Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 26/06/2009-14:25:00 PM
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư

Kết thúc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XII, Quốc hội đã ra Nghị quyết về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2009. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nhận định, với Nghị quyết của Quốc hội và các giải pháp của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội thì tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2009 sẽ tốt hơn 6 tháng đầu năm.
Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế năm 2009 theo Nghị quyết của Quốc hội?
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII, Chính phủ đã có báo cáo rất đầy đủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm và dự kiến thực hiện trong những tháng còn lại của năm 2009. Các đại biểu cũng tham gia thảo luận rất sôi nổi và đã xây dựng những giải pháp tổng thể để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009.
Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ra nghị quyết điều chỉnh một số chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế vĩ mô, như tăng trưởng kinh tế (GDP) từ 6,5% xuống còn khoảng 5%, lạm phát dưới 10%, bội chi ngân sách dưới 7%, tăng trưởng xuất khẩu giảm xuống còn 3%. Tôi cho rằng, những điều chỉnh này là kịp thời và phù hợp với tình hình.
Sau kỳ họp Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ làm gì để triển khai thực hiện Nghị quyết này, thưa Bộ trưởng?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai ngay việc xây dựng báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chỉ tiêu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2009, vì khi báo cáo trước Quốc hội, chúng ta mới có số liệu của quý I và cập nhật thêm số liệu của tháng 4 và 5/2009. Hiện tại, chúng ta đã có đủ điều kiện về thời gian cho phép đánh giá một cách đầy đủ hơn về 6 tháng đầu năm. Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xây dựng các giải pháp điều hành thực hiện phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm để trình phiên họp Chính phủ vào đầu tháng 7 tới.
Theo Bộ trưởng, giải pháp quan trọng nhất trong 6 tháng cuối năm là gì?
Nhiệm vụ chính là chống suy giảm kinh tế. Để làm được điều đó, chúng ta phải thực hiện được đầy đủ các gói kích cầu của Chính phủ đã triển khai, đặc biệt là trong vấn đề hỗ trợ lãi suất. Chúng ta phải xem xét đầy đủ tình hình thực hiện, đồng thời tháo gỡ khó khăn và hướng vào một số đối tượng mà trong kỳ họp vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã lưu ý, như doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, hỗ trợ khu vực nông thôn...
Trong kích cầu đầu tư và tiêu dùng, chúng ta phải chú ý tới lĩnh vực đầu tư, tạo điều kiện thông thoáng để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư. Đồng thời, cần triển khai ngay việc phân bổ vốn trái phiếu chính phủ bổ sung mà Quốc hội đã thông qua (20.000 tỷ đồng).
Có một thuận lợi cho chúng ta đẩy nhanh đầu tư là các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản đã được Quốc hội thông qua, trong đó đặc biệt nhất là việc sửa đổi một số nội dung liên quan đến hoạt động đấu thầu, như bãi bỏ bước phê duyệt thiết kế cơ sở. Những nội dung thủ tục được đơn giản hóa đó sẽ tạo điều kiện để triển khai vốn đầu tư thuận lợi hơn. Bên cạnh việc phát triển sản xuất, chúng ta cần phải đặc biệt chú ý đến việc kiềm chế lạm phát bằng việc theo dõi sát sao để kịp thời có đối sách linh hoạt và có những biện pháp cụ thể với mọi tình huống có thể xảy ra.
Ngay tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu cũng đã cảnh báo về nguy cơ tái lạm phát trong thời gian tới?
Những cảnh báo của các đại biểu Quốc hội là rất đúng. Các đại biểu cho rằng, hiện nay, đồng tiền chúng ta đưa ra lưu thông nhiều, tổng dư nợ tín dụng tăng, cho nên cần có nhiều biện pháp để phòng ngừa và phải theo dõi sát. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải cùng phối hợp với nhau đưa ra những dự báo kinh tế vĩ mô sát với tình hình để từ đó có đối sách hợp lý.
Một vấn đề nữa, bên cạnh công tác phòng chống lạm phát, thì chúng ta cũng cần chú ý đến vấn đề bảo đảm an sinh xã hội. Để đảm bảo sản xuất và duy trì việc làm cho khu vực nông thôn thì xuất khẩu là vấn đề quan trọng hàng đầu, đặc biệt là việc mở rộng thị trường và xem xét lại các mặt hàng nông sản, thực phẩm xuất khẩu.
Bộ trưởng nhận định thế nào về bức tranh kinh tế 6 tháng cuối năm 2009?
Tôi cho rằng, tốc độ tăng trưởng sẽ lấy lại được đà cao hơn, do các hoạt động kinh tế sẽ sôi động hơn, hoạt động của các doanh nghiệp được cải thiện hơn, vốn đầu tư cũng sẽ được giải ngân tốt hơn. Do vậy, chúng ta hy vọng có thể đạt được những mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra./.

Báo Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1038
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)