Phần thứ nhất
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 11 NĂM 2008
Kinh tế thế giới suy giảm đang từng bước tác động vào nền kinh tế tỉnh nhà, nhưng với sự nỗ lực của các ngành và địa phương để cố gắng hoàn thành nhiệm vụ năm 2008 đã góp phần ổn định kinh tế xã hội của tỉnh. Các lĩnh vực kinh tế và văn hoá xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; công tác phòng chống dịch bệnh trên người, cây trồng, gia súc, gia cầm được thực hiện tốt; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được đảm bảo.
I. Một số tình hình kinh tế xã hội:
1. Về sản xuất nông nghiệp:
- Tính đến ngày 28/11/2008, toàn tỉnh đã thu hoạch được gần 53.000 ha lúa Thu Đông, bằng 55,8% tổng diện tích xuống giống, năng suất bình quân ước đạt 5,5 tạ/ha.
Vụ Đông Xuân 2008-2009: Trừ Thoại Sơn và Châu Đốc, các địa phương còn lại đã xuống giống được 6.500 ha lúa. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và các dịch bệnh khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ngày 10/11/2008, UBND tỉnh đã có chỉ đạo về lịch xuống giống vụ Đông Xuân theo hướng tránh né rầy, nhằm đảm bảo thắng lợi trong sản xuất; theo đó, năm nay lịch xuống giống được chia làm 02 đợt: đợt 1 từ 15 - 25/11/2008 đối với những vùng nước rút sớm, và có thể chủ động rút nước ra, đợt 2 từ ngày 15 - 25/12/2008 với những vùng còn lại. Riêng đối với một số diện tích trồng nếp ở Phú Tân do xuống giống vụ Hè Thu 2008 trễ nên vụ Đông Xuân 2008-2009 không đảm bảo theo lịch, do đó phần diện tích này phải sử dụng giống ngắn ngày để theo kịp vụ Hè Thu 2009 chung của toàn tỉnh.
Đã thu hoạch dứt điểm hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày vụ Thu Đông và xuống giống vụ Đông Xuân được gần 1.000 ha, gồm đậu các loại, bắp, dưa hấu, cây có củ, ớt và rau dưa các loại.
- Năm nay, do giá con giống và thức ăn tăng cao nên người chăn nuôi không lãi nhiều, thậm chí có hộ nuôi còn bị lỗ nên tổng đàn chăn nuôi của tỉnh đã sụt giảm so cùng kỳ năm 2007. Theo thống kê đến tháng 10/2008, toàn tỉnh có 169.250 ngàn con heo, giảm 4,6%, trâu, bò 76.560 con, giảm 1,7%; đàn gia cầm khoảng 4,3 triệu con, giảm 19,5%, trong đó giảm mạnh nhất là đàn vịt chạy đồng (1,4 triệu con).
- Đánh bắt thủy sản trong tháng đạt sản lượng cao do đang vào cao điểm mùa nước lũ bắt đầu rút, ước đạt khoảng 9.500 tấn. Tuy nhiên, về thủy sản nuôi trồng (cá tra) do ảnh hưởng việc giá cá nguyên liệu ở mức thấp trong thời gian dài, người nuôi bị lỗ nên diện tích nuôi cá có chiều hướng giảm. Vụ Tôm càng xanh năm 2008 toàn tỉnh thả nuôi được 690 ha (giảm 25 ha so cùng kỳ); đã thu hoạch được khoảng 212 ha, năng xuất đạt từ 1-1,2 tấn/ha, tương đương cùng kỳ, hiện giá tôm đang ở mức thấp, người nuôi không lãi nhiều.
2. Công nghiệp - đầu tư - xây dựng:
- Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của khủng hoảng thế giới, tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng chậm lại nhất là trong tình hình thị trường tiêu thụ và giá nguyên liệu xuất khẩu gạo, cá đã giảm...Ước tính giá trị sản xuất công nghiệp tháng 11/2008 đạt 422,3 tỷ đồng (giá 1994), tăng 1,29% so với tháng trước. Tính chung từ đầu năm đến nay giá trị sản xuất công nghiệp đạt 4.438,4 tỷ đồng, tăng 18,36% so với cùng kỳ năm 2007. Một số loại sản phẩm có tốc độ tăng trưởng cao so cùng kỳ là: thuỷ sản đông lạnh đạt 124,7 ngàn tấn, tăng 30,2%; gạch nung 1.087 triệu viên, tăng 37%; cột bê tông 15,6 ngàn m3, tăng 34,5%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm do giá cả biến động, thị trường tiêu thụ chậm nên sản suất có phần chựng lại như: xi măng 125 ngàn tấn (bằng 76%), thức ăn gia súc 54 ngàn tấn (bằng 97%), khai thác đá (bằng 98%)...
Trong tháng có 24 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thành lập mới. Tính chung từ đầu năm đến nay có 407 cở sở thành lập mới với tổng số vốn hơn 490 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 1.780 lao động, chủ yếu ở các ngành như sản xuất thực phẩm đồ uống, sản xuất sản phẩm bằng kim loại, hàn tiện.
Tính đến ngày 18/11/2008, các ngân hàng thương mại đã giải ngân theo chương trình khuyến công cho 1.559 dự án và hộ sản xuất với số tiền 5.845 tỷ đồng, tăng 5,8% so cùng kỳ và đã vượt 30% so kế hoạch năm. Giải ngân trung hạn đạt thấp, chỉ đạt 10,26% kế hoạch năm (tương đương 23 tỷ đồng), bằng 47,1% so cùng kỳ.
- Thu hút đầu tư và đăng ký kinh doanh: Đến ngày 20/11/2008, toàn tỉnh có 557 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn 2.734 tỷ đồng, tăng 20,3% về số doanh nghiệp và tăng 1,16 lần về vốn đăng ký so cùng kỳ; có 139 dự án đăng ký đầu tư với số vốn 18.012 tỷ đồng, tăng 22 dự án và tăng 2,25 lần về vốn. Đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 83 dự án (có 09 dự án điều chỉnh bổ sung và BQLKCN cấp 06 dự án) với tổng số vốn 5.402 tỷ đồng, so cùng kỳ số dự án được cấp chứng nhận đầu tư tăng 22 dự án, vốn đăng ký tăng 1,52 lần; trong đó có 05 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 1.080 tỷ đồng.
- Đầu tư xây dựng:Công tác triển khai thực hiện và giải ngân trong đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Ước tính vốn đầu tư phát triển thực hiện trong tháng 11/2008 đạt 39,2 tỷ đồng. Tính chung 11 tháng toàn tỉnh đã giải ngân được 844,7 tỷ đồng, đạt 98,7% so kế hoạch năm, trong đó vốn thuộc các công trình do địa phương quản lý thực hiện đạt 499 tỷ đồng đạt 109% kế hoạch năm; chương trình 134 được 100%, vốn trái phiếu Chính phủ được 58%.
Chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên năm 2008, đến nay đã nghiệm thu đưa vào sử dụng được 18 phòng học ( 5 điểm); đang triển khai thi công ở 44 điểm (262 phòng); đang trong giai đoạn đấu thầu 48 điểm (292 phòng) và đang làm thủ tục phê duyệt đầu tư 16 điểm (78 phòng); nhà công vụ cho giáo viên trong năm 2008 chưa triển khai, dự kiến trong năm 2009 xây dựng 2.700m2. Đề án mức chất lượng tối thiểu, đã tổ chức thi công ở 19 điểm với 95 phòng và 05 nhà vệ sinh; nghiệm thu 4 điểm 16 phòng và 01 nhà vệ sinh.
3. Thương mại - Dịch vụ:
- Hoạt động thương mại nội địa trong tháng tiếp tục phát triển ổn định, thị trường nguyên, nhiên liệu và hàng hóa đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân và sản xuất của doanh nghiệp. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 11/2008 ước đạt 1.816 tỷ đồng, giảm 0,87% so tháng trước. Luỹ kế 11 tháng đạt 21.362 tỷ đồng, tăng gần 26% so cùng kỳ năm 2007.
- Xuất khẩu trong tháng tiếp tục giảm mạnh so các tháng trước, kim ngạch xuất khẩu trong tháng đạt 45,2 triệu USD, giảm 27,3% so tháng 10/2008, do 02 mặt hàng chủ lực gạo và cá chịu ảnh hưởng chung của khủng hoảng tài chính thế giới, giá cả và thị trường hàng hóa đều giảm. Tính chung 11 tháng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 707,3 triệu USD, tăng trên 39,3% so cùng kỳ và đã vượt 8,8% so kế hoạch năm.
Giá xuất khẩu gạo 5% bình quân trong 11 tháng năm 2008 là 546 USD/tấn (giá FOB). Hiện tình hình mua nguyên liệu lúa, gạo trong dân vẫn còn chậm do nguồn tồn kho nhiều, chưa có đơn đặt hàng xuất mới và giá giảm mạnh. Giá cá đông lạnh xuất khẩu bình quân 11 tháng năm 2008 đạt 2.215 USD/tấn (giảm 475 USD/tấn so bình quân 11 tháng năm 2007).
Kim ngạch nhập khẩu trong tháng đạt 6 triệu USD, tăng 16% so tháng trước. Tính chung 11 tháng đạt 85,9 triệu USD, tăng 74,7% so cùng kỳ, chủ yếu là các mặt hàng nguyên vật liệu may mặc, hóa chất, thuốc trừ sâu, gỗ.
- Công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu: Tình hình nhập lậu hàng hóa qua biên giới có chiều hướng tăng hơn so tháng trước, do vào thời điểm cuối năm nhu cầu tiêu thụ một số mặt hàng gia tăng như đường cát Thái Lan, vải ngoại, điện thoại di động..., hiện đang còn thời điểm mùa nước nổi nên hình thức buôn lậu vẫn là vận chuyển nhỏ lẻ bằng đường thủy, dùng phương tiện xuồng, ghe gắn máy. Thị trường nội địa, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký kinh doanh và niêm yết giá. Qua kiểm tra phát hiện 04 trường hợp kinh doanh xăng dầu không đạt chất lượng; 11 trường hợp kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vi phạm nhãn mác và quá hạn sử dụng; 27 trường hợp bán hàng không niêm yết giá, 03 trường hợp đăng ký kinh doanh không đúng ngành nghề quy định...
- Hoạt động du lịch tiếp tục được quan tâm. Ngành du lịch đã chuẩn bị nội dung làm việc với 02 tỉnh Takeo và Kandal Campuchia về hợp tác phát triển du lịch sẽ được tổ chức vào tháng 12/2008.
Trong tháng có 125 ngàn lượt khách đến các khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, tăng 63,5% so tháng trước; các doanh nghiệp phục vụ du lịch phục vụ 25,5 ngàn lượt, tăng 5%, doanh thu 12,5 tỷ đồng tăng 6%. Luỹ kế 11 tháng có trên 4,05 triệu lượt khách đến các khu, điểm du lịch, tăng 9,6% so cùng kỳ, các doanh nghiệp du lịch phục vụ gần 332 ngàn lượt khách, tăng 9%, doanh thu đạt trên 132 tỷ đồng, tăng 25% so cùng kỳ năm 2007.
4. Tài chính, tín dụng, giá cả:
- Thu ngân sách trên địa bàn trong tháng đạt 182 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 175,7 tỷ. Luỹ kế 11 tháng thu ngân sách đạt 2.617 tỷ đồng, tăng 34,3% so cùng kỳ và đạt 119% kế hoạch năm; trong đó, thu nội địa đạt 2.565 tỷ đồng, đạt 117,6% kế hoạch năm và tăng 34% so cùng kỳ, riêng thu xổ số kiến thiết đạt 387 tỷ đồng, đạt 138% kế hoạch và tăng 21,4% so cùng kỳ.
Chi ngân sách trong tháng 284,5 tỷ đồng, trong đó chi xây dựng cơ bản 23 tỷ, chi thường xuyên 259,4 tỷ. Luỹ kế 11 tháng chi ngân sách 3.760 tỷ đồng, tăng 30,5% so cùng kỳ và và tăng trên 16% so kế hoạch năm; trong đó chi đầu tư xây dựng chiếm 36% (tăng gần 27% so cùng kỳ); chi thường xuyên chiếm 62% (tăng 36%).
- Về tín dụng, Chính phủ đã điều chỉnh giảm lãi suất cơ bản xuống còn 12% năm, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay xuống còn từ 14 -18%/năm. Vốn tín dụng đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho doanh nghiệp và người dân phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
- Về giá cả tiếp tục có chiều hướng giảm mạnh đã kéo chỉ số giá tiêu dùng của tỉnh trong tháng 11 giảm 1,86% so tháng trước. Đây là tháng thứ 3 liên tục chỉ số giá giảm và là tháng có mức giảm mạnh nhất (tháng 9 giảm 0,29%, tháng 10 giảm 0,31%). Các nhóm hàng giảm mạnh nhất là lương thực giảm 7,92%, thực phẩm giảm 1,67%, nhóm phương tiện đi lại và vật liệu xây dựng giảm từ 3,49 - 3,58%, riêng nhóm thiết bị đồ dùng gia đình, dược phẩm y tế, hàng may mặc, văn hóa giải trí và giáo dục tăng từ 0,23 - 0,5%. Tính chung tốc độ trược giá 11 tháng năm 2008 là 19,57% (cao hơn cùng kỳ năm 2007 là 9,85%).
5. Văn hóa - Xã hội:
- Giáo dục - Đào tạo: Ngành giáo dục đào tạo tiếp tục thực hiện công tác phổ cập giáo dục tiểu học; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ở các trường. Công tác kiểm tra, thanh tra được tăng cường góp phần chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, thiếu sót trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của năm học. Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, toàn ngành giáo dục đã có nhiều hoạt động phong phú, sinh động nhằm ôn lại truyền thống của ngành, ghi nhớ công ơn của các thầy cô giáo, các đơn vị, cá nhân có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp phát triển giáo dục.
Trong tháng, Bộ Giáo dục và đào tạo đã trao quyết định công nhận tỉnh An Giang đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục THCS. Thực hiện công tác phổ cập giáo dục THCS từ năm 2001, ngành giáo dục đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác vận động trẻ đúng độ tuổi ra lớp, hạn chế mức thấp nhất tình trạng bỏ học, nâng cao, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, tranh thủ mọi nguồn lực xã hội vào công tác giáo dục; từ đó, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp, vận động học sinh phổ cập THCS luôn đạt vượt chỉtiêu. Đến nay, 100% huyện, thị thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS; 151/154 xã đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 98,05%, tỷ lệ trẻ từ 11-14 nghiệp tốt nghiệp tiểu học đạt 93,28% và tỷ lệ thanh thiếu niên từ 15-18 tuổi tốt nghiệp THCS đạt 81,93%.
- Công tác phòng, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được tăng cường. Ngành y tế đã tích cực phối hợp với các ngành, địa phương chuẩn bị triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau khi nước rút. Dịch bệnh trong tháng xảy ra 174 ca sốt xuất huyết, giảm 60,9% so tháng 11/2007, bệnh thương hàn 25 ca, giảm 21,8%. Lũy kế từ đầu năm, toàn tỉnh có 1.111 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 80% so cùng kỳ (có 02 trường hợp tử vong, giảm 06 trường hợp); 575 ca mắc bệnh thương hàn, tăng 10,3%.
Công tác phòng chống HIV/AIDS tiếp tục duy trì tốt các hoạt động quản lý, chăm sóc, tư vấn cho người nhiễm HIV nên đạt được kết quả tích cực. Trong 10 tháng năm 2008, toàn tỉnh có 626 ca nhiễm HIV mới, giảm 27% so cùng kỳ năm 2007, số bệnh nhân AIDS có 297 ca, giảm 14%, số tử vong là 181 ca, giảm 28,7%. Lũy kế từ năm 1993 đến nay toàn tỉnh số người nhiễm 9.527 trường hợp, trong đó có 4.230 trường hợp đã chuyển qua AIDS và đã có 3.385 trường hợp tử vong.
- Công tác đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm tiếp tục được các ngành, các cấp quan tâm, thực hiện. Tính từ đầu năm đến nay đã đào tạo nghề cho trên 23.600 người, đạt 94,4% kế hoạch; giải quyết việc làm mới cho 34.800 người, đạt 99,4% kế hoạch năm, trong đó lao động làm việc trong tỉnh là 24.800 người, lao động làm việc ngoài tỉnh 9.850 người, lao động xuất khẩu nước ngoài là 139 người (đạt 34,7% kế hoạch). Quỹ cho vay giải quyết việc làm các huyện, thị, thành phố đã xét duyệt giải ngân cho 420 dự án với số tiền vay 15,6 tỷ đồng, đạt 73% kế hoạch, giải quyết việc làm cho 3.750 người, trong đó hỗ trợ 380 người dân tộc đi làm việc ngoài tỉnh với số tiền 193 triệu đồng.
Tính từ đầu năm đến nay, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh đã tiếp nhận được 5,68 tỷ đồng, đạt 189,4% kế hoạch năm; đã cất mới 120 căn nhà tình nghĩa (kinh phí trên 3,3 tỷ đồng) và sửa chữa 240 căn nhà ở (kinh phí trên 1,8 tỷ đồng) cho đối tượng có công.
- Văn hóa thể thao:Ngành Văn hóa Thể thao tập trung cho các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao và thông tin - tuyên truyền chào mừng các ngày lễ như kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, 68 năm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa, tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông, phòng chống dịch bệnh...
Hoạt động thể thao phong trào, đến nay đã kết thúc giải bóng đá, bóng chuyền nông dân tỉnh lần thứ 14; tính từ đầu năm, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức phổ cập bơi cho hơn 5.000 em trong độ tuổi từ 11-14; Trung tâm Thể dục thể thao huyện Tịnh Biên đã tổ chức giải chống xuồng mở rộng lần thứ III năm 2008; Ban Dân tộc đã chuẩn bị lực lượng vận động viên và diễn viên để tham gia ngày hội Văn hóa thể thao và du lịch vùng đồng bào Khơmer Nam Bộ lần thứ 4 năm 2008 tại thành phố Cần Thơ. Thể thao thành tích cao, trong tháng các đội thể thao tham dự 11 giải thể thao toàn quốc và Châu Á, kết quả đoạt 43 huy chương các loại gồm 15 HCV, 17 HCB, 11 HCĐ. Một số nội dung thi đấu nổi bật: giải vô địch xe đạp toàn quốc năm 2008 đạt 5 HCV, 5 HCB, 7 HCĐ xếp hạng nhì toàn đoàn; tại giải điền kinh toàn quốc đoạt 4 HCV ở các nội dung đều có VĐV Vũ Thị Hương tham gia... Đội bóng đá An Giang đang tập huấn theo kế hoạch chuẩn bị cho mùa giải mới.
6. Quốc phòng - An ninh và trật tự an toàn xã hội:
Công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tiếp tục được tăng cường. Thực hiện nghiêm các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; tăng cường tuần tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, buôn lậu, tệ nạn xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tăng cường công tác tiếp dân, thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở, chú ý một số vụ việc phức tạp, khiếu kiện đông người, chủ động có kế hoạch và giải pháp xử lý kịp thời, có hiệu quả, không để phát sinh thành điểm nóng.
Công tác tuần tra kiểm soát, đảm bảo an toàn giao thông có bước chuyển biến tốt, tuy nhiên tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp. Trong tháng đã xảy ra 13 vụ tai nạn giao thông làm chết 12 người, tăng 05 vụ, 04 người chết so với tháng trước và tăng 02 vụ so với cùng kỳ 2007. Tính chung từ đầu năm đến nay, tai nạn giao thông giảm trên cả ba mặt, nhưng vẫn còn ở mức cao (xảy ra 126 vụ tai nạn, giảm 29 vụ; làm chết 131 người, giảm 39 người; làm bị thương 35 người, giảm 47 người).
7. Về công tác ban hành văn bản, cải cách hành chính và hoạt động chỉ đạo điều hành của Thường trực UBND tỉnh
Trong tháng, UBND tỉnh ban hành 06 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, có quy định về chế độ trợ cấp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và chính sách thu hút khuyến khích người có trình độ cao trên địa bàn tỉnh An Giang; quy định chế độ chi tiêu tiếp khách nước ngoài vào làm việc, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế và chi tiếp khách trong nước bằng ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh; quy định các khu vực khi lắp đặt các trạm thu, phát sóng thông tin di động; phê duyệt chương trình phát triển nhà ở tỉnh An Giang đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; về việc thực hiện bảo hiểm tự nguyện trên địa bàn tỉnh.
Một số hoạt động của lãnh đạo UBND tỉnh trong tháng:
- Thường trực UBND tỉnh tiếp và làm việc với các cơ quan Trung ương: Đoàn công tác Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban QLDA 7 về các dự án xây dựng trên địa bàn tỉnh; tiếp Đoàn Ủy ban Biên giới Quốc gia, Đoàn công tác của Hội Chữ thập đỏ TW, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản; dự hội nghị toàn quốc triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2009, dự diễn đàn Bộ Ngoại giao.
- Tổ chức và tham dự các cuộc họp, hội nghị:
Dự hội nghị triển khai Quyết định 160/QĐ-TTg về phát triển kinh tế xã hội các xã tuyến biên giới trên địa bàn tỉnh, 10 năm lập lại trật tự an toàn hành lang an toàn giao thông, tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở, tổng kết sản xuất nông nghiệp 2008 và triển khai kế hoạch năm 2009, tổng kết Ánh sáng văn hóa hè 2008, dự mittinh Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS, lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, lễ Phật giáo Hòa Hảo, lễ trao quyết định của Bộ Giáo dục và đào tạo công nhận An Giang đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS.
Dự họp với HĐND tỉnh về kết quả giám sát giữa 2 kỳ họp, thông qua quy hoạch xây dựng cơ bản năm 2009, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và nhà ở, với Tổng Cty Viettel về việc đưa internet vào trường học, Hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão, Ban Chỉ đạo về nhân quyền, Ban Chỉ đạo Cụm, tuyến dân cư giai đoạn 2, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thuế thu nhập cá nhân;
Làm việc với huyện Chợ Mới và Châu Phú, với Sở Nội Vụ, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Du lịch và đầu tư, Sở Giao thông Vận tải về giá xe buýt và danh mục vốn đầu tư sự nghiệp giao thông năm 2009, với Sở Giáo dục và đào tạo về kế hoạch năm 2009, Thị xã Châu Đốc về chợ Đầu Bờ.
III. Một số tồn tại, khó khăn:
1. Khủng hoảng kinh tế thế giới đang gây tác động bất lợi đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó có tỉnh ta, nhất là về xuất khẩu cá và lúa.
2. Giá lúa, cá tiếp tục ở mức thấp gây khó khăn trong sản xuất và ảnh hưởng đến đời sống người dân.
3. Tai nạn giao thông đang có chiều hướng gia tăng trở lại, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Phần thứ hai
CÔNG TÁC TRỌNG TÂM THÁNG 12 NĂM 2008
Tháng 12/2008, toàn tỉnh tập trung hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008; tập trung cho kỳ họp HĐND tỉnh lần 13 khoá VII; chủ động xây dựng và triển khai tốt các nội dung kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2009.
Một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình kinh tế, tài chính, biến động giá cả thế giới để chủ động có biện pháp ứng phó kịp thời; tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát, chăm lo, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững theo chỉ đạo của Chính phủ.
2. Tập trung bảo vệ, thu hoạch dứt điểm lúa vụ 3. Theo dõi chỉ đạo xuống giống vụ Đông Xuân 2008-2009 theo kế hoạch theo hướng nâng cao chất lượng hạ giá thành; theo dõi tình hình thời tiết, mưa bão, hạn hán, dịch bệnh để chủ động ứng phó kịp thời, đảm bảo cho sản xuất đạt kết quả cao nhất.
3. Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là mặt hàng gạo và thuỷ sản; nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, giá cả hàng hoá, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng; tập trung tháo gỡ khó khăn, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp dự trữ đủ hàng hoá chất lượng tốt để phục vụ cho tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009.
4. Tăng cường phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cán bộ công chức và trong nhân dân, dành mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển và đảm bảo an sinh xã hội.
5. Xây dựng kế hoạch kinh phí về chế độ, chính sách để hỗ trợ về vật chất, tinh thần, thực hiện tốt việc chăm lo, thăm hỏi, chúc tết các đối tượng chính sách, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ cách mạng lão thành, các đơn vị lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn; kế hoạch thông tin, tuyên truyền, văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao đảm bảo phục vụ chu đáo các ngày lễ, tết, tạo không khí sinh động, sôi nổi, vui tươi, thiết thực góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân.
6. Tập trung tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường thủy. Triển khai đầu tư, nâng cấp sửa chữa các tuyến đường và nghiên cứu phân luồng, phân tuyến đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn trong dịp lễ, tết.
7. Tập trung đảm bảo ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn và an ninh biên giới. Triển khai kế hoạch sẳn sàng chiến đấu bảo vệ các ngày lễ, tết. Tập trung chỉ đạo phòng chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.
8. Chuẩn bị các điều kiện để triển khai kế hoạch năm kinh tế - xã hội 2009 đảm bảo giành thắng lợi ngay từ đầu năm, nhất là trong thời điểm có nhiều khó khăn do suy giảm kinh tế thế giới./.