(MPI Portal) - Diễn đàn phát triển châu Á lần thứ 5 (ADF - 5) do Chính phủ Việt Nam phối hợp với Nhật Bản và Hàn Quốc tổ chức đã khai mạc sáng ngày 19/9/2014 tại Hà Nội với chủ đề "Những thách thức và chiến lược hướng tới Phát triển bền vững của Châu Á". Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn.
|
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Diễn đàn có sự tham dự của gần 100 đại biểu đến từ các nước trong và ngoài khu vực châu Á, các nhà lãnh đạo của các Chính phủ, các nhà tài trợ song phương và các Học viện trong Khu vực, các tổ chức quốc tế cùng các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đánh giá cao vai trò của ADF, là cơ hội để các nước châu Á học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của mình đối với các tổ chức quốc tế, khu vực và thế giới về những cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển.
|
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Theo nhận định của ADB, đến năm 2050 Châu Á sẽ đứng trước hai kịch bản phát triển. Kịch bản thứ nhất đó là “Một kỷ nguyên châu Á” với GDP cao gấp 10 lần năm 2010. Kịch bản thứ hai đó là châu Á mắc kẹt vào bẫy thu nhập trung bình. Vì vậy, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, các quốc gia châu Á, đặc biệt các nước có mức thu nhập trung bình, phải có các biện pháp hữu hiệu và kịp thời để giải quyết các khó khăn, thách thức nhằm đạt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, sau 30 năm đổi mới, đến nay Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo, đặc biệt Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và hoàn thành nhiều Mục tiêu Thiên nhiên kỷ do Liên Hợp quốc đề ra. Tuy nhiên, Việt Nam đang đứng trước thách thức mới đặt ra khi động lực cho Việt Nam phát triển của 30 năm trước không còn nhiều dư địa. Để tránh bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam đang tập trung tái cấu trúc nền kinh tế, tìm ra phương thức phát triển mới, phát triển dựa vào tăng năng suất lao động, khai thác được tiềm năng quan trọng là con người.
|
Chủ tịch ADB Takehiko Nakao phát biểu tại Diễn đàn.Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Tại Diễn đàn, Chủ tịch ADB Takehiko Nakao đã có bài phát biểu quan trọng nhằm khẳng định cam kết mạnh mẽ của ADB trong việc giúp các nước châu Á vượt qua các thách thức của quá trình phát triển và xây dựng một khu vực không có đói nghèo, trong đó tập trung hơn nữa vào phát triển cơ sở hạ tầng và năng lực thể chế hướng tới hợp tác khu vực và hội nhập. Chủ tịch ADB Takehiko Nakao cho rằng, trong vòng 15 năm qua khu vực châu Á đã đạt được những thành tựu tuyệt vời về kinh tế, tình trạng nghèo giảm đáng kể.
Theo Chủ tịch ADB Takehiko Nakao, các quốc gia đều có thể đạt mức thu nhập trung bình cao hơn nếu triển khai được các nội dung như: ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo cho giáo dục y tế, đầu tư cho con người, mở cửa cơ chế thương mại, phải có cơ chế quản trị tốt và tạo sự hòa nhập với tất cả mọi người trong xã hội.
Chủ tịch ADB Takehiko Nakao nhấn mạnh, ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng để có sự phát triển và đầu tư. Tuy nhiên, muốn ổn định, các quốc gia, trong đó có Việt Nam cần nâng cao các chính sách tài khóa, tiền tệ, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, đầu tư mạnh mẽ hơn vào cơ sở hạ tầng, giúp người dân có khả năng tiếp cận được với các dịch vụ cơ bản. Đồng thời, để tránh bẫy thu nhập trung bình, các quốc gia cần chuyển đổi nền kinh tế sử dụng nhiều lao động sang nền kinh tế sử dụng lao động chất lượng cao, đồng thời xây dựng khung thể chế cho nền kinh tế và nâng cao vai trò khu vực tư nhân trong quá trình phát triển kinh tế.
|
Ông Keun Lee trình bày tham luận. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Trong khuôn khổ Diễn đàn, đại diện Hàn Quốc ông Keun Lee, Giáo sư kinh tế, Thành viên Ủy ban Chính sách phát triển, Liên Hợp quốc trình bày chuyên đề Bẫy thu nhập trung bình (MIT) và Mô hình phát triển của Hàn Quốc. Ông Keun Lee đã đưa ra khái niệm về MIT, là sự suy giảm về tăng trưởng ở các nước có thu nhập trung bình. Về đổi mới sáng tạo và giáo dục, ông Keun Lee cho rằng, đây là nhân tố tạo ra sự tăng trưởng bền vững, huy động được sự tham gia rộng rãi của mọi người.
Để vượt qua bẫy thu nhập trung bình cần có sự duy trì về tăng trưởng và có sự tham gia rộng rãi của các thành phần, bên cạnh đó, cần tạo ra cơ hội học tập và nâng cao năng lực của khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, vấn đề lao động được đa dạng hóa, được đào tạo và có tay nghề cao cả về chất lượng và số lượng là nền tảng cơ bản để cải tiến nhanh chóng công nghệ và chuyển đổi công nghiệp.
|
Ông Masanori YOSHIDA trình bày tham luận tại Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Đại diện của Bộ Tài chính Nhật Bản, ông Masanori YOSHIDA đã trình bày tham luận về Thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong dự án cơ sở hạ tầng công. Ông Masanori YOSHIDA cho biết, các thành phần tham gia các dự án cơ sở hạ tầng công mong muốn có một thị trường đã hoàn thiện, thỏa mãn các ưu đãi hấp dẫn của họ.
Nguồn tài chính phát triển cần được huy động một cách toàn diện từ tất cả các nguồn vốn. Nguồn hỗ trợ phát triển chính thức bao gồm vốn vay ODA, đóng vai trò là chất xúc tác quan trọng để thu hút nguồn vốn tư nhân cho phát triển. Để xây dựng được rộng rãi các nguồn lực, cần phải xây dựng quan hệ đối tác toàn cầu, toàn diện giữa các chủ thể phát triển bao gồm các nhà tài trợ mới nổi, xã hội dân sự, khu vực tư nhân, các quỹ nhân đạo và các nước phát triển.
|
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã thống nhất các nguyên tắc chung, hợp tác phát triển hướng tới tăng trưởng bền vững của châu Á cần được thực hiện trên cơ sở cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, được xác định bằng sự tham gia rộng rãi, tính bền vững lâu dài.
Bên cạch đó, các đối tác hợp tác phát triển với mục tiêu tăng trưởng bền vững đòi hỏi những mối quan hệ toàn cầu với sự tham gia có ý nghĩa và tích cực của các bên liên quan bao gồm các nước phát triển và đang phát triển, các tổ chức phát triển, các định chế tài chính song phương và đa phương, các nghị viện, chính quyền địa phương, các tổ chức trong khu vực tư nhân, các quỹ từ thiện và các tổ chức xã hội dân sự.
Các nhà tài trợ song phương ODA và các ngân hàng phát triển đa phương như ADB đã nhất trí tiếp tục đóng vai trò quan trọng và là chất xúc tác trong việc xây dựng một khu vực không có đói nghèo trong quá trình vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
ADF lần đầu tiên được tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc vào năm 2010. Kể từ đó đã trở thành một Diễn đàn để các nước châu Á chia sẻ kinh nghiệm và các quan điểm phát triển, qua đó góp phần vào việc thúc đẩy các quan điểm chung và nâng cao vị thế của châu Á trong chương trình nghị sự phát triển toàn cầu./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư