|
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc
|
Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu đã tác động mạnh đối với kinh tế một địa phương có cơ cấu đầu tư nước ngoài cao như Vĩnh Phúc. Nếu như năm 2008, tốc độ tăng trưởng bắt đầu chậm lại nhiều so với trước đó, thì 6 tháng đầu năm 2009, những khó khăn, thách thức thể hiện rõ hơn ở tốc độ tăng trưởng GDP âm 4,26% so với 6 tháng đầu năm 2008, ước chỉ đạt 4.186 tỉ đồng. Trong đó ngành công nghiệp – xây dựng ước đạt 2.484,5 tỉ đồng, tăng trưởng âm 8,48%; nông lâm thủy sản ước đạt 764,2 tỉ đồng, tăng trưởng âm 6,32% và chỉ riêng ngành dịch vụ ước đạt 1.567,6 tỉ đồng, tăng 4,52%.
Công nghiệp và xuất khẩu suy giảm nặng nề
Theo Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh phúc Trịnh Đình Dũng, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của tỉnh đều đạt thấp so với yêu cầu nhiệm vụ kế hoạch và giảm mạnh so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 4.068 tỷ đồng bằng 34,5% kế hoạch, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm 2008. Sáu tháng đầu năm 2009, tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 3.821,8 tỷ đồng, giảm 40,9% so cùng kỳ và đạt 38,2% dự toán năm HĐND tỉnh giao, trong đó: thu nội địa ước đạt 3.121,8 tỷ đồng, giảm 24,2%; thu thuế xuất nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu ước đạt 700 tỷ đồng, giảm 33,6% so cùng kỳ. Sáu tháng đầu năm 2009 thu hút được 5 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký 80,5 triệu USD, giảm 61,5% về số dự án và giảm 45,4% về vốn đăng ký và 35 dự án đầu tư trong nước (DDI), với số vốn đăng ký 1.000 tỷ đồng, giảm 5,41% về dự án và giảm 38,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ . Vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI ước đạt 89,8 triệu USD, tăng 42,77% so với cùng kỳ và dự án DDI đạt 620 tỷ đồng, bằng 100%so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp khu vực FDI vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi do gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, nhất là 2 sản phẩm chủ lực làô tô và xe máy.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phi, với những tác động bên ngoài không thuận lợi, nhiều vấn đề chủ quan trong thực trạng, công tác quản lý kinh tế của Vĩnh Phúc cũng bộc lộ nhiều vấn đề, dẫn tới kết quả ứng phó với các “cú sốc” kinh tế không được linh hoạt, hiệu quả không cao. “Tuy nhiên, suy giảm kinh tế của tỉnh đã có dấu hiệu phục hồi. Với việc thực hiện linh hoạt các giải pháp kích thích nền kinh tế của Chính phủ, cùng những tín hiệu lạc quan trong những tháng gần đây, Vĩnh Phúc sẽ phấn đấu đạt mức tăng trưởng 3,5%”, ông Phi tin tưởng.
Đây là thời điểm đặc biệt quan trọng để cơ cấu lại đầu tư
Trong buổi làm việc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, trong cả nước, các tỉnh có tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm hơn 60 % nền kinh tế như Vĩnh phúc là những địa phương chịu tác động rõ nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới. “Sau một thời gian dài có tốc độ tăng trưởng cao, việc suy giảm là quy luật thường thấy của kinh tế. Tuy nhiên việc tăng trưởng âm 4,26% trong khi cả nước vẫn giữ tốc độ tăng trưởng dương là điều đáng suy nghĩ đối với tỉnh năng động như Vĩnh Phúc. Từ "câu chuyện" của Vĩnh Phúc, có thể thấy và rút ra những bài học đắt giá trong quá trình quản lý, định hướng phát triển và mục tiêu phòng tránh, giảm thiểu tác động tiêu cực từ những cuộc khủng hoảng trong bối cảnh hội nhập sâu rộng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cụ thể, bên cạnh những kết quả tích cực rất đáng khích lệ của kinh tế địa phương thời gian qua, thì mô hình phát triển của Vĩnh phúc nhiều năm qua là mô hình hướng ngoại, dựa nhiều vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mô hình này là phù hợp và hiệu quả trong điều kiện bình thường, nhưng lại chính là nguyên nhân khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương nặng khi kinh tế thế giới đi vào khủng hoảng như hiện nay. Điều này đặt ra những định hướng linh hoạt hơn nữa, cần phát triển tốt hơn nữa tỷ trọng công nghiệp của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước khác, đồng thời địa phương cũng cần nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân, đặc biệt là những nguyên nhân chủ quan trong chỉ đạo, điều hành để từ đó có những giải pháp phù hợp , khắc phục sự chậm chạp trong dự báo, lúng túng khi có những biến động không thuận lợi .
|
Một góc thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc
|
Phó Thủ tướng cũng cho rằng thời gian tới, các ngành sản xuất xuất khẩu cũng vẫn cần đẩy mạnh đầu tư, nhưng bên cạnh đó cũng cần có sự điều chỉnh nhất định để thích ứng với biến đổi của kinh tế thế giới thời hậu khủng hoảng. Đặc biệt là vấn đề đầu tư nhiều hơn cho nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu. Một vấn đề tương tự là tỉnh có chuyển dịch cơ cấu kinh tế tốt, nhưng chuyển dịch lao động chưa tương xứng. Vì vậy tính đến đa dạng hóa các sản phẩm, tính đến một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, trong nông nghiệp cũng phải chú ý đầu tư các giống cây trồng có giá trị, năng suất cao.
“Nếu không có giải pháp hiệu quả thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng vào lúc này , sẽ không tận dụng được thời cơ sớm ra khỏi khủng hoảng kinh tế. Muốn vậy phải tìm được những điểm còn hạn chế của từng ngành, từng lĩnh vực để nhanh chóng phát triển sau khủng hoảng. Từng bước đi ra khỏi khủng hoảng nhưng đồng thời cũng phải từng bước chiếm lĩnh những lĩnh vực đã có thế mạnh hoặc có điều kiện phát triển”, Phó Thủ tướng quán triệt./.
|