Tập trung kích cầu các đối tượng trực tiếp tham gia và phục vụ sản xuất nông nghiệp, khuyến khích cơ giới hóa nông nghiệp - nông thôn, thúc đẩy sản xuất máy móc thiết bị nông nghiệp trong nước… Quyết định 497/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ lãi suất để người nông dân tiếp cận nguồn vốn mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất.
|
Quyết định 497 thúc đẩy cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp
|
Những vướng mắc nảy sinh
Theo phản ánh của nhiều địa phương, vướng mắc nảy sinh là do một số quy định của cơ quan chức năng, hoặc còn chưa thật cụ thể hoặc là có những quy định “ràng buộc” khiến người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Trước tiên có thể kể đến quy định chỉ hỗ trợ lãi suất (HTLS) khi vay vốn mua máy móc thiết bị sản xuất trong nước. Theo ông Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh và ông Hoàng Thương Lượng, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, quy định sử dụng hàng nội địa là chủ trương rất đúng đắn của Chính phủ nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, nhất là ngành Cơ khí. Nhưng thực tế là ngành Cơ khí nước ta hiện chưa đáp ứng được nhu cầu hoặc chất lượng máy móc chưa đảm bảo nên nông dân không mua được.
Bên cạnh đó, quy định “hàng hóa sản xuất trong nước” tại Quyết định 2095 của Bộ Công Thương chưa thật cụ thể. Thực tế là có loại máy sản xuất trong nước nhưng lại lắp một số phụ tùng nhập ngoại nên ngân hàng không công nhận là máy nội địa và không cho vay vốn. Chính vì vướng mắc này mà trong số 64 hồ sơ đăng ký xin vay ở 7 huyện, thị toàn tỉnh Tiền Giang chỉ có 2% thực hiện được. Còn tại Cần Thơ, trong số 162 máy gặt đập liên hợp nông dân vừa mua thì chỉ có 40 máy được HTLS.
Khó khăn thứ hai là thủ tục vay vốn. Sở dĩ người dân khó tiếp cận được nguồn vốn HTLS của Chính phủ một phần là do những thủ tục chặt chẽ của các ngân hàng. Ngân hàng tuân thủ quy định: quan hệ giữa ngân hàng và nông dân vẫn dựa trên nguyên tắc chủ đạo là hợp đồng tín dụng. Mà đã là hợp đồng tín dụng thì phải đảm bảo tính hiệu quả và có thế chấp. Còn với nông dân, tài sản thế chấp thường là sổ hồng, sổ đỏ, mà hầu hết đang nằm ở ngân hàng trong các khoản vay trước đó và vì không có tài sản thế chấp hoặc chưa trả hết nợ cũ, người dân không vay được vốn.
Thực tế, tài sản của nông dân không nhiều và hầu hết đã được thế chấp cho các khoản vay trước. Nếu các ngân hàng không linh hoạt cho nông dân tiếp cận vốn thì một mặt vốn không thể giải ngân được và nông dân cũng không có nguồn để phát triển sản xuất, trả nợ cũ.
Ngoài tài sản thế chấp, khi nông dân vay vốn, ngân hàng yêu cầu phải có đề án sản xuất kinh doanh (SXKD) hiệu quả, phải có hợp đồng bao tiêu sản phẩm thì mới được xét duyệt vay vốn, trong khi với người nông dân, một đề án SXKD khả thi trong điều kiện bình thường đã khó, còn trong tình hình khủng hoảng, khó khăn như hiện nay thì đây là điều họ không dễ thực hiện. Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhiều hộ nông dân nuôi cá tra cũng không vay được vốn HTLS do ngân hàng cho rằng đây là nghề tiềm ẩn nhiều rủi ro nên chỉ chấp nhận xem xét cho vay những trường hợp đã có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Một khó khăn nữa cũng khiến nông dân khó tiếp cận vốn vay là do quy định khi vay vốn, ngân hàng yêu cầu phải có hóa đơn, chứng từ. Nhưng do tập quán mua bán lâu nay ở khu vực nông thôn, khi mua hàng hóa (cây giống, phân bón, vật tư, thuốc trừ sâu…) người dân “chưa có thói quen” sử dụng hóa đơn, vì thế, việc vay vốn cũng không đơn giản.
Cũng theo Quyết định 497, Chính phủ quyết tâm hiện đại hóa khu vực nông thôn bằng việc hỗ trợ mua máy vi tính. Nhưng để phổ cập công nghệ thông tin, nên chăng Chính phủ có thể vận động một công ty viễn thông tài trợ phần kết nối mạng internet , vì máy vi tính cần được kết nối mạng internet mới phát huy hiệu quả khai thác thông tin.
Đề xuất tháo gỡ
Để người dân khu vực nông thôn được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, một số đề xuất đã được nêu ra với kỳ vọng sẽ được các cấp có thẩm quyền xem xét.
Theo ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, để nông dân có thể tiếp cận được nguồn vốn, người dân chỉ cần xin vay bổ sung để mua máy móc thiết bị, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng…, có xác nhận của chính quyền địa phương; ngân hàng căn cứ vào số tài sản thế chấp cũ của người dân để xét cho vay bổ sung.
Trên thực tế, vốn cho nông dân vay thường là những khoản nhỏ và quản lý không khó như đối tượng khách hàng là doanh nghiệp nên ngân hàng chỉ cần kiểm tra quá trình sử dụng vốn, bởi nông dân chỉ vay vốn chủ yếu để mua vật tư, phân bón… phục vụ sản xuất.
Các chính sách hỗ trợ cần hướng trực tiếp đến nông dân, giúp nông dân chủ động nguồn vốn đầu tư vào con giống, cây giống, tư liệu sản xuất. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ vay cho nông dân hoặc có thể xem xét để giảm, giãn cho các khoản vay lãi suất cao trước đây.
Một số chuyên gia cho rằng, để chương trình kích cầu nông nghiệp, nông thôn phát huy hiệu quả cao nhất, khi triển khai, các cơ quan, địa phương liên quan cần dựa trên tình hình sản xuất nông nghiệp tại chỗ để phân bổ, ưu tiên phù hợp, đúng đối tượng. Nguồn vốn cần được công khai, minh bạch. Cần có chương trình kích cầu dài hạn, tập trung hỗ trợ có điểm nhấn vào quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, bao tiêu sản phẩm, bình ổn giá./.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ