Mục tiêu của Chiến lược tổng thể và chính sách bảo hộ sản xuất công nghiệp trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế, quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) giai đoạn đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là trợ giúp các nhà sản xuất trong nước từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa và mở rộng thị trường ngoài nước.
Trên cơ sở các cam kết quốc tế và quy định của WTO, tận dụng các biện pháp thuế và phi thuế nhằm trợ giúp các doanh nghiệp công nghiệp trong nước thuộc mọi thành phần kinh tế, trước mắt là tập trung cho các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, nhằm tạo lập và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Có 2 nhóm chính sách bảo hộ sản xuất công nghiệp trong nước, gồm nhóm chính sách liên quan đến các biện pháp thuế, phi thuế và nhóm chính sách liên quan đến nâng cao khả năng cạnh tranh.
Tiếp tục bảo hộ bằng thuế đối với một số ngành hàng cần hỗ trợ
Trong điều kiện cho phép và phù hợp với các quy định của WTO và cam kết của Việt Nam về lộ trình giảm thuế suất nhập khẩu, tiếp tục bảo hộ bằng thuế đối với một số loại ngành hàng cần được hỗ trợ. Áp dụng linh hoạt các phương pháp tính thuế; tiếp tục nghiên cứu, áp dụng có hiệu quả thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng nhằm bảo vệ sản xuất trong nước tránh khỏi những cạnh tranh không bình đẳng của hàng nhập khẩu.
Về các giải pháp phi thuế, duy trì các chính sách đầu tư, ưu đãi đầu tư đang thực hiện không trái với quy định của WTO; bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất các chính sách đầu tư, ưu đãi đầu tư dưới các hình thức khác như hỗ trợ nghiên cứu phát triển, giáo dục đào tạo, đầu tư cải tiến trang thiết bị...
Từng bước xóa bỏ mọi hình thức bao cấp
Về đầu tư, tập trung phát triển các sản phẩm trong nước có lợi thế cạnh tranh cả trên thị trường nội địa và thị trường quốc tế. Khắc phục cơ bản tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu chiến lược dài hạn và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực cần nhiều vốn, có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tiêu hao ít tài nguyên.
Bên cạnh đó là các giải pháp về sản xuất, kinh doanh, dịch vụ công nghiệp trên cơ sở phân loại các mặt hàng công nghiệp thành các nhóm hàng theo những tiêu chí nhất định, như: hàng hóa thông thường, hàng hóa có tác động quan trọng đến KT-XH, hàng hóa của các ngành truyền thống, hàng hóa của các ngành công nghiệp "non trẻ"... để có những biện pháp và mức độ bảo hộ phù hợp.
Chiến lược xác định nội dung từng bước xóa bỏ mọi hình thức bao cấp, trong đó có bao cấp qua giá, thực hiện giá thị trường cho mọi loại hàng hóa, dịch vụ theo lộ trình đã cam kết với WTO; tạo lập đồng bộ hệ thống thị trường (như thị trường hàng hoá và dịch vụ, thị trường tài chính, bất động sản, thị trường lao động và thị trường khoa học - công nghệ). Cụ thể, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng quan hệ liên kết bảo đảm nguyên liệu, chế biến, phân phối sản phẩm trên thị trường. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các biện pháp xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường để hoạch định chiến lược kinh doanh thích hợp.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ