Sáng 27/6, phát biểu tại Hội nghị tổng kết 20 năm thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, trong 20 năm đổi mới, kinh tế TP.HCM đã tiến một bước dài trên con đường phát triển và trở thành đầu tàu của nền kinh tế cả nước. Trong sự phát triển đó, sự đóng góp của khu vực kinh tế có vốn ĐTNN, các doanh nghiệp (DN), dự án ĐTNN là vô cùng quan trọng.
|
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị
|
Vì vậy, Phó Thủ tướng lưu ý thành phố cần phát huy lợi thế trung tâm kinh tế lớn và năng động nhất nước, tiếp tục cải cách hành chính sâu rộng, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất thu hút các nhà đầu tư, các DN hoạt động và phát triển để thu hút thêm nhiều nguồn vốn vào các lĩnh vực trọng điểm của Thành phố.
Đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Trung Tín cho biết, 20 năm qua, TP.HCM luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút ĐTNN. Tính đến đầu năm 2009, nguồn vốn thực hiện đã đạt 10,1 tỷ USD, đạt gần 40% so với tổng vốn đầu tư đăng ký. Hồng Kông là vùng lãnh thổ có tổng vốn đầu tư vào TP cao nhất với hơn 3,4 tỷ USD, chiếm 19,7%, tiếp theo là Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư trên 2,8 tỷ USD, Singapore khoảng 1,98 tỷ USD. Mới đây, với các dự án FDI như: Khu đô thị Đại học quốc tế Berjaya, Công viên phần mềm Thủ Thiêm đã đưa Malaysia và Singapore lần lượt giữ các vị trí cao nhất trong đầu tư vào TP.HCM.
|
Đại diện nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao môi trường đầu tư tại thành phố Hồ Chí Minh
|
Về kinh tế, nguồn vốn ĐTNN đã góp phần quan trọng bổ sung nguồn vốn đầu tư trong nước và trở thành động lực, tạo ra “cú huých” cho tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. GDP TP. Hồ Chí Minh liên tục tăng trưởng từ 9% năm 2000 lên 12,6% năm 2007, trong đó đóng góp của khu vực ĐTNN vào GDP có xu hướng tăng dần qua cả năm, từ 3.623 tỷ đồng năm 1995 lên 9.723 tỷ đồng năm 2000, 16.655 tỷ đồng năm 2005 và 20.507 tỷ đồng năm 2007. Đến nay, tỷ trọng trong GDP khu vực này chiếm gần 20%.
Hoạt động ĐTNN cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP theo hướng nâng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Cụ thể, cơ cấu ngành công nghiệp – xây dựng tăng nhanh từ 38,5% năm 1995 lên 45,6% năm 2007, cơ cấu ngành nông, lâm, thủy sản giảm dần từ 3,35% xuống còn 1,45% năm 2007. ĐTNN cũng có nhiều tác động tích cực trong việc tăng kim ngạch xuất khẩu, phát triển hạ tầng kỹ thuật – xã hội, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Bên cạnh hiệu quả kinh tế, qua thu hút nguồn vốn FDI, thành phố đã tiếp thu những công nghệ kỹ thuật hiện đại, kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp tiên tiến và giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động của thành phố và các tỉnh khác. Ngoài ra, nguồn vốn FDI cùng các phương thức kinh doanh mới đã tạo ra sự cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và áp dụng phương pháp kinh doanh hiện đại.
Ưu tiên khắc phục điểm yếu về cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực
Cùng với những kết quả đánh giá tích cực về kết quả, vai trò ĐTNN mang lại cho TP trong 20 năm qua, lãnh đạo các Bộ, ngành, TP.HCM, các nhà đầu tư cũng thẳng thắn nhìn nhận lại những mặt hạn chế và tồn tại hiện nay, nhằm tìm ra biện pháp phát huy tối đa hiệu quả của dòng vốn đầu tư quan trọng này. Các vấn đề chính được đề cập là sự phát triển còn yếu về nguồn nhân lực, từ việc phân bổ lao động, chất lượng lao động, phân bổ thu nhập, điều kiện cũng như giải quyết tranh chấp lao động; cơ sở hạ tầng kỹ thuật yếu và thiếu đồng bộ, chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng phát triển KTXH, ĐTNN chưa góp phần hình thành nên ngành công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất trên địa bàn, một số cơ chế, thủ tục vẫn còn chồng chéo, chưa thực sự thuận lợi cho nhà đầu tư,...
Các ý kiến này cũng được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận và chia sẻ: “Bên cạnh những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP, kết quả thu hút ĐTNN trên địa bàn đã đạt những kết quả vô cùng to lớn, tạo diện mạo mới, thay đổi về chất lượng trong đời sống KTXH của TP.HCM, thì cũng có một số vấn đề tồn tại trong ĐTNN cần phải nhận diện sâu sắc hơn để rút ra những bài học kinh nghiệm chung cho cả nước, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều thay đổi hiện nay”.
Sau 4 giai đoạn thăng trầm của ĐTNN vào TP.HCM trong 20 năm qua, đây chính là thời điểm để các cơ quan hoạch định nhìn nhận, đánh giá lại vấn đề thực hiện cơ cấu kinh tế theo hướng hợp lý hơn. Trong đó, mục đích và hiệu quả dòng vốn FDI cần phải được xem xét kỹ hơn trong quy hoạch phát triển KT-XH cũng như của từng ngành kinh tế của TP. Từ đó đưa ra các mục tiêu cụ thể, khoa học về chuyển dịch cơ cấu, thu hút công nghệ, vốn và đổi mới năng lực quản lý để đạt được hiệu quả cần thiết trong thu hút vốn FDI.
Vấn đề cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực được Phó Thủ tướng đánh giá là 2 điểm yếu nhất, cần quan tâm khắc phục nhất trong thu hút đầu tư nói chung và vốn ĐTNN nói riêng của TP.HCM. Là địa bàn triển khai rất nhiều dự án, nên TP chịu sức ép rất lớn về nguồn lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề, chất lượng cao và tương tự cũng cần một cơ sở hạ tầng kỹ thuật – xã hội quy mô tương xứng. “Nhưng cả 2 lĩnh vực này đều thực hiện còn chậm và nhất là thiếu tính đồng bộ. Tôi vừa đi kiểm tra cầu Đồng Nai mới. Cầu chính thì sắp xong, nhưng đường dẫn cầu thì cuối năm 2010 mới có thể xong. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về khả năng hạ tầng đáp ứng nhu cầu đầu tư, kinh doanh của DN. Đó là sự lãng phí vô cùng”, Phó Thủ tướng ví dụ.
|
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất cho nhân dân và cán bộ thành phố Hồ Chí Minh đã có thành tích xuất sắc trong thu hút đầu tư FDI
|
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý các cơ chế, chính sách áp dụng để thu hút được vốn, vừa tranh thủ học hỏi kinh nghiệm quản lý, kinh doanh, công nghệ từ các DN có vốn ĐTNN, tăng cường cải cách hành chính bằng việc tiêu chí hóa, số liệu hóa những nội dung, giúp tạo điều kiện tối đa cho các DN, tăng khả năng giải ngân, thực hiện vốn ĐTNN trong bối cảnh kích cầu, chống suy giảm kinh tế hiện nay.
* Nhân dịp này, thay mặt Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho tập thể nhân dân và cán bộ TP.HCM đã có thành tích xuất sắc trong thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban quản lý KCX-KCN TP; Huân chương Lao động hạng Nhì cho Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP; tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các doanh nghiệp FDI có đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển KT-XH TP. Hồ Chí Minh./.
Theo Sở KH&ĐT TP.HCM, diễn biến thu hút FDI tại TP qua 20 năm, từ 1998-2008 có thể chia làm 4 giai đoạn:
+ Từ 1998 đến 1996 là giai đoạn các nhà đầu tư nước ngoài thăm dò và tăng dần mức độ tin tưởng với việc hình thành các khu chế xuất, KCN tập trung, khởi nguồn cho sự hình thành những khu đô thị mới, kiểu mẫu của Việt Nam..
+ Từ năm 1997-2000 là giai đoạn sụt giảm mạnh nhất do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ khu vực, với năm 2000 các dự án cấp mới chỉ đạt 178 triệu USD.
+ Giai đoạn 2001-2005 là giai đoạn phục hồi và phát triển với tốc độ tăng trưởng 23,1%/năm về số dự án và vốn đầu tư tăng bình quân 25,4%.
+ Giai đoạn 2006-2008 là thời kỳ thu hút vốn FDI gia tăng mạnh mẽ. Riêng năm 2008, TP.HCM đã có sự gia tăng đáng kể về số vốn FDI, dẫn đầu cả nước với 542 dự án, thu hút 8,456 tỷ USD.
|
Nguyên Linh
Cổng thông tin điện tử Chính phủ