(MPI Portal) – Nhằm đánh giá kết quả, tác động thực hiện chính sách trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), qua đó làm rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách trợ giúp phát triển DNNVV, đồng thời đưa ra các gợi ý về chính sách cho việc xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV, sáng ngày 09/9/2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo Đánh giá tình hình thực hiện chính sách trợ giúp phát triển DNNVV.
Tại Hội thảo, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đánh giá tình hình thực hiện chính sách trợ giúp phát triển DNNVV trong thời gian qua. Theo đó, có 08 nhóm trợ giúp DNNVV bao gồm:Trợ giúp tài chính; Mặt bằng sản xuất; Đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật; Xúc tiến mở rộng thị trường; Tham gia kế hoạch mua sắm, cung ứng dịch vụ công; Thông tin và tư vấn; Trợ giúp phát triển nguồn nhân lực; Vườn ươm doanh nghiệp.
Các chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV đã lồng ghép vào các chính sách, chương trình ngành, lĩnh vực của các Bộ, ngành và địa phương. Một số nhóm chính sách trợ giúp có quy định cụ thể cho đối tượng DNNVV, đạt được những kết quả trợ giúp khá rõ ràng: tín dụng, đào tạo, tư vấn, xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, Chính phủ đã kịp thời ban hành các quyết sách nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt đối tượng DNNVV phát triển sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, hiện việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho các DNNVV còn nhiều hạn chế. Cụ thể, hơn 80% các chính sách, chương trình trợ giúp DNNVV không có đánh giá kết quả hỗ trợ; Thiếu các tiêu chí đánh giá tác động của chính sách, chương trình đến sản xuất, kinh doanh của DNNVV;Một số nhóm chính sách trợ giúp mới chỉ dừng lại ở những quy định mang tính khuyến khích chung chung, chưa có những quy định ưu đãi rõ ràng như trợ giúp DNNVV về mặt bằng sản xuất, hỗ trợ DNNVV tham gia kế hoạch mua sắm, cung ứng dịch vụ công.
Bên cạnh đó, đa số các nhóm chính sách khi triển khai tổ chức thực hiện gặp nhiều vướng mắc như chính sách ưu đãi thuế cho DNNVV, mất nhiều thời gian để xây dựng văn bản hướng dẫn. Chính sách tư vấn về kinh doanh và quản lý sản xuất mới chủ yếu được thực hiện ở một số ít doanh nghiệp khu vực phía Bắc do nguồn lực còn hạn chế, chủ yếu huy động từ viện trợ quốc tế. Mức độ triển khai chính sách trợ giúp DNNVV ở cấp địa phương còn hạn chế, nhiều địa phương chưa chủ động xây dựng các chương trình, chính sách trợ giúp DNNVV trên địa bàn,….
Nguyên nhân của sự tồn tại, hạn chế là do sự phối hợp giữa các Bộ ngành, Trung ương và địa phương còn yếu, thiếu cơ chế điều phối hoạt động trợ giúp phát triển DNNVV, cơ chế báo cáo và chia sẻ thông tin chưa được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ. Sự quan tâm và đầu tư của các địa phương đối với công tác trợ giúp phát triển DNNVV còn thấp. Tiếp đến là những yếu kém xuất phát từ nội tại DNNVV như: thông tin về doanh nghiệp không đầy đủ, độ tin cậy không cao đặc biệt các thông tin về tài chính của doanh nghiệp gây khó khăn cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi, trợ giúp cho DNNVV. Năng lực và tầm nhìn của DNNVV còn hạn chế, hầu hết các DNNVV chưa có chiến lược phát triển dài hạn. Nhận thức và mức độ quan tâm của các DNNVV tới các chương trình trợ giúp về đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh còn thấp.
|
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Từ những vấn đề nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra những đề xuất quan trọng như: Đối với cơ quan quản lý nhà nước phải xây dụng chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, có cơ chế phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ trọng tâm, có tính đột phá, lan tỏa và tăng cường hệ thống đầu mối trợ giúp. Về phía Hiệp hội doanh nghiệp phải nâng cao uy tín và tầm ảnh hưởng, phát huy vai trò là cầu nối giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và DNNVV. Còn đối với DNNVV cần nâng cao năng lực quản lý, đầu tư đổi mới sáng tạo, thay đổi tư duy kinh doanh, tham gia các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp và tích cực tham gia các chương hỗ trợ của Nhà nước.
Nhìn chung, kết quả và tác động của hoạt động triển khai hỗ trợ DNNVV chưa rõ ràng. Nguyên nhân chủ yếu là do hiện đang có quá nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng theo nhiều lĩnh vực, cách làm khác nhau và nguồn lực hỗ trợ cho DNNVV còn rất thấp.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và đưa racác chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV hiện nay, ngoài việc thống nhất các nội dung đã được đưa ra, theo các đại biểu cần phải xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV và có sự vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm hơn nữa của các cấp, các ngành và địa phương. Các chương trình, chính sách phải có mục tiêu rõ ràng và trong quá trình triển khai cần có sự kiểm tra, kiểm soát và tổng kết, đánh giá để có những điều chỉnh kịp thời, hiệu quả./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư