Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 17/03/2009-16:03:00 PM
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 nhiều cam kết nhưng thiếu giải pháp cụ thể
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nước phát triển và nền kinh tế mới nổi (G20) tại Anh kết thúc ngày 14-3 và ra tuyên bố chung cam kết nỗ lực khôi phục tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nhưng những giải pháp cụ thể nhằm đạt mục tiêu này vẫn chưa được nhất trí, do quan điểm khác biệt giữa các thành viên, nhất là Mỹ và các nước châu Âu.
Tuyên bố chung nhấn mạnh, G20 cam kết tiếp tục thực hiện những nỗ lực cần thiết để khôi phục phát triển toàn cầu, hỗ trợ cho vay và cải tổ các thể chế tài chính quốc tế, nhằm tăng sức mạnh của hệ thống tài chính toàn cầu. Các bộ trưởng khẳng định chống mọi hình thức bảo hộ, tiếp tục mở cửa thương mại và đầu tư, hỗ trợ khả năng thanh khoản của các ngân hàng, trong đó cam kết hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi giải quyết sự đảo chiều của các dòng vốn quốc tế.
Về cải tổ các thể chế tài chính quốc tế, như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), G20 nhất trí cần thiết củng cố việc quản lý, điều hành và bảo đảm để các thể chế này phản ánh đầy đủ những thay đổi trong nền kinh tế thế giới; trong đó các nền kinh tế mới nổi và cả các nước nghèo nhất phải có sự đại diện và tiếng nói mạnh hơn. Hội nghị nhất trí tăng cường đáng kể các nguồn lực cho IMF và bảo đảm tất cả các ngân hàng phát triển đa phương (MDB) có đủ nguồn vốn cần thiết.
Tuy nhiên, tại Hội nghị, G20 mới chỉ dừng lại ở cam kết phối hợp các nỗ lực toàn cầu, mà chưa đưa ra các giải pháp cụ thể và hữu hiệu được thế giới chờ đợi, nhằm giúp sớm giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế hiện nay. Các giải pháp được thảo luận tại Hội nghị vẫn đi theo nhiều hướng khác nhau. Mặc dù trước cuộc họp, cả Mỹ và các nước châu Âu đều bác bỏ ý kiến cho rằng đang tồn tại bất đồng trong Nhóm về cách thức đối phó khủng hoảng, nhưng kết quả Hội nghị cũng cho thấy những khác biệt liên quan vấn đề này đã khiến G20 không thể thống nhất các biện pháp cụ thể. Ngay cả đối với vấn đề được xem là "duy nhất" đạt được đồng thuận tại Hội nghị là cam kết tăng mạnh nguồn lực cho IMF, thì các bên vẫn không đạt nhất trí về mức tăng nguồn tài chính này.
Những quan điểm khác biệt đã xuất hiện ngay trước thềm Hội nghị, nhất là giữa Mỹ và châu Âu, liên quan giải pháp kích thích nền kinh tế. Mỹ, được Anh ủng hộ, muốn chính phủ các nước, nhất là châu Âu, tăng mạnh hơn các gói cứu trợ và kích thích kinh tế, để đưa kinh tế trong nước thoát khỏi trì trệ và suy thoái. Châu Âu lại cho rằng, điều cần phải làm ngay là cải cách toàn diện hệ thống các nguyên tắc tài chính được cho là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Một số nước châu Âu tỏ ý không muốn làm tình hình tài chính quốc gia thêm căng thẳng, khi tăng chi tiêu, vì tới nay chưa thể đánh giá hiệu quả của các gói kích thích kinh tế khổng lồ châu Âu triển khai thời gian qua. Về mức tăng nguồn tài chính cho IMF, châu Âu đề nghị tăng gấp đôi nguồn tài chính của IMF lên 500 tỷ USD, trong khi Mỹ muốn tăng gấp ba, lên 750 tỷ USD. Nhóm BRIC (các nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới, gồm Nga, Trung Quốc, Bra-xin và Ấn Ðộ) tuyên bố chỉ chấp nhận tăng phần đóng góp tài chính cho IMF khi nào quyền biểu quyết của họ tại thể chế tài chính quốc tế này được tăng cường.
Ðược lập ra vào năm 1999, sau khủng hoảng tài chính châu Á (năm 1997), để bàn về hợp tác quốc tế giữa các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương, G20 có các thành viên chính thức, gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Ðức, Italy, Nga, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Ðộ, Achentina, Brasil, Mexico, Australia, Indonesia, A-rập Xê-út, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hiệp châu Âu (EU). Những cam kết của G20, nhóm các nền kinh tế chiếm khoảng 85% kinh tế thế giới, có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay, kinh tế toàn cầu suy thoái và dự báo tiếp tục khó khăn. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 là bước đệm cho Hội nghị cấp cao G20 tổ chức tại Anh ngày 2-4 tới. Kết quả ít ỏi của Hội nghị ngày 14-3 này và những quan điểm khác biệt trên thực tế giữa các nước thành viên chưa thể đem lại hy vọng tạo sự đột phá nào cho các giải pháp nhằm sớm đưa nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay.
Chu Hồng Thắng
Báo Nhân dân điện tử

    Tổng số lượt xem: 1398
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)