Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 11/09/2014-10:15:00 AM
Tầm quan trọng của việc lồng ghép biến dân số vào lập kế hoạch phát triển
(MPI Portal) – Ngày 10/9/2014, Đảng ủy cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Vụ Lao động, văn hóa, xã hội và Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội nghị về lồng ghép biến dân số vào lập kế hoạch phát triển.

Tham dự Hội nghị, có ông Arthur Erken, Trưởng Đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam và các chuyên gia về dân số của Việt Nam; về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đồng chí Nguyễn Văn Trung, Bí thư Đảng ủy cơ quan, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng chí Mai Ngọc Bích, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan, Vụ trưởng; đồng chí Nguyễn Quang Thắng, Vụ trưởng Vụ Lao động, văn hóa, xã hội; cùng đại diện Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan, Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc, Công đoàn, Ban Nữ công, Đoàn Thanh niên và các cơ quan truyền thông của Bộ.

https://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/22279173.JPG

Ông Arthur Erken,Trưởng Đại diện UNFPA Việt Nam.
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Khai mạc Hội nghị, Trưởng Đại diện UNFPA Việt Nam nhấn mạnh đây là cơ hội tốt để bàn về vấn đề này vì Việt Nam đang chuẩn bị lập báo cáo kinh tế - xã hội 2016 – 2020. Hơn nữa, Việt Nam đang trải qua thời kỳ thay đổi nhân khẩu học một cách rõ rệt với tỷ lệ mức sinh, mức chết giảm mạnh, quá trình di cư với quy mô lớn diễn ra nhanh chóng dẫn đến sự thay đổi trong dân số giữa khu vực thành thị và nông thôn, mất cân bằng giới tính khi sinh cũng là một vấn đề Việt Nam đang gặp phải. Việt Nam đang bước vào thời kỳ dân số vàng với nhóm dân số trẻ tăng nhanh và đông đảo, đồng thời cũng bước vào thời kỳ già hóa dân số một cách nhanh chóng. Những yếu tố này tác động vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như việc thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.

Ông Arthur Erken cho biết Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình từ năm 2010 và đang duy trì mức tăng trưởng ấn tượng, đang trên đà đạt được gần hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷcho đến năm 2015. Tuy nhiên vẫn tồn tại sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng miền địa lý khác nhau, giữa các nhóm dân cư khác nhau, sự khác biệt này chủ yếu do ảnh hưởng của các yếu tố dân số. Do vậy, Việt Nam cần phân tích và hiểu rõ hơn nữa sự tương quan giữa dân số và sự phát triển.

https://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/22279174.JPG

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Bằng chứng cho thấy là sự tác động qua lại trực tiếp giữa phát triển và các chỉ số dân số như mức sinh, mức chết và cơ cấu dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh, tình trạng già hóa dân số vàng, vấn đề đô thị hóa và di cư ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cũng như sự phát triển của xã hội. Do vậy, việc xây dựng kế hoạch dựa trên bằng chứng giúp cho việc lập kế hoạch phát triển đáp ứng hơn các nhu cầu của con người. Hơn nữa, các biến dân số cần được lồng ghép thỏa đáng vào trong tất cả các bước và quy trình lập kế hoạch ở cấp quốc gia cũng như địa phương giúp dự báo tác động của những biến dân số, đưa ra kế hoạch hành động kịp thời cho kế hoạch phát triển trong tương lai.

UNFPA luôn hoan nghênh những nỗ lực và cam kết trong việc định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng như những văn kiện và chính sách của Việt Nam như Pháp lệnh dân số, Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 – 2020. UNFPA đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc ủng hộ việc sử dụng và cung cấp số liệu biến dân số trong việc lập kế hoạch phát triển. Trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc giai đoạn 2012 – 2016, UNFPA cam kết hỗ trợ Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đối tác có liên quan trong việc lồng ghép các thông tin về biến dân số vào việc xây dựng, giám sát chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

https://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/22279175.JPG

Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung cho biết con người vừa là chủ thể, vừa là đối tượng của sự phát triển và vấn đề phúc lợi cho con người là trung tâm của mọi chính sách phát triển được hoạch định. Do vậy, việc lồng ghép biến dân số vào các kế hoạch phát triển đòi hỏi tính động và rất quan trọng, phù hợp, chính xác, chứa đựng trong đó tầm nhìn xa và rộng. Bên cạnh nêu lên những vấn đề bất ổn của dân số Việt Nam, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh yếu tố văn hóa là cốt lõi của sự phát triển. Với vai trò đầu mối của Chính phủ Việt Nam về lồng ghép biến dân số vào lập kế hoạch phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết cố gắng, nỗ lực hơn nữa để triển khai thực hiện lồng ghép biến dân số một cách có hiệu quả nhất từ Trung ương đến địa phương.

https://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/22279176.JPG

TS. Dương Quốc Trọng, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ, Bộ Y tế. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Trình bày tại Hội nghị về vấn đề chuyển đổi nhân khẩu học, TS. Dương Quốc Trọng, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ, Bộ Y tế cho biết Việt Nam luôn duy trì mức độ ổn định của tổng tỷ suất sinh trong 10 năm qua, đến năm 2013, tổng tỷ suất sinh Việt Nam là 2,1 con. Quy mô dân số Việt Nam tiếp tục tăng nhưng tốc độ gia tăng đã chậm lại rất nhiều, từ 1,2 triệu người/năm những năm 90, đến nay tăng 925 nghìn người/năm từ 2009 – 2013, đến nay Việt Nam đã giảm 2 bậc, đứng thứ 14/238 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới về quy mô dân số. Nhờ thành công của chương trình Dân số - KHHGĐ hàng thập kỷ trước, đến nay Việt Nam đang có cơ cấu dân số vàng với tỷ lệ trong tuổi lao động là 68.5%. Vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở tỷ lệ 113.8% (năm 2013) và xu hướng vẫn đang tiếp tục tăng, đồng thời là mất cân bằng khu vực nông thôn - thành thị và mất cân bằng về chất lượng cuộc sống. Việc tỷ trọng nhóm dân số dưới 15 tuổi giảm và tuổi thọ tăng, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Theo dự kiến, thời gian chuyển đổi từ giá hóa dân số sang dân số già tại Việt Nam diễn ra rất nhanh, trong khoảng 16 đến 18 năm và đến năm 2050 Việt Nam sẽ có dân số “siêu già”. Di cư là tất yếu và là động lực của phát triển, song điều đó đặt xã hội đứng trước các thách thức về nhà ở, vấn đề tiếp cận và thụ hưởng các chính sách về an sinh xã hội, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm cao, tạo áp lực về cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội cho nơi Đến, “khuyết thế hệ” và thiếu hụt lao động nơi Đi… Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa quá nhanh vượt quá khả năng điều hành của chính quyền địa phương, trong khi đó cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, chưa có liên kết phát triển vùng ven đô, đô thị - nông thôn.

https://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/22279177.JPG

GS. TS. Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Dân số là mẫu số của mọi bài toán phát triển kinh tế - xã hội, nhưng việc gắn các vấn đề dân số với quan điểm phát triển kinh tế - xã hội chưa triệt để thời gian qua dẫn đến chưa chú trọng biến dân số trong quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, khu công nghiệp; các khu đô thị thiếu cơ sở hạ tầng (trường học, bệnh viện, nước sạch, giao thông…); quá tải bệnh viện, thiếu hệ thống lão khoa để thích ứng quá trình già hóa dân số hiện nay; vấn đề dư thừa lao động, chất lượng lao động còn thấp; dư thừa giáo viên, đào tạo không phù hợp nhu cầu… Do vậy, việc lồng ghép biến dân số vào chính sách phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu cấp thiết hiện nay, đặc biệt đối với các ngành y tế, giáo dục, việc làm và an sinh xã hội. Việt Nam cần tận dụng cơ cấu dân số “vàng” hiện nay để khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển việc làm có thu nhập cao, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng xuất khẩu, nhằm đưa Việt Nam trở thành nước “giàu trước khi già” trong vòng 30 – 40 năm tới./.

Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2406
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)