Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 17/03/2009-14:37:00 PM
Đông Á và ASEAN cùng nỗ lực vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu
Hội thảo Khủng hoảng tài chính và vai trò của đầu tư do Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN - Đông Á (ERIA) và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hôm nay (17/3) đã tập trung thảo luận về mức độ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tới các nền kinh tế châu Á cũng như vai trò của đầu tư trong khôi phục kinh tế khu vực.

Đẩy mạnh sản xuất, tập trung đẩy mạnh thị trường nội địa góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế

Theo ông Nishimura, Giám đốc ERIA, tại diễn đàn này, các nước Đông Á nói chung và các nước ASEAN nói riêng cần nỗ lực hợp tác tìm ra các giải pháp hữu hiệu giảm thiểu thiệt hại từ khủng hoảng, qua đó góp phần đẩy nhanh quá trình hồi phục của kinh tế thế giới. Đồng thời có những giải pháp chuẩn bị cho thời kỳ hậu khủng hoảng.

Nhận định về tình hình khó khăn chung của các quốc gia Đông Á nói chung và các nước ASEAN nói riêng, tiến sĩ Zhang Yunling (Trung Quốc) cho rằng các nước Đông Á, ASEAN quá phụ thuộc vào nhu cầu của nước ngoài, do vậy khi lượng cầu này giảm lập tức xuất khẩu và các ngành sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề.

Bên cạnh đó, hệ thống sản xuất trong khu vực chủ yếu được hỗ trợ từ nhu cầu của châu Âu và Mỹ, trong khi đó hợp tác vùng trong sản xuất và tiêu thụ không hiệu quả nên khi các quốc gia Âu, Mỹ gặp khủng hoảng lập tức có tác động tiêu cực đến kinh tế trong khu vực.

Tuy nhiên về ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới tới các nước trong khu vực Đông Á nói chung và ASEAN nói riêng, theo Giáo sư Sayuri Shirai (Nhật Bản) là nhỏ.

GS. Sayuri Shirai cho biết ngân hàng thua lỗ không nhiều (vì đầu tư hạn chế vào các tài sản có liên quan đến việc cho vay dưới chuẩn ở Mỹ), tỷ lệ nợ của hộ gia đình/GDP thấp (Nhật Bản 70%, Trung Quốc 13%, Hàn Quốc 80%); giao dịch qua khu vực biên giới tương đối hạn chế; khu vực ngân hàng tương đối lành mạnh (tỷ lệ nợ xấu và nợ/tiền gửi thấp; dự trữ ngoại tệ đủ (tỷ lệ nợ nước ngoài/dự trữ ngoại tệ của Việt Nam là 107% nhưng các khoản vay ngắn hạn chỉ là 8%) và nợ nước ngoài thấp (Hàn Quốc, Việt Nam là 30%).

Theo các diễn giả, mặc dù chịu ảnh hưởng nhiều hơn do độ mở của nền kinh tế lớn, song giải pháp tối ưu nhất hiện nay vẫn là cần tăng cường hòa nhập hơn nữa giữa các nền kinh tế trong khu vực Đông Á - ASEAN và với thế giới.

Bên cạnh đó, khai thác tối đa nhu cầu của thị trường nội địa từng quốc gia và thị trường khu vực Đông Á - ASEAN là hết sức cần thiết. Nói cách khác đó là đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng tại thị trường nội địa hơn nữa thông qua các chính sách ưu đãi thuế, cho vay tiêu dùng… bên cạnh các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu.

Về tình hình kinh tế Việt Nam, TS. Fukunari Kimura nhận định, hiện nay chính sách thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam rất mạnh, điều này là hợp lý. Tuy nhiên Việt Nam cũng cần quan tâm hơn việc cân đối giữa các chính sáchcũng như cần xem xét kỹ hơn môi trường đầu tư của các quốc gia khác nhau. Tập trung vào đẩy mạnh thị trường nội địa, đảm bảo an sinh xã hội. Xuất khẩu cần kết hợp chặt chẽ hơn với kích cầu nội địa.

TS. Võ Trí Thành (CIEM) nhận xét con số tăng trưởng của Việt Nam năm 2009 là 0,3% do Tạp chí The Economist đưa ra cần xem xét thật kỹ, bởi tăng trưởng nông nghiệp của Việt Nam năm nay sẽ rất tốt khoảng 3,5 đến 5%. Nông nghiệp hiện chiếm 20% GDP sẽ đóng góp khoảng 0,8% tăng trưởng GDP.

Tăng trưởng dịch vụ khoảng 4 đến 5%, dịch vụ chiếm 40% GDP, như vậy đóng góp cho GDP sẽ khoảng 1,6%. Cùng với tăng trưởng của công nghiệp, dịch vụ thì con số tăng trưởng 4% là hoàn toàn có thể đạt được.


Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1641
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)