Việc cử tri Venezuela thông qua Hiến pháp sửa đổi trong cuộc trưng cầu ý dân mới đây đã tạo cơ sở pháp lý cho Tổng thống H. Chavez tiếp tục có thời gian để thực hiện những cải cách kinh tế và xã hội, cải thiện đời sống nhân dân và đưa đất nước phát triển theo con đường của "Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21".
Ðẩy mạnh triển khai kế hoạch tăng gấp hai lần diện tích đất trồng cây lương thực trong thời gian bốn năm tới nhằm ổn định cung cấp lương thực tiến tới bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, chính quyền Venezuela của Tổng thống H. Chavez vừa quyết định trưng thu những khu đất hoang hóa hoặc trồng trọt kém hiệu quả để chia cho nông dân trồng cây lương thực và hoa màu. Ngày 6-3,Tổng thống Venezuela H. Chavez thông báo chính phủ nước này đã quốc hữu hóa một khu đất trồng bạch đàn rộng 1.500 ha có tên El Pinal tại bang Lau-ra để chuyển sang trồng lương thực. Khu đất này đang do Tập đoàn Smurfit Kappa (Ireland) quản lý trong tổng số đất đai 30 nghìn ha của tập đoàn ở Venezuela. Tập đoàn Smurfit Kappa hoạt động tại Venezuela từ năm 1954 trong lĩnh vực trồng rừng và sản xuất giấy, bìa các-tông và bao bì. Tổng thống Chavez nêu rõ, việc trồng bạch đàn ảnh hưởng tới tài nguyên nước nên cần phải chuyển sang trồng đỗ, ngô, lúa mì, sắn, khoai... Ông nhấn mạnh, khu đất trên sẽ thuộc sở hữu tập thể.
Kế hoạch tự bảo đảm an ninh lương thực được Chính phủ của Tổng thống H. Chavez triển khai mạnh mẽ sau khi xảy ra tình trạng thiếu gạo trên thị trường và giá bán cao hơn quy định của Chính phủ. Tình hình này ảnh hưởng đời sống hằng ngày của nhân dân, trong lúc nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí giảm do giá dầu mỏ trên thế giới thấp. Chính phủ đã buộc phải thi hành những biện pháp cứng rắn, như ban hành quy định giá gạo bán và tuyên bố sẽ trừng phạt những thương nhân nào bán gạo không đúng giá quy định, đồng thời huy động cảnh sát và lực lượng an ninh đến giám sát tại các cơ sở chế biến và bán gạo. Người đứng đầu doanh nghiệp Fedecameras, cho biết trong những năm gần đây Venezuela đã từ một nước xuất khẩu ngũ cốc trở thành một nước nhập khẩu. Tổng thống H. Chavez cáo buộc các nhà sản xuất chế biến gạo gây ra tình trạng khan hiếm giả tạo nguồn cung để phá hoại chủ trương và biện pháp của Chính phủ nhằm bình ổn giá gạo.
Trong nỗ lực nhằm sớm chấm dứt trình trạng khan hiếm gạo nghiêm trọng từ hồi đầu tháng 3, Chính phủ Venezuela đã giành quyền kiểm soát nhà máy chế biến gạo Mary, cơ sở cung cấp 27% sản lượng gạo của cả nước này. Ðộng thái trên diễn ra vài ngày sau vụ nhà máy gạo Polar ở bang Gu-a-ri-cô do tư nhân sở hữu bị quân đội chiếm giữ hồi cuối tuần trước đó. Chính phủ Venezuela cho biết, họ sẽ giám sát 52 nhà máy trên khắp cả nước vì phát hiện một số nhà máy đã giảm sản lượng để tránh các quy định về giá bán gạo do nhà nước ấn định. Bộ trưởng Công nghiệp nhẹ và Thương mại William Contreras cho biết "biện pháp này sẽ được áp dụng trong ít nhất 90 ngày, cho tới khi tình hình ổn định, song nếu giới kinh doanh phản đối, động thái này sẽ chuyển từ kiểm tra, giám sát thành sung công". Ông nhấn mạnh: "Venezuela có đủ gạo, thậm chí là dư thừa", và nói thêm Chính phủ đang hành động theo một điều khoản của luật pháp về việc ổn định sản lượng các loại lương thực, thực phẩm cơ bản. Tiếp đó, ngày 4-3, Tổng thống Venezuela H. Chavez đã tuyên bố "giành quyền kiểm soát" nhà máy chế biến gạo Cristal, một cơ sở của Tập đoàn thực phẩm Cargill của Mỹ vì đã vi phạm Luật An ninh lương thực của Venezuela.
Giá lương thực và thực phẩm tại Venezuela đã tăng 40% trong 12 tháng gần đây và tình trạng khan hiếm các mặt hàng cơ bản như gạo, đường và sữa diễn ra căng thẳng từ đầu tháng 3 tại quốc gia Nam Mỹ này buộc Chính phủ H. Chavez phải tăng cường kiểm soát kinh doanh các sản phẩm lương thực và thực phẩm. Hiện, Venezuela tiêu thụ khoảng 90 nghìn tấn gạo/tháng. Sau nỗ lực mở rộng quốc hữu hóa trong các ngành kinh tế quan trọng như năng lượng, viễn thông, thép, tài chính và xi-măng trong hai năm qua, Chính phủ cánh tả của Tổng thống Chavez chuyển sang kiểm soát các lĩnh vực chế biến thực phẩm, một trong những khu vực chiến lược cuối cùng của nền kinh tế hầu như vẫn thuộc sở hữu tư nhân. Biện pháp trước mắt góp phần làm giảm tình trạng căng thẳng xã hội do khan hiếm ngũ cốc, Chính phủ quyết định mở những nhà hàng ăn uống quốc doanh ở khắp nơi để phục vụ "những người yêu mến đất nước Venezuela", trong đó Chính phủ bù lỗ các bữa ăn.
Trịnh Minh Phương
Báo Nhân dân điện tử