(MPI Portal) – Ngày 04/9/2014, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì Hội thảo tham vấn Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi). Tham dự Hội thảo, có đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Sở, ban ngành và các công ty Luật.
|
Toàn cảnh Hội thảo
|
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Quách Ngọc Tuấn nêu lên 4 nội dung lớn trong Dự thảo Luật cần được thảo luận.Quy định về ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh và đầu tư, kinh doanh có điều kiện, Dự thảo Luật đã hợp nhất Danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp và Danh mục lĩnh vực cấm đầu tư theo Luật Đầu tư, theo Điều 6 Dự thảo Luật, có 8 ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh. Quy định về bảo đảm đầu tư, Dự thảo Luật giữ nguyên quy định về cam kết của Nhà nước trong việc không yêu cầu nhà đầu tư phải xuất khẩu, thực hiện chương trình nội địa hóa… và giữ nguyên quy định về việc loại trừ không áp dụng nguyên tắc không hồi tố trong trường hợp thay đổi pháp luật vì lí do quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường. Quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung vào Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư các dự án sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, đổi mới công nghệ, tạo giá trị gia tăng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế; cùng với việc quy định rõ điều kiện và thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư. Quy định về thủ tục đầu tư, Dự thảo Luật bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tất cả các dự án đầu tư trong nước, chỉ áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài theo hướng đơn giản hóa cả về hồ sơ, thủ tục, rút ngắn thời hạn và bổ sung quy định về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và UBND cấp tỉnh.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật. Đại diện công ty Luật nêu đề xuất làm rõ thủ tục đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài chiếm dưới 51% cổ phần; chỉ nên yêu cầu về hiệu quả kinh tế đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương của Quốc hội. Một số đại biểu nêu lên vấn đề khi nhà đầu tư trong nước đang có Giấy chứng nhận đầu tư và muốn thay đổi dự án; hay đề xuất bổ sung thủ tục chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đầu tư và mối quan hệ với thủ tục chấm dứt hoạt động của tổ chức kinh tế; sự phức tạp khi tồn tại cả 3 loại hình giấy phép là chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy đăng ký kinh doanh; các vấn đề về chuyển nhượng dự án đầu tư, giãn tiến độ đầu tư, thời hạn hoạt động của dự án, tính pháp lý của chấp thuận chủ trương… Qua đó, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật đã ghi nhận các ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện Dự thảo để trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp sắp tới./.
Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư