Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/05/2009-13:56:00 PM
Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển ngành dịch vụ, thương mại tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2009
PHẦN I: ĐÁNH GIÁ CHUNG
I. Tình hình thế giới.
Bước sang Quý II, nền kinh tế thế giới vẫn tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn. Mặc dù chính phủ các nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ đang tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, lành mạnh hoá nền tài chính, thúc đẩy tiêu dùng nhằm vực dậy nền kinh tế, tuy nhiên những kết quả đạt được vẫn còn khá hạn chế. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế thế giới bắt đầu có những dấu hiệu phát triển khả quan, tuy nhiên khó có khả năng phục hồi hoàn toàn trong năm 2009. Thực tế trong những tháng vừa qua cho thấy các nền kinh tế lớn mặc dù đã hạn chế dần được sự suy thoái, song vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, khó lường. Do sức mua giảm mạnh, giá cả nhiều loại hàng hoá trên thị trường thế giới tiếp tục duy trì ở mức thấp và chưa có dấu hiệu phục hồi trở lại. Trong khi đó, giá vàng và đô la Mỹ tiếp tục biến động phức tạp và là thách thức lớn đối với mục tiêu kiềm chế suy thoái, thúc đẩy tăng trưởng.
II. Tình hình trong nước.
Trong những tháng đầu năm 2009, tác động tiêu cực của sự suy thoái kinh tế thế giới đã có ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, với những biện pháp thích hợp, quyết liệt, đồng bộ do Chính phủ đưa ra nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tăng cường đầu tư, kích cầu tiêu dùng, ... đã bước đầu hạn chế được đà suy giảm. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, cho đến nay, các chính sách của Chính phủ cơ bản đều đang phát huy hiệu quả tích cực, tháo gỡ kịp thời các khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Dự báo nền kinh tế có thể bắt đầu phục hồi nhẹ từ Quý II. Tuy nhiên, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp hiện nay như triển khai tiếp tục gói kích cầu, bù lãi suất, tăng cường đầu tư công từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ, đặc biệt là đối với hệ thống cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, ... cần thực hiện những chính sách dài hơi nhằm tạo đà cho nền kinh tế thời kỳ hậu khủng hoảng. Theo đó đòi hỏi phải triển khai đồng bộ các giải pháp cả về cải cách thể chế, đặc biệt là cải cách hành chính, hoàn thiện hệ thống pháp lý, phát triển theo hướng lành mạnh hoá hệ thống tài chính, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, thị trường lao động, cải cách doanh nghiệp nhà nước, kết hợp gói kích cầu với phát triển hệ thống hạ tầng.
PHẦN II: TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH DỊCH VỤ, THƯƠNG MẠI THÁNG 4 năm 2009
I. Tình hình xuất nhập khẩu
1. Xuất khẩu:
Ước thực hiện xuất khẩu tháng 4 năm 2009 đạt 4,5 tỷ USD, giảm 15,3% so với tháng trước; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 1,7 tỷ USD.
Bốn tháng đầu năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 18,6 tỷ USD, tương đương so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 6,4 tỷ USD, giảm 8,5%.
Xuất khẩu của một số mặt hàng chủ yếu so với cùng kỳ năm trước: dầu thô ước đạt 5,5 triệu tấn, tăng 20,2% về lượng nhưng giảm 44,7% về kim ngạch so với cùng kỳ 2008; dệt may 2,59 tỷ USD, tăng 1,85% so với cùng kỳ; giày dép 1,24 tỷ USD, giảm 10,75%; gỗ và sản phẩm gỗ 774 triệu USD, giảm 22,1%; linh kiện điện tử 707 triệu USD, giảm 7,1%; thuỷ sản 1.058 triệu USD, giảm 7,1%; gạo 2482 nghìn tấn, tăng khoảng 50% về lượng và tăng44% về kim ngạch ...
Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm sở dĩ đạt mức tương đương so với cùng kỳ năm 2008 trong điều kiện nền kinh tế thế giới đang bị tác động mạnh bởi khủng hoảng là nhờ giá trị xuất khẩu vàng trong tháng 2 và tháng 3 rất cao. Nếu không tính đến kim ngạch xuất khẩu vàng, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 4 tháng vừa qua chỉ đạt được khoảng hơn 16 tỷ USD, tức giảm 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, nếu không tính xuất khẩu vàng, kim ngạch của tháng 4 thực tế tăng 6,5% so với tháng 3, đánh dấu sự hồi phục của xuất khẩu Việt Nam khi gói giải pháp kích cầu của Chính phủ đi vào hiệu quả.
Châu lục nhập khẩu nhiều hàng hóa nhất từ Việt Nam vẫn là Châu Á với tỷ trọng đạt gần 40%, tiếp theo là Châu Âu (34%) và Châu Mỹ (19%). Mặc dù thị trường xuất khẩu của Việt Nam bị thu hẹp ở Châu Á và Châu Mỹ, nhưng lại có sự mở rộng khá mạnh sang Châu Âu (trên 60%) và Châu Phi (trên 100%), do đó tổng kim ngạch nhập khẩu có mức gần như tương đương so với cùng kỳ 2008.
2. Nhập khẩu:
Kim ngạch nhập khẩu tháng 4 năm 2009 ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 3,11% so với tháng trước. Nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 1,8 tỷ USD.
Bốn tháng đầu năm 2009, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 17,8 tỷ USD, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ước đạt 6,3 tỷ USD, giảm 29,5%.
Nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu so với cùng kỳ năm 2008 có sự giảm sút mạnh cả về lượng và kim ngạch: Xăng dầu (giảm 12,9% về lượng và 57,3% về kim ngạch), Phân bón (giảm 9,4% về lượng và 33,8% về kim ngạch), Sắt thép (giảm 58,2% về lượng và 53,9% về kim ngạch), Bông (giảm 26,4% về lượng và 54% về kim ngạch) ... Ngoài ra còn nhiều mặt hàng giảm về kim ngạch như: Máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng (giảm 27,3%), Vải (giảm 7,7%), Gỗ và nguyên phụ liệu gỗ (giảm 46,5%), Sản phẩm hóa chất (giảm 14,5%) ... Tuy vậy, đây không phải là tín hiệu đáng mừng bởi kim ngạch nhập khẩu giảm hầu hết ở các mặt hàng phục vụ sản xuất các mặt hàng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Điều đó sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2009.
Hai tháng gần đây, kim ngạch nhập khẩu tăng và đạt trên 5 tỷ USD mỗi tháng, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng như vải, bông, sợi, hóa chất, vải các loại ... Đây là điềm báo tốt cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu trong mấy tháng tới cũng như phản ánh sự hiệu quả của các gói kích cầu của Chính phủ.
Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam giảm ở tất cả các châu lục, trong đó giảm mạnh nhất là ở Châu Âu và Châu đại dương (trên dưới 50%), sau đó là Châu Á (khoảng 40%), giảm nhẹ nhất là ở Châu Mỹ (trên 20%). Nhìn chung Việt Nam vẫn nhập khẩu mạnh nhất từ Châu Á với thị phần khoảng 80% (Mức thị phần đã được duy trì suốt từ năm 2008).
3. Một số nhận xét về tình hình xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2009:
Tình hình xuất nhập khẩu đang có nhiều dấu hiệu lạc quan mặc dù tình trạng nhập siêu có thể xuất hiện trở lại. Nhập siêu trong tháng 4 được dự báo là khoảng 700 triệu USD, tuy nhiên tính cả giai đoạn 4 tháng đầu năm thì Việt Nam vẫn xuất siêu khoảng 800 triệu USD. Về xuất khẩu, kim ngạch có xu hướng ổn định hơn với sự tăng trưởng của nhiều mặt hàng chủ lực đặc biệt là dệt may và da giày, không còn bị phụ thuộc vào xuất khẩu vàng. Về nhập khẩu, kim ngạch gia tăng trong các mặt hàng phục vụ sản xuất chứng tỏ các gói kích cầu của Chính phủ đã tập trung đúng hướng.
II. Tình hình phát triển thương mại trong nước
Thị trường trong nước cuối tháng 3, đầu tháng 4 bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Do tình hình thời tiết diễn biến thuận lợi, hoạt động sản xuất nông nghiệp trên cả nước về cơ bản được đảm bảo. Đối với một số địa phương chịu ảnh hưởng do tác động của thiên tai (bão, lũ, lốc xoáy, …) và dịch bệnh, song do có sự hỗ trợ kịp thời của chính phủ và sự chủ động phòng, chống dịch của địa phương nên đã hạn chế tối đa thiệt hại, sớm khôi phục sản xuất, đảm bảo đời sống nhân dân.
Sau một thời gian thực hiện quyết liệt nhiều gói giải pháp đồng bộ của Chính phủ nhằm kích cầu đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kích thích tiêu dùng, cho đến nay, hoạt động sản xuất và thương mại tại hầu hết các địa phương trong cả nước đã đã dần được tháo gỡ khó khăn, bước đầu khôi phục đà tăng trưởng.
1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Dự kiến tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (gọi tắt là tổng mức bán lẻ) tháng 4 đạt khoảng 90.060 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng 3 năm 2009. Như vậy sau 4 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá cả nước ước đạt 360.358 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2008 đạt mức tăng trưởng khoảng 21,5%.
Xét về cơ cấu theo thành phần kinh tế tham gia, nhóm kinh tế cá thể vẫn đóng vai trò chủ đạo, chiếm tỷ trọng 57,1% trong tổng giá trị lưu chuyển hàng hoá. Tiếp đến là thành phần kinh tế tư nhân với tỷ trọng 30,4%. Còn lại là các thành phần kinh tế khác chiếm tỷ trọng khoảng 12,5% trong tổng mức bán lẻchung cả nước.
(Số liệu Tổng cục Thống kê)
2. Giá cả
Tiếp tục chiều hướng của Quý I, trong những ngày đầu Quý II, hầu hết các nhóm hàng hoá trên thị trường vẫn duy trì mức giá thấp và biến động không đáng kể.
Hiện nay, ở hầu hết các Trung tâm mua sắm đang triển khai tích cực nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá nhằm kích thích lượng mua sắm. Tuy nhiên, do tác động của sự suy giảm kinh tế, hầu hết các biện pháp này vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Lượng cầu tiêu dùng trên thị trường hiện có tăng song với mức không đáng kể. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã bắt đầutriển khai thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại nội địa. Theo đó trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện một số giải pháp nhằm kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân, đồng thời có những biện pháp quảng bá, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp trong nước nhằm tăng mức tiêu thụ các sản phẩm sản xuất trong nước, dần thay đổi tập quán tiêu dùng “sính ngoại” hiện nay, qua đó giúp các doanh nghiệp trong nước phát triển bền vững, xác lập chỗ đứng vững vàng trên chính “sân nhà” – thị trường tiêu dùng được đánh giá là tiềm năng, hấp dẫn hàng đầu châu lục, giải quyết cơ bản những khó khăn trong hoạt động xuất khẩu hiện nay.
Dự báo chỉ số giá tháng 4 năm 2009 tăng nhẹ. So với tháng 3 năm 2009, chỉ số giá tháng 4 năm 2009 tăng khoảng 0,35%. Những nhóm hàng tăng nhẹ gồm có: lương thực – thực phẩm, nhà ở và vật liệu xây dựng, đồ uống và thuốc lá, ...
Trong những tháng cuối năm, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng bền vững, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm điều hành giá cả hợp lý, góp phần bình ổn thị trường.
(Số liệu Tổng cục Thống kê)
3. Tình hình cung – cầu, giá cả một số mặt hàng thiết yếu:
3.1 Xăng dầu
Giá dầu thô thế giới tháng 4 có chiều hướng giảm mạnh ngay sau khi cơ quan năng lượng quốc tế ( IEA) hạ dự báo về nhu cầu năng lượng toàn cầu năm nay sẽ giảm 2,4 triệu thùng/ngày xuống 83,4 triệuthùng/ngày, mức thấp nhất kể từ năm 2004. Giá dầu giao tháng 5 tại Niu Oóc đứng ở mức 50,33 USD/thùng và giá dầu Brent tại Luân Đôn lại tăng lên 53,35 USD/thùng. Hiện giá dầu giao tháng 6 đã giảm xuống 45,88 USD/thùng tại Niu Oóc và tại Luân Đôn giá dầu Brent đang ở mức 49,86 USD/thùng.
Tại trị trường trong nước, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã tăng 500 đồng/lít, giá xăng A92 tăng lên 12.000 đồng/lít, dầu hoả lên 11.500 đồng/lít từ 11 giờ trưa ngày 11 tháng 4. Các loại dầu khác vẫn giữ nguyên giá bán.
Cùng với lượng nhập khẩu xăng dầu từ thị trường nước ngoài, tính đến cuối tháng 4, nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ cho ra dòng sản phẩm thương mại các chủng loại xăng A90, A92, A95 và xăng máy bay ngoài dòng sản phẩm dầu diesel và dầu hỏa đã xuất xưởng từ tháng 2 năm 2009.
Lượng xăng dầu nhập khẩu tháng 4 ước thực hiện đạt 1.100 nghìn tấn, tương đương 96,5% so với tháng trước, lũy kế đạt 34,26% kế hoạch năn 2009; Xuất khẩu tháng 4 ước thực hiện đạt 1.350 nghìn tấn, bằng 96,6% so với lượng xuất khẩu tháng 3, lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 46,2% kế hoạch xuất khẩu năm 2009.
3.2 Sắt thép
Thị trường thế giới: Trong những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4, thị trường thép thế giới tiếp tục xu hướng trầm lắng. Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, lượng cầu về thép hiện đang duy trì ở mức thấp. Đây là lý do khiến giá phôi thép và thép thế giới đứng ở mức thấp. Giá phôi thép thế giới hiện dao động trong khoảng 360 – 370USD/tấn CFR. Dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì ít nhất cho đến cuối năm 2009.
Thị trường trong nước: Trong tháng 4, nhu cầu tiêu thụ thép trên các thị trường trong cả nước có xu hướng tăng nhẹ do bước vào mùa xây dựng. Bên cạnh đó, những biện pháp nhằm kích thích sản xuất, đầu tư của chính phủ cũng đã bước đầu phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng trở lại của thị trường vật liệu xây dựng nói chung, trong đó có thị trường thép.
Dự kiến lượng tiêu thụ thép tháng 4 đạt khoảng 280.000 tấn, tăng nhẹ so với tháng 3, đưa tổng lượng thép tiêu thụ từ đầu năm đến nay đạt khoảng 978.000 tấn. Lượng thép sản xuất tháng 4 đạt khoảng 285.000 – 290.000 tấn, sau 4 tháng đạt khoảng hơn 1 triệu tấn. Như vậy cùng với lượng thép tồn kho khoảng 220.000 tấn, lượng cung về thép vẫn cao hơn so với nhu cầu thực tế trên thị trường.
Về giá: Mặc dù lượng cầu về thép trên thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng nhẹ, song do lượng cung vẫn cao hơn cầu, giá thép trên thị trường trong nước vẫn tiếp tục được giữ ổn định. Hiện giá thép bán buôn trên các thị trường trong cả nước dao động ở mức 10,3 – 10,8 triệu tấn (tuỳ thị trường).
Để nâng cao hiệu quả điều hành thị trường thép, Bộ Tài chính đã quyết định điều chỉnh mức thuế suất nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép (Thông tư số 58/2009/TT-BTC ngày 25/03/2009). Những điều chỉnh này bắt đầu có hiệu lực kể từ 1/04/2009. Tuy nhiên, để quản lý tốt thị trường thép, bên cạnh những điều chỉnh về thuế, cần tăng cường công tác quản lý thị trường, giúp phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tránh hiện tượng thép nước ngoài nhập lậu dưới những hình thức tinh vi đã và đang gây những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.
3.3 Xi măng
Tháng 3 - 4 năm 2009, theo Bộ Xây dựng, sản xuất và tiêu thụ xi măng cao do điều kiện thời tiết thuận lợi cho ngành xây dựng. Uớc lượng xi măng tiêu thụ tháng 4 đạt 4,3 triệu tấn, tương đương mức tiêu thụ trong tháng 3. Giá bán xi măng trên thị trường ổn định, phía Bắc từ 850.000 – 1.1000.000 đồng/tấn, phía Nam từ 1.100.000 - 1.400.000 đồng/tấn.
Dự báo trong quý II năm 2009, giá bán than cho hộ sản xuất xi măng sẽ được điều chỉnh theo giá thị trường gây ảnh hưởng tới chi phí sản xuất nhưng do nguồn cung dồi dào nên giá bán dự kiến sẽ ổn định hoặc tăng nhẹ.
3.4 Phân bón
Trong tháng 3 năm 2009, giá chào phân bón trên thị trường thế giới có chiều hướng giảm nhẹ so với tháng trước do nhu cầu chưa cao, hiện ở mức 250 - 260 USD/tấn FOB. Trong nước, mặc dù tồn kho phân bón còn nhiều nhưng giá bán lẻ đã tăng do nhu cầu sử dụng gia tăng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (chuẩn bị vụ Hè Thu) và miền Bắc ( cho vụ Đông Xuân). Giá bán lẻ urê Phú Mỹ phổ biến ở mức 6.500 - 7.000 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg so với tháng 2.
Dự báo trong quý II năm 2009 giá phân bón sẽ phục hồi và sôi động trở lại với mức tăng nhẹ.
III. Tình hình phát triển ngành Du lịch:
Tháng 4 năm 2009 hoạt động du lịchđã sôi động ngay từ ngày đầu tháng do thời gian này là tháng khởi động chuẩn bị bước vào mùa nghỉ hè trên cả nước. Nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch đã được tổ chức ở nhiều nơi như: Lễ hội ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam, triển lãm không gian văn hoá Việt Nam tại Pháp, Lễ hội du lịch Hạ Long, Chương trình giới thiệu sự kiện triển lãm du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh 2009 (ITE - HCMC 2009), Tuần văn hoá du lịch Sa Pa, … Những hoạt động này góp phần thu hút một lượng khách lớn trong và ngoài nước đến tham quan.
Trong dịp này, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Lễ phát động đợt II bầu chọn Kỳ quan Thiên nhiên thế giới mới cho Vịnh Hạ Long.Lễ phát động lần này nằm trong chuỗi chương trình hành động của Ban Chỉ đạo Quốc gia về tuyên truyền, quảng bá và vận động bầu chọn kỳ quan thiên nhiên thế giới cho Vịnh Hạ Long. Ngay từ khi tổ chức New Open World phát động bình chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới qua mạng, Vịnh Hạ Long luôn ở tốp đầu trong số hàng trăm danh thắng được đề cử. Hiện nay, Vịnh Hạ Long đang nằm trong tốp 3 trong tổng số 25 ứng cử viên ở nhóm G (thắng cảnh biển).
Cũng trong tháng 4 năm 2009 với dịp nghỉ lễ 30 tháng 4 và mùng 1 tháng 5 kéo dài, góp phần làm sôi động thị trường Tour du lịch trong và ngoài nước ngay từ đầu tháng 4. Trung bình giá Tour tăng từ 20 - 30% một phần do giá xăng dầu, phương tiện vận chuyển và một số dịch vụ liên quan tăng. Đối với các Tour du lịch đi Hạ Long, Sapa, Cửa Lò, Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết, … số lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đăng ký tăng gấp đôi ngày thường, đến giữa tháng 4 hầu như các Tour này đã bị "cháy". Nhiều Tour chất lượng cao đi Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Malaysia cũng đã bị "cháy" cụ thể vé máy bay đi các nước trên hầu như đã kín hết chỗ trong dịp này.
Trong dịp nghỉ lễ 30 tháng 4 và mùng 1 tháng 5, số lượng khách du lịch Việt Nam đi du lịch nước ngoài khá lớn, đặc biệt là ở hai Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Công tác tổ chức đón khách quốc tế cũng như việc đưa khách Việt Nam đi du lịch trong nước, nước ngoài được thực hiện tốt với sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan nhà nước và nhân dân.
Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4 ước đạt khoảng 320 nghìn lượt khách, tăng hơn 5% so với tháng trước, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, lượng khách du lịch quốc tế trong 4 tháng đầu năm khoảng 1,33 triệu lượt khách, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khách du lịch quốc đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm chủ yếu từ một số thị trường như: Mỹ tăng 40%, Úc tăng 14%, Pháp tăng 12%, Canada tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái; một số thị trường khách du lịch quốc tế của Việt Nam giảm mạnh như: Trung Quốc giảm 13%, Hàn Quốc giảm 23%, Nhật giảm 9%, Đài Loan giảm 7%, Malaysia giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xét theo phương tiện đi lại, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái, đường hàng không giảm 6%, đường biển giảm 36%, đường bộ giảm 30%. Xét theo mục đích chuyến đi của khách du lịch, khách du lịch theo mục đích nghỉ ngơi giảm 15%, khách du lịch theo công việc giảm 21%, khách đi du lịch thăm thân nhân tăng 2%.
Trong dịp này công suất sử dụng phòng đạt mức cao trên 70%, nhiều khách sạn cao cấp xếp hạng 4 - 5 sao tại các trung tâm du lịch như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nha Trang ... đạt công suất 90%. Toàn ngành tập trung xây dựng các phương án nâng cao chất lượng buồng phòng khách sạn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong các khách sạn và đảm bảo về an ninh cho khách du lịch.
(Số liệu dự báo của Vụ Kinh tế dịch vụ)
PHẦN III: MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
I. Những giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu:
- Tiếp tục triển khai nhanh và có hiệu quả gói 17000 tỷ đồng hỗ trợ. Bên cạnh việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu thì cũng phải tính đến việc giúp đỡ các doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng phục vụ cho hoạt động sản xuất.
- Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu sang khu vực ít bị tác động của suy thoái kinh tế.
- Tăng cường tiếp xúc cấp cao để mở rộng thị trường quan hệ buôn bán, chủ động ứng phó với chính sách bảo hộ mậu dịch và các rào cản kỹ thuật.
- Tận dụng lợi thế của các Hiệp định khu vực thương mại tự do FTA.
- Triển khai xây dựng các trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu, phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, đặc biệt là trong một số lĩnh vực như sản xuất hàng dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, sản phẩm nhựa nhằm nâng cao khả năng cung ứng nguyên liệu cho sản xuất một cách kịp thời, với chi phí thấp.
- Xây dựng và triển khai các chính sách khuyến khích xuất khẩu phù hợp với quy định của WTO như bảo hiểm xuất khẩu ...
II. Những giải pháp nhằm kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường trong nước:
- Triển khai nhanh các biện pháp nhằm kích cầu tiêu dùng như: tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá, quảng bá các sản phẩm sản xuất trong nước, phát thẻ giảm giá, thẻ mua hàng miễn phí, …
- Tiếp tục triển khai thực hiện các gói kích cầu, hỗ trợ lãi suất nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì, mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả chính sách này cần tăng cường kiểm tra, đảm bảo nguồn hỗ trợ được thực hiện đúng mục tiêu, đúng đối tượng, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp thực hiện sai nguyên tắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ.
- Tiếp tục thắt chặt kiểm tra hệ thống phân phối các mặt hàng trọng yếu, đảm bảo hàng hoá được lưu thông, phân phối ổn định, không thông qua nhiều tầng nấc trung gian, qua đó hạn chế tối đa các hiện tượng tiêu cực.
- Tăng cường quản lý thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực như nhập lậu, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Đặc biệt đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm cần kiểm tra, kiểm dịch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo lòng tin cho người tiêu dùng.
- Đảm bảo việc phân phối giữa các vùng, miền thông suốt, tránh tình trạng mất cân đối cục bộ gây sốt giá.
- Có biện pháp hỗ trợ kịp thời lương thực, giống cây trồng cho những vùng bị thiên tai, giúp nhân dân sớm vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, đảm bảo đời sống sinh hoạt, qua đó đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội của Chính phủ.
III. Những giải pháp nhằm phát triển ngành du lịch
- Tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch, Việt Nam là một điểm đến an toàn thân thiện đối với bạn bè quốc tế cần đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: CNN, BBC, Discovery, ...
- Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, người dân Việt Nam cũng như trên toàn thế giới có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt chi tiêu cho việc du lịch vui chơi giải trí. Như vậy, để thu hút được khách du lịch trong thời gian tới Việt Nam cần có một cuộc “cách mạng” về giảm giá đối với các Tour du lịch, vấn đề này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan như: vận tải hàng không, hàng hải, khách sạn nhà hàng, ...
- Xu hướng khách du lịch bằng đường biển đến Việt Nam ngày càng tăng, khách du lịch bằng đường biển thường là khách có mức chi tiêu cao, do đó cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đặc biệt đối với các đối tượng khách du lịch này về visa, thời gian lưu trú trên bờ, khoảng cách được phép đi sâu vào nội địa, ...
- Cải cách các chính sách về xuất nhập cảnh, thủ tục xe ô tô du lịch qua biên giới cần thông thoáng hơn nữa để thúc đẩy phát triển mạnh khách du lịch thông qua con đường này.

File đính kèm:
Bao cao T4.Kinh te dich vu. Unicode.pdf

Vụ Kinh tế dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1660
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)