Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/04/2009-08:14:00 AM
G-7 chưa tìm ra lối thoát chống thất nghiệp

Thông cáo kết thúc cuộc họp cấp Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G-7), diễn ra tại Washington vừa qua đã đưa ra nội dung cho rằng “Kinh tế thế giới có khả năng phục hồi trong năm 2009, thị trường tài chính và địa ốc ở Mỹ đang từng bước ổn định."
Dự đoán trên như một làn gió mang lại hy vọng trong bối cảnh kinh tế u ám. Song, giới lãnh đạo G-7, G-20 hay các định chế tài chính đa quốc gia như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) vẫn hết sức thận trọng.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner còn cảnh báo: “Cho rằng thế giới đã thoát khỏi khủng hoảng là một sai lầm”.
Chỉ cần đơn cử trường hợp của 3 nước Tây Âu tham gia hội nghị G-7 cuối tuần trước là Anh, Pháp và Đức, sẽ thấy ngay là còn quá sớm để nói đến sự phục hồi.
Thị trường lao động của Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là tại 3 nước lớn trong khối như Đức, Anh, Pháp, vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. IMF cho rằng tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực sẽ ở mức trên 10% trong 2 năm 2009 và 2010.
Theo thống kê, Pháp có thêm hơn 600 nghìn người mất việc trong tháng 3 vừa qua và dự đoán khoảng 800 nghìn nhân công khác sẽ tiếp tục bị sa thải trong hai năm 2009 và 2010.
Tại Anh, suy thoái kinh tế tiếp tục làm tiêu tan mọi hy vọng nhanh chóng đảo ngược tình thế của Thủ tướng nước này Gordon Brown. Nền kinh tế Anh vẫn tiếp tục suy thoái với tình trạng sản xuất công nghiệp giảm sút nghiêm trọng, xuống mức thấp hơn cả so với năm 2003. Thâm hụt ngân sách nhà nước lên đến gần 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tổng số nợ công cộng tương đương hơn 50% GDP.
Thống kê cho thấy trong tháng 3 vừa qua, tại Anh có hơn 73 nghìn nhân viên bị mất việc, nâng tổng số người đi tìm việc làm tại thị trường lao động vốn được coi là năng động nhất EU này lên thành 2,1 triệu. Thâm hụt ngân sách Nhà nước tăng đến mức chóng mặt khiến chính quyền London khó có thể tung ra thêm một kế hoạch vực dậy kinh tế khác để hỗ trợ một số ngành nghề.
Trong bối cảnh nói trên, không một cơ quan dự báo kinh tế nào hy vọng Anh nhanh chóng giải quyết vấn đề thất nghiệp. Thậm chí, giới đầu tư còn lo ngại chính quyền sẽ xem xét việc tăng thuế, từ thuế giá trị gia tăng, đến thuế thu nhập đánh vào những tài sản lớn.
Tại Đức, nền kinh tế đầu tàu của EU, bức tranh thị trường lao động cũng không mấy sáng sủa. Khu vực kinh tế tư nhân bị đe dọa trước tiên với nguy cơ tình trạng thất nghiệp lan rộng.
Tuy nhiên, Berlin đang phát đi nhiều tín hiệu trái ngược nhau: Chỉ số tin tưởng của các hộ gia đình trong tháng 4 tương đối vững, trong khi cơ quan nghiên cứu tình hình kinh tế GfK dự đoán Đức có thể duy trì được đà này trong tháng 5 tới. Thành quả này có được một phần nhờ vào các biện pháp kích thích tiêu thụ do chính phủ đưa ra, như thưởng tiền để khuyến khích người dân mua xe hơi mới, đã bơm thêm sinh khí cho ngành công nghiệp ôtô.

Tuy nhiên, cho dù mức chi tiêu trong nước gia tăng, nhưng tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp vẫn "tuột dốc" đáng kể, và các chuyên gia dự báo GDP của Đức sẽ giảm 6% vào cuối năm nay./.


TTXVN/Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 902
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)