Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 21/05/2009-14:27:00 PM
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rời Hà Nội thăm, làm việc tại Nhật Bản và dự Hội nghị Tương lai châu Á
Như Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã đưa tin, tối 20/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã rời Hà Nội, lên đường thăm, làm việc tại Nhật Bản và dự Hội nghị Tương lai châu Á từ ngày 21 đến 23/5/2009.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản
tháng 10/2006

Tham gia Đoàn có Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Hữu Vũ, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Đạt, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Lạng, Trợ lý Thủ tướng Nguyễn Khắc Định.
Tăng cường phối hợp, đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu
Hội nghị Tương lai châu Á do báo Nikkei, một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất Nhật Bản tổ chức, là diễn đàn có uy tín ở châu Á, thu hút sự tham dự của lãnh đạo cấp cao và chính khách nhiều nước châu Á cũng như các tập đoàn lớn trên thế giới.
Hội nghị “Tương lai châu Á” tổ chức hàng năm, thảo luận những vấn đề quan trọng có ảnh hưởng đến sự phát triển của các nước châu Á.
Với chủ đề “Những thách thức châu Á đang phải đối phó, cùng theo đuổi những mục tiêu mới”, Hội nghị năm 2009 thảo luận về các vấn đề khó khăn mà châu Á đang phải đối mặt hiện nay trong cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu, sự cần thiết mở ra những lĩnh vực hợp tác mới để giúp các nước kém phát triển hòa nhập mạnh mẽ hơn nữa vào nền kinh tế khu vực.
Hội nghị năm nay, Nikkei mời nhiều nhà lãnh đạo cấp cao và cựu lãnh đạo cấp cao châu Á. Tham gia Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được mời phát biểu trong phiên toàn thể; Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng tham gia phiên thảo luận với chủ đề “Khám phá hành lang công nghiệp Đông Á - Ảnh hưởng của những cơ sở hạ tầng tiếp vận lớn”.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trao đổi với lãnh đạo các nước nhằm tăng cường hợp tác và phối hợp cùng nhau đối phó với những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tranh thủ giới thiệu các tiềm năng phát triển của Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ của Nhật Bản và các nước cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt – Nhật
Chuyến thăm, làm việc tại Nhật Bản lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp. Nhân chuyến thăm thành công của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tới Nhật Bản vào trung tuần tháng 4/2009, hai nước đã ra Tuyên bố chung phát triển quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.
Đồng thời, các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo hai nước và việc mở rộng giao lưu giữa các Bộ, ngành hai bên đã góp phần tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau và từng bước hoàn thiện khuôn khổ quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản.
Nhật Bản trở thành một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam; nước có vốn đầu tư FDI lớn thứ 3 vào Việt Nam (hơn 16 tỷ USD), sau Malaysia và Đài Loan. Riêng năm 2008, có 105 dự án với 7,28 tỷ USD vốn FDI được cấp mới.
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam – Nhật Bản đạt khoảng 17 tỷ USD năm 2008, vượt mục tiêu đề ra 15 tỷ USD vào năm 2010 như lãnh đạo cấp cao hai nước thỏa thuận trong Tuyên bố chung khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Nhật Bản tháng 10/2006. Nhật là bạn hàng lớn thứ 2 của Việt Nam sau Trung Quốc và là thị trường xuất khẩu thứ 2 sau Hoa Kỳ.
Tháng 12/2008, hai nước đã ký kết Hiệp định đối tác kinh tế song phương Việt – Nhật (VJEPA). Cùng với Hiệp định đối tác toàn diện Nhật – ASEAN, VJEPA tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.
Nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam
Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Từ năm 1992 đến nay, Nhật Bản đã tài trợ phát triển chính thức cho Việt Nam gần 14 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng số vốn tài trợ cho Việt Nam của các nhà tài trợ quốc tế, trong đó viện trợ không hoàn lại khoảng 1,5 tỷ USD.
Từ cuối tháng 6 và đặc biệt trong tháng 8/2008, báo chí đưa tin về vụ việc Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI – Nhật Bản) hối lộ quan chức Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây (dự án ODA của Nhật Bản). Vụ việc này đang được các cơ quan hữu trách của hai phía điều tra, xử lý. Hai bên đã thành lập Ủy ban hỗn hợp Việt – Nhật để phòng chống tham những liên quan đến ODA của Nhật Bản.
Ngày 23/2/2009, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố nối lại ODA cho Việt Nam sau 8 tháng tạm ngừng, đồng thời cam kết khoản viện trợ ODA cho Việt Nam tài khóa 2008 trị giá 83,2 tỷ Yên (900 triệu USD).
Chuyến thăm, làm việc tại Nhật Bản và dự Hội nghị Tương lai châu Á của Đoàn cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu sẽ góp phần quan trọng đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả theo tinh thần của quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á./.
Việt Đông
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 938
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)