Chiều 22/6, làm việc với các Bộ, ngành về triển khai nhiệm vụ xây dựng Đề án “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, nếu không xây dựng nông thôn mới một cách căn cơ thì không thể trở thành một nước công nghiệp bền vững vào năm 2020.
Đề án “Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) xây dựng và lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành liên quan.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đồng thời là Trưởng Ban soạn thảo Đề án cho biết, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 sẽ được thực hiện ở tất cả các xã trên phạm vi toàn quốc, theo phương châm dựa vào nội lực cộng đồng địa phương, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần trực tiếp để phát huy sự đóng góp của cộng đồng.
Chương trình tập trung thực hiện 5 nội dung cơ bản: Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn; Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; Hỗ trợ phát triển sản xuất và xây dựng các hình thức sản xuất có hiệu quả trong nông thôn; Xây dựng đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh ở nông thôn và Bảo vệ, phát triển nâng cao chất lượng môi trường nông thôn.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát hiện cả nước đang thực hiện 11 Chương trình mục tiêu quốc gia và nhiều chương trình, dự án lớn khác liên quan đến phát triển nông thôn. Vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục tăng nguồn lực thực hiện các Chương trình, dự án đã có, Chương trình MTQG này sẽ tập trung vào thực hiện 3 nội dung chủ yếu chưa được đề cập hoặc đề cập chưa đầy đủ ở các chương trình, dự án khác, đó là: Dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và xây dựng các hình thức sản xuất có hiệu quả trong nông thôn; Dự án đào tạo, nâng cao năng lực quản lý phát triển nông thôn.
Lồng ghép hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới với các chương trình khác
Góp ý kiến cho Đề án, về cơ bản, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành đề nghị cần có đánh giá cụ thể hơn về thực trạng hiện nay của nông thôn như: chỉ tiêu quy hoạch, chỉ tiêu về lao động nông thôn qua đào tạo nghề… đồng thời có điều tra thực tế cụ thể để có cái nhìn tổng thể trước khi thực hiện Chương trình này.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, cần phải lưu ý đến mối quan hệ giữa Chương trình này với những chương trình khác đã có, trong đó chú ý cân đối, lồng ghép một cách hợp lý. Lấy bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới làm căn cứ để xây dựng nội dung Chương trình.
Phó Thủ tướng đề nghị, Chương trình này không chỉ dừng lại ở xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất nông thôn mà cần phải được thực hiện một cách căn cơ ở những lĩnh vực khác; phải nắm được cụ thể từng địa bàn nông thôn đến tận cấp xã.
Về cách làm cụ thể, Phó Thủ tướng gợi ý, cần hướng dẫn bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới vào việc thực hiện chương trình. Bộ NNPTNT cùng các Bộ, ngành liên quan rà soát lại chuẩn về xây dựng nông thôn mới của từng đơn vị, các địa phương đã thực hiện. Phó Thủ tướng đề xuất cụ thể, ví dụ: Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường như thế nào là đạt chuẩn quốc gia; đối với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, trung tâm văn hóa xã như thế nào đạt chuẩn…
Phó Thủ tướng yêu cầu, tất cả các tỉnh, huyện, xã lấy chuẩn tiêu chí quốc gia về nông thôn mới để đánh giá thực trạng của địa phương mình từ đó xây dựng chương trình nông thôn mới một cách cụ thể, xác định rõ mục tiêu đến năm 2015, 2020 và 2030.
Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ NNPTNT xây dựng hướng dẫn để các tỉnh thực hiện liên quan đến quy hoạch đất đai, đồng ruộng, cơ sở hạ tầng, không gian vùng dân cư; Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng hướng dẫn thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế xã hội.
Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ NNPTNT tiếp tục hoàn thiện Đề án để báo cáo Chính phủ.
Một số mục tiêu cụ thể của “Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đoạn 2010 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” dự kiến đạt được:
- Mục tiêu đến năm 2010: Quy hoạch nông thôn mới xong cho 100% xã; Tập trung đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu ở nông thôn theo chuẩn nông thôn mới; Đào tạo cho 100% cán bộ cơ sở kiến thức tổ chức, quản lý, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gấp 1,1-1,2 lần so với hiện nay. Giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 10% (theo chuẩn năm 2007)…
- Mục tiêu đến năm 2015: Nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gấp 1,8-2 lần so với hiện tại; Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề, bồi dưỡng kiến thức nghề các loại đạt trên 30%, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn dưới 50%; Xây dựng được cơ bản hệ thống giám sát ô nhiễm môi trường nông thôn, cơ bản xử lý và ngăn chặn ô nhiễm ở các điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Xây dựng trên 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới…
- Mục tiêu đến năm 2020: Cơ bản xây dựng xong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo chuẩn nông thôn mới; Không có điểm gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường; Xây dựng trên 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.
|
Cổng thông tin điện tử Chính phủ