Mặc dù kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước trong 6 tháng đầu năm 2009 mới chỉ đạt 4 tỷ USD so với mục tiêu cả năm đề ra là 9,5 tỷ USD, nhưng những tín hiệu tốt từ thị trường dệt may hiện nay đang hứa hẹn sự phục hồi và bứt phá trong thời gian sắp tới.
|
Hiện nhiều doanh nghiệp đưa ra mức lương cho công nhân từ 2 triệu đồng/tháng trở lên
|
Hiệp hội Dệt may cho biết, tín hiệu đáng mừng là hiện nay, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn đã có đơn hàng trở lại tới hết tháng 10/2009; đơn hàng sản xuất trong tháng 6-7/2009 đã ký kết được khá nhiều. Một số doanh nghiệp lớn đã phải chuyển bớt một phần đơn hàng đi gia công tại nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương mới kịp giao hàng.
Theo ông Nguyễn Sơn, Phó Tổng Thư ký Vitas, số lượng đơn hàng của các doanh nghiệp, đặc biệt là mặt hàng jacket phục vụ nhu cầu tiêu thụ cho mùa thu đông sắp tới tại thị trường Mỹ và châu Âu, đang có xu hướng tăng cao so với quý I/2009.
Các doanh nghiệp dệt may tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn hàng đã tăng lên 15%-20% so với đầu năm.
Sự hồi phục của xuất khẩu dệt may ngay trong thời điểm khó khăn này đã cho thấy những lợi thế nhất định của ngành Dệt may Việt Nam. Hiện Việt Nam là nước duy nhất tại ASEAN có mức tăng trưởng dương trong năm 2009 đối với lĩnh vực này.
So với các nước, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam 6 tháng đầu năm chỉ giảm ít, ở mức không quá 5% là do xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản có tăng trưởng khá, tăng khoảng 25% và đã “bù đắp” cho các thị trường khác. Việc tăng trưởng này có sự thúc đẩy mạnh mẽ từ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực từ đầu năm 2009. Theo đó, nếu đáp ứng yêu cầu xuất xứ nguồn nguyên phụ liệu, thuế suất nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam vào Nhật Bản sẽ được hưởng mức 0%, thay vì mức 5%-10% như trước đây.
Mỹ vẫn là thị trường số 1 của hàng dệt may Việt Nam trong nhiều năm qua, với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 5 tỷ USD trong năm 2008 và chiếm đến 57% thị phần của hàng dệt may Việt Nam.
Các chuyên gia ngành dệt may nhận định, nếu số lượng đơn hàng xuất khẩu ổn định và phân bố đều ở tất cả các thị trường như hiện nay, khả năng có thể đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2009 đối với mặt hàng này. Tuy nhiên, do giá trị hàng dệt may xuất khẩu đã giảm mạnh từ 10-15% nên lợi nhuận từ hàng xuất khẩu cũng không cao.
Để tận dụng tốt cơ hội và tạo sức bật nhằm đạt được mục tiêu xuất khẩu, ngành dệt may còn đặc biệt chú trọng vào nguồn nhân lực. Bởi vì, hiện nay, nhiều doanh nghiệp Dệt may đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động. Trung bình ngành dệt may thành phố Hồ Chí Minh thiếu khoảng 10%-15% lao động để có thể đẩy mạnh sản xuất cho những tháng cuối năm. Nhiều doanh nghiệp cần tăng 30% số lao động để có thêm năng lực, chủ động nhận đơn hàng mới./.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ