dầu cùng với giá lương thực và các nguyên liệu thô giảm cũng mang lại hiệu quả tương đương với các khoản kích thích của các nước châu Á.
Nhờ các khoản kích thích tài chính lớn và tình trạng tài chính của khu vực tư nhân tốt hơn nên chi tiêu nội địa ở châu Á sẽ tăng trở lại sớm hơn so với các khu vực khác, dự kiến năm nay sẽ tăng khoảng 4-5% và năm tới sẽ là 7%.
Trong khi đó, nhu cầu nội địa của Mỹ giảm mạnh trong năm nay và vẫn yếu trong năm 2010. Năm tới, tổng chi tiêu nội địa của khu vực châu Á và Nhật Bản sẽ vượt qua Mỹ./.