(MPI Portal) - Sau Thông cáo báo chí về chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc tại Nhật Bản, MPI Portal xin đăng tải toàn văn Báo cáo của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản phòng chống tham nhũng liên quan đến ODA Nhật Bản về vụ việc CPI. Toàn văn Báo cáo, cụ thể như sau:
BÁO CÁO CỦA ỦY BAN HỖN HỢP VIỆT NAM - NHẬT BẢN
PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG LIÊN QUAN ĐẾN ODA NHẬT BẢN
(CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG LIÊN QUAN ĐẾN ODA)
12/2008
1. Vụ việc PCI và tình hình hiện nay
Vào tháng 8/2008, liên quan tới một dự án sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản, dự án Xây dựng Đại lộ Đông – Tây thành phố Hồ Chí Minh, 4 cựu quan chức của Công ty tư vấn Thái Bình Dương (sau đây gọi là “PCI”) đã bị bắt và buộc tội cùng với PCI, với tư cách là một công ty, tội vi phạm Luật chống cạnh tranh không bình đẳng (bị khẳng định đã hối lộ các quan chức nước ngoài). Vào ngày 11/11, phiên toà đầu tiên đã được tổ chức tại Nhật Bản và các cựu quan chức của PCI đã thừa nhận các bằng chứng đưa ra trong lời buộc tội là PCI đã chuyển 600.000 đôla Mỹ tiền mặt vào tháng 12/2003 và khoảng 220.000 đôla Mỹ tiền mặt vào tháng 8/2006 cho quan chức cao cấp thuộc Ban Quản lý dự án Cải thiện môi trường nước và Xây dựng đại lộ Đông – Tây thành phố Hồ Chí Minh nhằm đạt được các hợp đồng tư vấn cho dự án Xây dựng đại lộ Đông – Tây thành phố Hồ Chí Minh.
Song song với phiên tòa tổ chức tại Nhật Bản, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, công tác điều tra đang được tiến hành tại Việt Nam, và Giám đốc Ban Quản lý dự án Cải thiện môi trường nước và Xây dựng đại lộ Đông – Tây thành phố Hồ Chí Minh, người bị cho rằng đã nhận hối lộ trái phép, đã bị tạm dừng công tác vào ngày 19/11/2008. Bộ Công an đã bắt đầu thủ tục khởi tố vụ án (nghĩa là chính thức điều tra theo luật của Việt Nam) vào ngày 09/12/2008.
2. Thành lập Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản phòng chống tham nhũng liên quan tới ODA Nhật Bản
Hai Chính phủ coi vụ việc PCI là nghiêm trọng vì nó có thể làm xói mòn lòng tin của ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam. Với nhận thức rằng Chính phủ 2 nước cần các cơ quan liên quan và các công ty tư vấn nhanh chóng đưa ra được và thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống tham nhũng liên quan tới ODA nhằm khôi phục lòng tin của công chúng đối với ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam, ông Masato Kitera,Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 18 đến 20/9. Ông Kitera đã thông báo cho Chính phủ Việt Nam nhận thức nghiêm trọng của công chúng đối với vụ việc PCI tại Nhật Bản và thảo luận với ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như các quan chức chính phủ khác về cách giải quyết vấn đề, nhằm khôi phục lòng tin của công chúng đối với ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam.
Tiếp theo, Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã xem xét kỹ lưỡng vụ việc PCI và tái khẳng định rằng các vụ việc tham nhũng liên quan đến ODA, bao gồm cả vụ việc PCI, cần được xử lý nghiêm khắc. Hơn nửa, cả hai Chính phủ cũng nhất trí thành lập một Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản phòng chống tham nhũng liên quan tới ODA Nhật Bản để phối hợp thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống tham nhũng liên quan tới ODA.
Sau đó, Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã tổ chức cuộc họp Uỷ ban hỗn hợp thứ nhất vào ngày 7/11, và buổi họp thứ hai vào ngày 19/12. Uỷ ban đã thảo luận và thẩm tra các biện pháp mới cụ thể và hiệu quả phía Việt Nam và Nhật Bản cần thực hiện, nhằm phòng chống các vụ việc tương tự tái diễn. Kết quả thảo luận là hai Chính phủ nhất trí thực hiện các biện pháp sau.
Với sự ra đời của Luật Phòng chống tham nhũng (11/2005), Việt Nam đã củng cố mạnh mẽ các biện pháp phòng chống tham nhũng, thông qua các biện pháp như ban hành Nghị định 107 (xác định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức và đơn vị trong trường hợp xảy ra tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức và đơn vị của họ), Nghị định 120 (quy định và hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Luật chống tham nhũng) và Luật Đấu thầu (vào tháng 11/2005, có hiệu lực từ ngày 01/4/2006). Việt Nam đã củng cố hơn nữa các biện pháp này bằng việc thành lập Ban Chỉ đạo chống tham nhũng trung ương vào tháng 8/2006, nhằm đối phó với vụ việc tham nhũng vào đầu năm 2006 khi nguyên Tổng Giám đốc và các quan chức của Ban Quản lý dự án 18 trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải (sau đây gọi là “PMU 18”) bị bắt với tội danh cá độ bóng đá bất hợp pháp và hối lộ. Mặc dù vụ việc PCI xuất hiện trước khi các biện pháp chống tham nhũng trên được thực hiện, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thực hiện các biện pháp sau nhằm tăng cường các nỗ lực chống tham nhũng, phản ứng với vụ việc PCI.
3. Các thủ tục đấu thầu chặt chẽ và minh bạch hơn đối với các dự án vốn vay ODA Nhật Bản
(1) Đánh giá hồ sơ dự thầu tư vấn bởi bên thứ ba
Việt Nam đã ban hành Nghị định số 116/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 thành lập “Cục Quản lý Đấu thầu" trực thuộc MPI (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Việt Nam sẽ bắt buộc các nhân viên của “Trung tâm hỗ trợ đấu thầu” trực thuộc Cục hoặc tổ chức, cá nhân khác có đủ năng lực theo qui định tại Luật Đấu thầu, tham gia như là một bên thứ ba độc lập và công bằng, vào ban (hoặc các tổ chức tương tự) đánh giá hồ sơ dự thầu tư vấn do các cơ quan thực hiện dự án tổ chức.
Thêm vào đó, Việt Nam cũng bắt buộc nhân viên của Trung tâm này tham gia vào việc đánh giá hồ sơ thầu của nhà thầu xây lắp với tư cách bên thứ ba.
(2) Tăng cường năng lực cho cơ quan thực hiện dự án liên quan tới công tác đấu thầu và quản lý hợp đồng.
Trung tâm hỗ trợ đấu thầu của phía Việt Nam sẽ bắt đầu việc giám sát, hướng dẫn và đào tạo vào cuối quí I năm 2009, nhằm cải thiện nhận thức của chủ đầu tư rằng tiền đề cơ bản cho sự thành công của các dự án và công tác chống tham nhũng là đánh giá hồ sơ thầu và lựa chọn tư vấn một cách công bằng và chính xác. Phía Việt Nam cũng sẽ tăng cường năng lực cho các chủ đầu tư liên quan tới hoạt động và quản lý hợp đồng của các dự án.
(3) Giới thiệu hệ thống đấu thầu điện tử
Việc áp dụng hệ thống đấu thầu điện tử sẽ rất hiệu quả đế xử lý toàn diện các thông tin liên quan tới đấu thầu nhằm loại bỏ những ý đồ gian lận. Phía Việt Nam sẽ phát triển chương trình đấu thầu điện tử từ năm 2009 đến 2015. Trong chương trình này, phía Việt Nam sẽ phát triển một hệ thống điện tử nhằm cải thiện tính minh bạch, bằng việc chia sẻ thông tin về đánh giá hồ sơ thầu và kết quả đấu thầu liên quan đến quá trình mua sắm, trong khi giới hạn tiếp cận không được phép vào hệ thống nhằm ngăn chặn việc sửa hệ thống.
(4) Công bố rộng rãi thông tin liên quan đến đấu thầu
Phía Việt Nam sẽ bắt đầu vào quí II năm 2009 việc công bố trên tờ báo chính thức có tên gọi “Báo Đấu thầu”, thông tin rộng rãi các thông tin liên quan đến đấu thầu như: Đối với dịch vụ tư vấn có giá trị hợp đồng tư vấn trên 100 triệu Yên Nhật Bản: 1) tên, quốc tịch của các công ty tư vấn nộp hồ sơ thầu. 2) tên, quốc tịch của (các) công ty tư vấn được xếp hạng cao nhất. 3) tên, quốc tịch của (các) công ty tư vấn được được ký hợp đồng 4) giá trị hợp đồng. Đối với phần việc xây lắp có giá trị hợp đồng trên 01 tỉ Yên Nhật Bản: 1) tên, quốc tịch và giá dự thầu của các nhà thầu 2) tên, quốc tịch của (các) nhà thầu thành công 3) tên, quốc tịch của (các) nhà thầu xây lắp được ký hợp đồng 4) giá trị hợp đồng. Thêm vào đó, phía Việt Nam cũng sẽ bắt đầu đưa các thông tin đó trên trang web chính thức vào quí II năm 2009.
(5) Tăng cường công tác hậu kiểm liên quan đến đấu thầu
Ngoài việc đang tiến hành hậu kiểm đối với các dự án đầu tư công trong nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ bắt đầu thực hiện hậu kiểm liên quan tới dự án sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản vào quí I năm 2009. Về mặt này, MPI sẽ tham vấn với Chính phủ Nhật Bản và JICA trong việc quyết định các dự án nào sẽ tiến hành hậu kiểm, nhằm tối đa hóa hiệu quả của công tác hậu kiểm trên khía cạnh phòng chống tham nhũng.
4. Giải quyết từng vụ việc tham nhũng liên quan tới ODA
(1) Thành lập một hệ thống báo tin, bao gồm các biện pháp nhằm bảo vệ người báo tin
Việt Nam đã thành lập đường dây nóng về đấu thầu tại Cục Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ ngày 01/01/2008. Vào tháng 6/ 2009, Việt Nam sẽ xây dựng qui định về việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin về các vụ việc nghi vấn tham nhũng.
Việt Nam đã ban hành Luật khiếu nại, tố cáo từ năm 2005, trong đó những người báo tin, cả Việt Nam và nước ngoài đều được bảo vệ. Việt Nam sẽ ban hành một luật riêng biệt nhằm bảo vệ nhân chứng (cả Việt Nam và nước ngoài) vào tháng 6/2010.
Thêm vào đó, Việt Nam sẽ đảm bảo rằng những người báo tin về các vụ việc nghi vấn tham nhũng không bị đối xử bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh của họ.
(2) Điều tra nhanh chóng các vụ tham nhũng và chia sẻ thông tin với Chính phủ Nhật Bản và JICA.
Sau khi nhận được thông tin có độ tin cậy cao về vụ việc tham nhũng liên quan đến ODA Nhật Bản, Việt Nam sẽ thực hiện việc điều tra nhanh chóng và chia sẻ thông tin với phía Nhật Bản một cách kịp thời.
5. Củng cố hệ thống/tổ chức nhằm phòng chống tham nhũng
(1) Chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng tới năm 2020, hiện nay đang ở trong giai đoạn phê duyệt cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ, sẽ được đưa vào thực hiện có sự tham vấn chặt chẽ với các nhà tài trợ.
(2) Căn cứ vào Chiến lược, Việt Nam sẽ thực hiện Kế hoạch hành động trong thời gian sớm nhất, bao gồm:
a) Phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng -vào tháng 6/2009.
b) Rà soát các hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng (cả ở cấp trung ương và địa phương) và tăng cường công tác giám sát của Ban Chỉ đạo trung ương.
c) Ban hành qui định về tiếp nhận và xử lý thông tin, khiếu nại về tham nhũng vào tháng 6/2009.
(3) Bộ Tư pháp sẽ dự thảo Nghị định về sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng nói chung và các tổ chức xã hội-nghề nghiệp vào công tác hoạch định luật, chính sách vào tháng 6/2009.
(4) Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử/đạo đức vào tháng 6/2009. Theo Bộ Quy tắc ứng xử/đạo đức, tất cả các cơ quan và công ty dự thầu liên quan sẽ có trách nhiệm ký và tuân thủ Bộ Quy tắc.
JICA vốn đã thực hiện nhiều biện pháp chống tham nhũng. Ví dụ, để đảm bảo các các thủ tục tuyển tư vấn một cách minh bạch, JICA đã xây dựng và giới thiệu Hướng dẫn tuyển chọn tư vấn, và khẳng định tính thống nhất của thủ tục này với các thủ tục tuyển tư vấn của chủ đầu tư thông qua thủ tục phải có nhất trí của JICA đối với giao kết hợp đồng v.v. Hơn nữa, JICA cũng thông báo kết quả đấu thầu trên website của JICA. Do vậy, việc rà soát và tăng cường hơn nữa các biện pháp chống tham nhũng đang sử dụng là rất quan trọng. Quan trọng nhất là việc JICA đã quyết định tăng cường các hoạt động và củng cố hệ thống liên quan đến các biện pháp chống tham nhũng thông qua việc sửa đổi Hướng dẫn về tuyển chọn tư vấn vào tháng 3/2009. Thêm vào đó, Chính phủ Nhật Bản và JICA đang rà soát và thể chế hóa hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin liên quan tới tham nhũng do hệ thống này chưa có ở thời điểm này. Dưới đây là các biện pháp cụ thể sẽ được phía Nhật Bản thực hiện.
6. Tăng cường các biện pháp chống tham nhũng đang sử dụng liên quan đến vốn vay ODA
(1) Tăng cường các thủ tục đòi hỏi sự nhất trí của JICA
Khi chủ đầu tư của nước tiếp nhận ODA tuyển tư vấn, JICA đòi hỏi chủ đầu tư của các nước tiếp nhận ODA phải đạt được sự nhất trí của JICA tại từng giai đoạn, ví dụ như khi (1) gửi thông báo mời thầu, (2) đánh giá hồ sơ thầu, và (3) giao kết hợp đồng. Hơn nữa, về nguyên tắc, JICA thực hiện việc kiểm tra sơ bộ bằng việc thuê các chuyên gia bên ngoài nhằm đảm bảo các văn bản nhất trí thống nhất với các hướng dẫn liên quan. Hơn nữa, trong Các điều kiện và quy tắc chung, JICA đòi hỏi việc trình các tài liệu mà JICA coi là cần thiết.
Với mục đích phòng chống tham nhũng, việc tăng cường các thủ tục đòi hỏi sự nhất trí của JICA là rất cần thiết. Do vậy, JICA sẽ quy định rõ trong [Công hàm trao đổi, Hiệp định vay] v.v rằng JICA đòi hỏi cung cấp tất cả các tài liệu mà JICA coi là cần thiết phải được nhất trí, và quốc gia tiếp nhận cần đáp ứng yêu cầu này một cách chân thành.
(2) Mở rộng công tác hậu kiểm
JICA chỉ thực hiện công tác hậu kiểm đối với thủ tục đấu thầu tuyển chọn nhà thầu bằng cách sử dụng các chuyên gia bên ngoài. Từ nay về sau, JICA sẽ thực hiện công tác hậu kiểm cả với thủ tục tuyển chọn tư vấn. Khi thực hiện công tác hậu kiểm, bản thân JICA sẽ kiểm toán các tài liệu chào thầu (tài liệu chào thầu dự án, các hoạt động của công ty trong quá khứ, nhân sự, v.v). Hơn nữa, đối với các dự án đang thực hiện (mà không có việc quy định về công tác hậu kiểm [trong Công hàm trao đổi, Hiệp định vay] v.v), JICA sẽ thực hiện công tác hậu kiểm trong trường hợp cần thiết với sự hợp tác của các quốc gia tiếp nhận ODA.
(3) Tăng cường hỗ trợ tuyển chọn tư vấn
JICA đã cử các chuyên gia hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho các chủ đầu tư tại các quốc gia tiếp nhận ODA nếu họ thiếu kinh nghiệm về đấu thầu, bao gồm cả thầu tuyển tư vấn. Từ nay trở đi, với quan điểm tăng cường hỗ trợtuyển tư vấn một cách công bằng và minh bạch, đối với các gói thầu tư vấn lớn (ví dụ, các hợp đồng với phí hợp đồng lớn hơn 1 tỷ Yên Nhật), bất kể chủ đầu tư có kinh nghiệm hay không, JICA sẽ cử các chuyên gia như vậy sang hỗ trợ.
(4) Tăng cường tổ chức các hội thảo về đấu thầu
JICA đã tổ chức các hội thảo về đấu thầu cho cán bộ của các chủ đầu tư phụ trách đấu thầu tuyển chọn tư vấn và mua sắm. Từ nay trở đi, JICA cũng sẽ cung cấp các bài trình bày và thảo luận về các biện pháp chống tham nhũng liên quan tới ODA tại các hội thảo này.
(5) Chia sẻ thông tin về các công ty có liên quan tới tham nhũng
Chính phủ Nhật Bản và JICA sẽ chia sẻ thông tin về các công ty có liên quan tới các vụ việc tham nhũng với các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ khác. Để thu thập được thông tin thích hợp về các công ty dính líu tới tham nhũng trong quá khứ, Chính phủ Nhật Bản và JICA cũng sẽ giới thiệu một hệ thống, ví dụ như đòi hỏi các công ty tham gia đấu thầu phải trình một văn bản cam kết tuyên bố rằng không dính líu tới tham nhũng trong các dự án viện trợ trước đây.
7. Giới thiệu các biện pháp mới đối với ODA Nhật Bản (thông qua việc sửa đổi Hướng dẫn tuyển tư vấn trong các dự án sử dụng ODA Nhật Bản)
(1) Giới thiệu QCBS (Tuyển chọn tư vấn dựa trên chất lượng và chi phí)
JICA sẽ quy định trong Hướng dẫn tuyển tư vấn trong các dự án sử dụng ODA Nhật Bản (sau đây gọi là “Hướng dẫn”) rằng JICA sẽ giới thiệu các khía cạnh của công tác đánh giá thầu dựa trên chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, JICA sẽ thiết kế một cơ chế cân bằng, dựa trên các nguyên tắc như QBS có thể được duy trì khi thích hợp và việc đánh giá chỉ dựa trên các yêu tố liên quan tới chất lượng là hợp lý, và với mong muốn đảm bảo chất lượng và an toàn thích đáng, các yếu tố chất lượng sẽ được cho trọng số thích hợp khi đánh giá.
(2) Hạn chế đối với các hợp đồng đàm phán (chỉ định thầu)
JICA cho phép các chủ đầu tư tuyển các tư vấn cụ thể nếu thỏa mãn một số điều kiện nhất định trong Hướng dẫn. Tuy nhiên, JICA sẽ quy định trong Hướng dẫn rằng các hợp đồng đàm phán như vậy sẽ bị hạn chế trong một số trường hợp đặc biệt và sẽ áp dụng các quy định khắt khe hơn đối với các hợp đồng đàm phán (chỉ định thầu).
(3) Áp dụng Thẩm vấn
JICA sẽ quy định trong Hướng dẫn việc các chủ đầu tư sẽ phải công bố kết quả đánh giá cuối cùng cho các nhà thầu không được lựa chọn, và giải thích trong trường hợp các nhà thầu yêu cầu. Với quy định như vậy, trách nhiệm giải trình của các chủ đầu tư sẽ được quy định rõ ràng, và JICA, dựa trên Hướng dẫn, sẽ đưa ra các chỉ dẫn thích hợp cho các chủ đầu tư trong trường hợp họ không đáp ứng được yêu cầu của các nhà thầu.
8. Xử lý thông tin liên quan tới tham nhũng
(1) Thiết lập cơ chế xử lý thông tin
Chính phủ Nhật Bản và JICA sẽ thể chế hoá cơ chế xử lý thông tin về tham nhũng, bao gồm cả việc hối lộ. Cơ chế này sẽ nhận, thu thập, kiểm tra thông tin một cách toàn diện, và trong trường hợp cần thiết, thông báo các thông tin như vậy tới các quốc gia tiếp nhận viện trợ. Đồng thời, điều này sẽ được quy định [trong Công hàm trao đổi, v.v] rằng các quốc gia tiếp nhận ODA không được đối xử bất bình đẳng với người báo tin về các vụ việc tham nhũng.
(2) Trách nhiệm giải trình của Chính phủ các quốc gia tiếp nhận.
Sẽ được quy định [trong Công hàm trao đổi, v.v] rằng trong trường hợp Chính phủ Nhật Bản và JICA có thông tin liên quan tới tham nhũng có sự dính líu của quan chức chính phủ các quốc gia tiếp nhận ODA, Chính phủ Nhật Bản và JICA có quyền yêu cầu Chính phủ các quốc gia tiếp nhận ODA Nhật Bản giải trình.
(3) Công bố thông tin về các cơ chế mới trên tới Chính phủ các nước tiếp nhận ODA và cộng đồng các công ty tư vấn.
Chính phủ Nhật Bản và JICA sẽ phổ biến thông tin liên quan tới việc xử lý các thông tin liên quan tới tham nhũng và trách nhiệm giải trình của các nước tiếp nhận ODA tới Chính phủ các nước tiếp nhận ODA và cộng đồng các công ty tư vấn tại Nhật Bản.
9. Củng cố việc tuân thủ của cộng đồng doanh nghiệp tư vấn tại Nhật Bản.
Cộng đồng các công ty tư vấn sẽ tăng cường và xúc tiến hơn nữa các hoạt động tăng cường năng lực liên quan đến việc tuân thủ tới các công ty thành viên và mở rộng việc giám sát thực địa bằng việc tổ chức các hội thảo và hội nghị. Họ cũng sẽ khuyến khích các công ty tư vấn nhỏ và vừa áp dụng các hoạt động về tuân thủ như vậy.
Liên quan tới các biện pháp được giới thiệu ở trên, tiến trình thực hiện sẽ được theo dõi chặt chẽ và rà soát tại các sự kiện như Hội nghị tư vấn chính sách ODA, Đối thoại về vốn vay ODA Nhật Bản giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản.
Nguồn: Vụ Kinh tế Đối ngoại