Trong báo cáo "Triển vọng Kinh tế Thế giới" (WEO) công bố trước Hội nghị thường niên Mùa Xuân 2009, họp trong 2 ngày 25 và 26/4 tại Washington (Mỹ), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán kinh tế thế giới sẽ giảm 1,3% năm 2009, lần suy giảm đầu tiên trong 60 năm qua. Con số này thấp hơn nhiều so với dự đoán kinh tế thế giới tăng trưởng 0,5% mà IMF - Tổ chức tài chính tiền tệ gồm 185 thành viên đưa ra hồi tháng 1/2009.
Trong báo cáo được công bố trước cuộc họp cuối tuần của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), và cuộc họp của Mỹ với các cường quốc kinh tế khác, IMF nhận định tình trạng suy giảm trên cho thấy đây là cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu nghiêm trọng nhất kể từ Đại suy thoái hồi thập niên 1930.
Dự đoán, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ sẽ giảm tới 2,8% năm 2009, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1946. Trong số các nước công nghiệp hóa, Nhật Bản là nền kinh tế suy giảm mạnh nhất, tới 6,2%, tiếp theo là Nga với mức giảm 6%, Đức (giảm 5,6%), Anh (giảm 4,1%), Canada (giảm 2,5%). Trong khi đó, kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm 4,2%, còn 2 đầu tàu kinh tế mới nổi là Trung Quốc và Ấn Độ có thể chỉ tăng trưởng 6,5% và 4,5% năm 2009.
Theo IMF, điểm đáng chú ý trong viễn cảnh kinh tế u ám nói trên là thế giới sẽ mất nhiều thời gian hơn so với dự kiến trước đây để có thể bình ổn các thị trường tài chính và "khơi" lại dòng tín dụng chảy tới người tiêu dùng và các doanh nghiệp - một hành động rất quan trọng để đưa kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế thế giới nói chung thoát khỏi tình trạng suy thoái.
Theo IMF, cuộc khủng hoảng hiện nay tác động bất lợi tới hoạt động thương mại quốc tế, với khối lượng thương mại dự kiến giảm 11% năm 2009 trước khi tăng 0,6% năm 2010. Giá tiêu dùng ở các nước đang phát triển đang đứng trước sức ép và sẽ giảm 0,2% năm 2009.
IMF nhận định do kinh tế thế giới vẫn tiếp tục suy giảm nên nhiều khả năng tình trạng thiểu phát "ở mức độ vừa phải" sẽ xảy ra trong năm 2009 tại Mỹ và khu vực Eurozone, đồng thời tình trạng thiểu phát nặng hơn có thể xuất hiện ở Nhật Bản. Theo IMF, kinh tế thế giới có thể tăng trưởng trở lại trong năm 2010, nhưng chỉ ở mức 1,9%. Năm 2010, kinh tế Mỹ dự kiến sẽ "dậm chân tại chỗ", còn các nền kinh tế Đức và Anh sẽ giảm lần lượt 1% và 0,4%. Trong khi đó, các quốc gia khác như Nhật Bản, Nga, Canada dự kiến đều tăng trưởng trở lại, còn Trung Quốc và Ấn Độ sẽ lấy lại nhịp độ tăng trưởng cao.
Nhà kinh tế Brian Bethune thuộc tổ chức nghiên cứu toàn cầu IHS Global Insight, cho rằng do các hoạt động kinh tế thế giới suy giảm nên trong năm 2009 sẽ có thêm ít nhất 10 triệu người mất việc làm, chủ yếu tại Mỹ và các nước châu Âu. Theo IMF, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể ở mức 8,9% năm 2009 và tăng lên 10,1% năm 2010, so với các con số dự kiến tương ứng 9% và 10,8% của Đức; 7,4% và 9,2% của Anh.
Trong khi đó, IMF cho hay nguồn vốn mà các nước Trung Đông giàu tài nguyên dầu mỏ tích lũy được trong giai đoạn giá dầu tăng cao kỷ lục đang giúp họ hạn chế bớt những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Tăng trưởng kinh tế khu vực Trung Đông sẽ chậm lại, từ mức 6% năm 2008 còn 2,5% năm 2009.
Đối với châu Phi, IMF cảnh báo những thành quả kinh tế mà các nước châu lục này đạt được một cách khó khăn đang đứng trước nguy cơ tan biến do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, và họ cần phải nhanh tay hành động để ngăn chặn tình trạng đói nghèo lan rộng. Dự đoán, tăng trưởng kinh tế châu Phi sẽ giảm từ 5,25% năm 2008 còn 2% năm 2009.
Tình cảnh kinh tế Mỹ Latinh trong năm 2009 cũng không khá hơn khi IMF dự đoán kinh tế khu vực này sẽ giảm 1,6%, thấp hơn mức dự đoán hồi tháng 1/09. IMF nhấn mạnh Mỹ Latinh sẽ chịu tác động hỗn hợp của sự suy giảm giá các nguyên liệu thô, dòng vốn đầu tư, du lịch và kiều hối.
Trong khi đó, giáo sư Krugman, giải Nobel Kinh tế 2008, đã đưa ra bốn lý do giải thích vì sao nên thận trọng trước những tín hiệu được cho là khả quan hiện nay về kinh tế toàn cầu.
Thứ nhất, mọi vấn đề vẫn đang trong tình trạng tồi tệ. Sản xuất công nghiệp vừa sụt giảm đến mức thấp nhất trong 10 năm qua. Các dự án xây dựng vẫn được triển khai chậm chạp đến mức khó tin.
Thứ hai, trong thời gian gần đây xuất hiện một số thông tin tốt, nhưng không mấy thuyết phục. Thông tin khả quan nhất là từ các ngân hàng với công bố rằng họ thu được lợi nhuận lớn một cách đáng ngạc nhiên. Những nghi ngại là điều đương nhiên trong thời đại có “siêu lừa” Madoff hiện nay.
Thứ ba, thời điểm hiện nay có thể được so sánh như một khoảng lặng trước một cơn bão lớn. Bởi ngay trước cuộc Đại Khủng hoảng năm 1931, nền kinh tế thế giới có một khoảng thời gian ngưng sụt giảm khoảng một năm rưỡi sau khi bắt đầu cuộc khủng hoảng (tương tự như thời điểm hiện nay của chúng ta). Nhưng tiếp theo là một loạt các ngân hàng sụp đổ trên cả hai bờ Đại Tây Dương, thêm vào đó là một số chính sách vô cùng nguy hại của các quốc gia nhằm cố gắng bảo vệ đồng nội tệ. Thảm họa trên của nền kinh tế thế giới liệu có thể xảy ra một lần nữa hay không? Có thể sẽ không gặp thảm họa tương tự như năm 1931, nhưng, còn quá sớm để khẳng định rằng thời kỳ tồi tệ nhất đã qua.
Thứ tư, thậm chí ngay cả khi mọi vấn đề của nền kinh tế đã được giải quyết thì nó vẫn chưa thể kết thúc. Suy thoái kinh tế năm 2001 chính thức kéo dài chỉ 8 tháng, chấm dứt vào tháng 11/2001. Tuy nhiên, tình trạng thất nghiệp vẫn tăng mạnh một năm rưỡi sau đó. Hiện tượng này cũng đã xảy ra sau giai đoạn suy thoái 1990-1991. Và có mọi lý do để khẳng định rằng giai đoạn này cũng diễn ra như vậy, theo đó, không ai ngạc nhiên nếu nạn thất nghiệp vẫn tiếp tục tăng trong cả năm 2010.
Lịch sử thế giới cho thấy, việc phục hồi của nền kinh tế, trong đó tạo ra khối lượng việc làm lớn cho người lao động, chỉ có thể xảy ra khi có mức cầu tăng mạnh. Điều này chưa xảy ra trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay./.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ