Hơn 5 tỷ USD vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) mà Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ quốc tế (CG) 2008 cam kết cho Việt Nam trong năm 2009 là nguồn lực quý giúp thực hiện tốt hơn nhóm giải pháp kích cầu đầu tư.
Kết quả trên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc là một thắng lợi lớn, nhất là khi bản thân các nhà tài trợ cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Hơn thế, con số này chưa bao gồm khoản cam kết của Chính phủ Nhật Bản - nguồn cung cấp ODA lớn nhất của Việt Nam từ trước tới nay thông báo tạm dừng các khoản tài trợ ODA cho Việt Nam. "Khoản viện trợ cam kết tại Hội nghị CG vừa qua hơn 5 tỷ USD, một con số không nhỏ", Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói và cam kết rằng, Việt Nam sẽ sử dụng các nguồn lực này một cách hiệu quả, đáp ứng sự tin cậy mà các nhà tài trợ đã dành cho Việt Nam.
Sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả, tận dụng mọi nguồn lực, không chỉ đối với vốn ODA, mà cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn đầu tư trong nước để tăng năng lực cạnh tranh cũng chính là những vấn đề mà các nhà tài trợ cho là Việt Nam phải quyết liệt thực hiện. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi Việt Nam đang đối mặt với những thách thức trước nguy cơ suy giảm kinh tế. "Khi nguồn lực ngày càng hạn chế thì phải cân nhắc, tính toán để làm sao sử dụng hiệu quả hơn", ông Martin Rama, quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nói.
Trên thực tế, ngay khi các dấu hiệu suy giảm kinh tế xuất hiện, Chính phủ Việt Nam đã rất chủ động trong đánh giá tình hình và mới đây đã đưa ra 5 nhóm giải pháp để chống suy giảm kinh tế, trong đó đáng chú ý là gói hỗ trợ 1 tỷ USD để kích cầu đầu tư.
Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, 1 tỷ USD này sẽ được lấy từ nguồn dự trữ ngoại tệ quốc gia và sẽ được sử dụng để bổ sung vốn, cho vay các dự án hiệu quả, sắp hoàn thành, có hiệu quả kinh tế cao và xã hội đang cần, như đầu tư vào năng lượng, nhà ở cho người có thu nhập thấp...
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng cho rằng, có thể yên tâm với hiệu quả của gói kích thích 1 tỷ USD này, bởi lẽ, không phân biệt thành phần kinh tế, doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, miễn nơi nào có công trình hiệu quả, phù hợp với mục tiêu, nguyên tắc của chương trình thì sẽ được đầu tư.
Các gói giải pháp trên, ngay khi được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng công bố tại Hội nghị CG, đã nhận được sự đồng thuận rất lớn từ các nhà tài trợ. Thậm chí, theo quan điểm của ông James W. Adams, Phó chủ tịch WB, việc các nhà tài trợ trên 5 tỉ USD cho Việt Nam trong năm 2009 đã cho thấy niềm tin của họ đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, cũng như các biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô mà Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện.
Tuy vậy, cũng phải thấy rằng, mặc dù rất có ý nghĩa để kích cầu đầu tư trong bối cảnh hiện nay, song gói giải pháp 1 tỷ USD còn nhỏ so với nhu cầu đầu tư toàn xã hội. Chính vì vậy, việc đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn ODA, FDI, vốn đầu tư từ ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn của doanh nghiệp nhà nước, cũng như vốn tư nhân... là rất cần thiết để kích cầu đầu tư trong bối cảnh hiện tại, cũng như để phục vụ cho mục tiêu phát triển lâu dài.
Trong bối cảnh năm 2009 được cho là sẽ rất khó khăn đối với giải ngân FDI, cũng như các nguồn vốn khác, kể cả vốn từ ngân sách, thì sự tiếp sức từ hơn 5 tỷ USD vốn ODA cam kết của các nhà tài trợ sẽ rất có ý nghĩa.
Vấn đề còn lại là làm sao đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn này một cách hiệu quả, cũng như tận dụng được mọi nguồn lực để vượt qua thách thức. Phát biểu tại Hội nghị CG, các nhà tài trợ đều cho rằng, nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn nền kinh tế, đẩy mạnh tính công khai, minh bạch là hai vấn đề rất quan trọng đối với Việt Nam trong thời gian tới.
Các vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, hệ thống luật pháp, các chính sách thuế, dữ liệu về kinh tế... theo các nhà tài trợ, cần phải được công khai, minh bạch. "Minh bạch thông tin là rất quan trọng, bởi nếu các quyết định được đưa ra dựa trên những thông tin sai lệch, thì sẽ không chính xác", ngài Allaster Cox, Đại sứ Australia tại Việt Nam nhấn mạnh.