Những năm qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nước ta theo hướng CNH, HÐH. Trước yêu cầu tiếp tục đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế (tái cấu trúc nền kinh tế) để đưa nền kinh tế nước ta lên giai đoạn phát triển cao hơn, thu hút vốn FDI trong thời gian tới không chỉ chú trọng tăng số lượng mà còn cần bảo đảm chất lượng.
|
Lắp ráp hệ thống dây dẫn điện ô-tô bốn chỗ ngồi tại Công ty TNHH hệ thống dây Sumi - Hanel
|
Bất động sản hấp dẫn nhà đầu tư
Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, 11 tháng qua, vốn FDI đăng ký của cả nước tập trung chủ yếu vào ba lĩnh vực là dịch vụ lưu trú và ăn uống; kinh doanh bất động sản; công nghiệp chế biến, chế tạo. Tuy nhiên, nếu tính lũy kế đến ngày 22-11, thì lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút FDI lớn nhất (chiếm 61,9% số dự án và 50,7% vốn đăng ký tại Việt Nam). Lĩnh vực kinh doanh bất động sản trở thành lĩnh vực đứng thứ hai trong thu hút FDI với 312 dự án, tổng vốn đăng ký 38,4 tỷ USD, chiếm 2,9% số dự án và 22% tổng vốn đăng ký tại Việt Nam. Tiếp theo là các lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống, xây dựng, thông tin và truyền thông, nghệ thuật và giải trí... Trong khi đó, vốn FDI vào các lĩnh vực như nông, lâm nghiệp, thủy sản; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm hay y tế; giáo dục và đào tạo... chưa nhiều. Chẳng hạn FDI vào ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 4% về số dự án và 1,7% về vốn đăng ký hay FDI vào ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm chỉ chiếm 0,7% về số dự án cũng như vốn đăng ký của cả nước.
Một điểm đáng lưu ý khác về cơ cấu vốn FDI theo ngành là sự gia tăng mạnh mẽ của vốn FDI vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong vòng hai năm trở lại đây. Năm 2008, FDI vào bất động sản đã chiếm 15% tổng số vốn FDI của cả nước. Từ đầu năm đến nay, lĩnh vực này cũng thu hút 5,9 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm, chiếm gần 29% tổng vốn đăng ký. Phân tích nguyên nhân khiến lĩnh vực này hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, Phó Viện trưởng Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Võ Trí Thành cho rằng, cơ hội đầu tư vào lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam là rất lớn. Một số phân khúc thị trường bất động sản như kết cấu hạ tầng phục vụ bán lẻ (siêu thị, trung tâm mua sắm...), khu nghỉ dưỡng, khách sạn, văn phòng cho thuê, chung cư cao cấp... đều rất nhiều tiềm năng khai thác khi thị trường Việt Nam có hơn 86 triệu dân với số lượng người dân có thu nhập cao ngày càng tăng lên. Với cơ hội đầu tư thấy rõ, lĩnh vực này trở nên ngày càng hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, theo Phó Viện trưởng Võ Trí Thành, tập trung vốn FDI vào lĩnh vực này có thể gây rủi ro về bất ổn kinh tế vĩ mô vì những biến động của thị trường bất động sản liên quan trực tiếp đến luồng tiền FDI vào nước ta, có thể ảnh hưởng đến cán cân thanh toán tổng thể. Còn theo Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo KTXH quốc gia Lê Ðình Ân, bất động sản là một trong những lĩnh vực Nhà nước khuyến khích đầu tư. Thời gian qua, vốn FDI vào lĩnh vực này đã giúp cải thiện hạ tầng cơ sở cho ngành du lịch, góp phần thay đổi diện mạo đô thị, tạo nguồn cung dồi dào về văn phòng cho thuê, nhà ở... Giai đoạn đầu phát triển, chúng ta khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Nhưng đến nay, khi nền kinh tế đòi hỏi phải tái cơ cấu, phải phát triển nhiều ngành sản xuất khác thì việc thu hút FDI vào bất động sản cần phải tính toán kỹ lưỡng. Thực tế cho thấy, một số dự án bất động sản có vốn FDI, nhất là các dự án xây dựng căn hộ và văn phòng cho thuê, sau khi hoàn thành phần móng, nhà đầu tư nước ngoài tiến hành bán sản phẩm, thực chất là huy động vốn đầu tư trong nước. Hình thức này gây ra tình trạng thu hút vốn của các doanh nghiệp trong nước, gây khó khăn cho việc phát triển của khu vực kinh tế trong nước. Như vậy, rất khó xác định chính xác lượng vốn nước ngoài mà các nhà đầu tư rót vào các dự án này trong khi số vốn FDI vào các lĩnh vực khác như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ... rất cụ thể. Ngoài ra, hình thức huy động vốn trong nước ảnh hưởng mục tiêu thu hút nguồn vốn ngoại tệ để bù đắp thâm hụt cán cân vãng lai, đe dọa mất cân đối kinh tế vĩ mô.
Thu hút FDI có chọn lọc
Những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành một trong những địa điểm đầu tư hấp dẫn trên thế giới. Ðây chính là lợi thế để Việt Nam tiếp tục thu hút mạnh mẽ nguồn vốn FDI. Tuy nhiên, đã đến lúc thu hút FDI cần có sự định hướng, chọn lọc. Giám đốc Lê Ðình Ân cho rằng, thu hút FDI trong thời gian tới phải gắn chặt chẽ với quá trình tái cấu trúc kinh tế, thu hút FDI hướng vào những ngành nghề, sản phẩm cụ thể, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhằm khai thác hết tiềm năng và hiệu quả của nguồn vốn này. Trước hết, cần xây dựng quy hoạch tổng thể về thu hút FDI. Từ trước đến nay, chúng ta mới chỉ có định hướng thu hút FDI mà chưa xây dựng một quy hoạch, chiến lược thu hút FDI có gắn với các loại quy hoạch khác như quy hoạch vùng, quy hoạch ngành... Việc phân cấp đầu tư mạnh trong điều kiện thiếu các quy hoạch cũng như chưa chuẩn bị nguồn nhân lực quản lý đã dẫn đến tình trạng ồ ạt triển khai một loạt các dự án theo kiểu "phong trào" như dự án xây dựng nhà máy thép, xi-măng... ở khắp nơi, gây lãng phí vốn đầu tư, khiến cơ cấu kinh tế có nguy cơ bị lệch.
Kinh tế thế giới đang hồi phục và đây chính là yếu tố quan trọng quyết định mức độ phục hồi của dòng vốn FDI toàn cầu trong thời gian tới. Giám đốc Lê Ðình Ân nhận định, tổng lượng FDI của thế giới sẽ không giảm, thậm chí có nước còn tăng nhưng nhà đầu tư nước ngoài sẽ cân nhắc kỹ lưỡng nên đầu tư vào đâu, đầu tư vào ngành nào, sản phẩm nào. Sau khủng hoảng kinh tế, nhiều nước trên thế giới bắt đầu tiến hành tái cấu trúc kinh tế nên có thể họ tập trung phát triển những sản phẩm có công nghệ đi tắt đón đầu, đưa lại lợi nhuận cao... Vì vậy, cần dự báo đúng luồng luân chuyển vốn FDI của thế giới, xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư trên thế giới, từ đó nắm bắt, điều chỉnh chiến lược thu hút vốn FDI của mình. Chẳng hạn, dòng vốn FDI vào các ngành nhạy cảm với chu kỳ kinh doanh và chịu tác động mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng như ô-tô, hóa chất, kim loại... sẽ không khả quan trong năm 2010. Hay phương thức sáp nhập và mua lại (M&A) được coi là hình thức đầu tư chủ yếu của các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2010, do các chủ đầu tư có thể tận dụng lợi thế của các công ty bị mua lại hoặc sáp nhập nhằm thâm nhập thị trường dễ dàng và thuận lợi hơn.
Phó Viện trưởng Võ Trí Thành cho rằng, thu hút FDI cũng cần phải dựa trên lợi thế so sánh của nước ta, chứ không phải muốn là được. Với lợi thế về nhân công lao động rẻ thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tập trung phát triển các ngành thâm dụng lao động, trong khi những ngành thâm dụng vốn và công nghệ chưa thể thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Vì thế, cơ cấu vốn FDI cũng chỉ có thể chuyển dịch dần dần, trên cơ sở tạo ra những lợi thế cạnh tranh mới (lao động có trình độ cao; hạ tầng cơ sở hiện đại...).
Theo nhiều chuyên gia, thu hút FDI cần tập trung vào các lĩnh vực như công nghệ cao; công nghiệp phụ trợ; phát triển cơ sở hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực; chế biến nông sản; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao... Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam Thô-mát Xi-bớt cho rằng, các dự án FDI chất lượng cao sẽ đến các nước có điều kiện thuận lợi nhất. Vì vậy, để có thể định hướng luồng vốn FDI vào các ngành này thì Việt Nam cần tạo môi trường đầu tư hấp dẫn hơn các nước láng giềng bằng cách nhanh chóng giải quyết những "nút thắt" của nền kinh tế như đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng; cải cách hệ thống giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao... Bên cạnh đó, rất cần sự khéo léo trong công tác vận động xúc tiến đầu tư (XTÐT). Thu hút FDI có định hướng và chọn lọc đòi hỏi công tác XTÐT phải được đổi mới, nâng cao chất lượng, hướng vào các đối tác là các tập đoàn xuyên quốc gia, các đối tác nắm công nghệ nguồn, coi trọng các dự án gắn với chuyển giao công nghệ, thân thiện môi trường. Kinh nghiệm để các khu công nghiệp và chế xuất (KCN và CX) Hà Nội thu hút được nhiều dự án điện tử, cơ khí của một số tập đoàn lớn như Canon, Panasonic... chính là chủ động kết hợp chặt chẽ với các công ty kinh doanh hạ tầng thực hiện XTÐT, bên cạnh đó cải thiện thủ tục đầu tư, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư. Trưởng ban quản lý các KCN và CX Hà Nội Nguyễn Xuân Chính cho biết, đến nay, KCN và CX Hà Nội đã thu hút được 237 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,5 tỷ USD, trong đó phần lớn các dự án thuộc các lĩnh vực điện tử, cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng... Vị trí thuận lợi về giao thông, thị trường tiêu thụ lớn, nguồn nhân lực trình độ cao khá dồi dào... là những lợi thế để các KCN và CX Hà Nội thu hút những dự án loại này. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay chính là thiếu đất sạch để cung cấp cho nhà đầu tư vì công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, giá đất tăng cao. Do đó, cần có những chính sách hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư. Ngoài ra, cần tạo cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực như nông nghiệp, bảo vệ môi trường.../.
Thu Hà và Liên Hoa
Báo Nhân dân điện tử