(MPI Portal) – Sáng ngày 25/9/2014, tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra phiên họp Ủy ban liên chính phủ Việt Nam – Hàn Quốc lần thứ 13 ở cấp Nhóm làm việc cán bộ cấp cao. Ông Lê Quang Mạnh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và bà Seo Min Jeong, Cục trưởng, Cục Kinh tế khu vực Đông Á, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đồng chủ trì Phiên họp.
Tham dự Phiên họp phía Việt Nam có đại diện các đơn vị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn Phòng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan. Phía Hàn Quốc có đại diện Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông, Bộ Việc làm và Lao động.
|
Ông Lê Quang Mạnh phát biểu khai mạc Phiên họp. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc, ông Lê Quang Mạnh cho biết, mối quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc phát triển rất tốt đẹp trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thương mại và đầu tư. Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Các lĩnh vực môi trường, thông tin truyền thông, năng lượng đã được lãnh đạo cấp bộ hai bên thường xuyên trao đổi và đạt được những kết quả tích cực.
Ông Lê Quang Mạnh hy vọng, thông qua Phiên họp này, đại diện phía Việt Nam và Hàn Quốc cùng đánh giá tình hình, đưa ra những thuận lợi, khó khăn để cải thiện quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư trong thời gian tới.
|
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Tại Phiên họp, đại diện Bộ Công thương Việt Nam đã trình bày các vấn đề về thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam – Hàn Quốc liên quan đến các nội dung như đánh giá tình hình hợp tác thương mại; Quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Hàn Quốc; Tình hình thực hiện FTA Hàn Quốc – ASEAN và vấn đề nhập khẩu hoa quả nhiệt đới.
Những năm qua quan hệ thương mại Việt Nam – Hàn Quốc đạt mức tăng trưởng đột biến, Hàn Quốc là đối tác thương mại đứng thứ 3 sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Việt Nam là thị trường xuất khẩu đứng thứ 16 của Hàn Quốc. Có được sự tăng trưởng về thương mại là do năng lực sản xuất của doanh nghiệp của Việt Nam đã được cải thiện, làn sóng đầu tư từ doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam, giúp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm ra thế giới.
FTA Hàn Quốc – ASEAN được ký kết từ năm 2007, là yếu tố quan trọng tác động đến tăng trưởng, đầu tư. Hiệp định này gồm 3 hiệp định cấu phần gồm Hiệp định hàng hóa, Hiệp định dịch vụ và Hiệp định đầu tư. Tuy nhiên, về lĩnh vực đầu tư, Hiệp định chỉ mới dừng lại ở định hướng, chưa đi sâu vào cam kết. Vì vậy, để phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc, năm 2012 hai nước đã bắt đầu đàm phán FTA Việt Nam – Hàn Quốc. Hiệp định này đã qua các vòng đàm phán và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm 2014.
|
Bà Seo Min Jeong phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Phát biểu tại Phiên họp, bà Seo Min Jeong cho biết, lãnh đạo đạo cấp cao Việt Nam và Hàn Quốc đã nhất trí phấn đấu tăng kim ngạch thương mại song phương lên 70 tỷ USD vào năm 2020, đẩy nhanh tiến trình đàm phán, sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc. Bà Seo Min Jeong cho biết thêm, trao đổi hàng hóa giữa hai nước đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong thời gian tới cần tiếp tục đàm phán và đi đến thống nhất những nội dung trong FTA Việt Nam – Hàn Quốc. Liên quan đến mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, Hàn Quốc đã nhập khẩu hoa quả nhiệt đới của Việt Nam.
Đánh giá về tình hợp tác đầu tư giữa hai nước, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Hàn Quốc có 3930 dự án với tổng số vốn gần 33 tỷ USD, là quốc gia đứng thứ 2 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư và đứng thứ nhất về số lượng dự án đầu tư tại Việt Nam. Đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc đã trở thành bộ phận quan trọng, đóng góp 30% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam đầu tư sang Hàn Quốc 24 dự án đạt tổng vốn 10,8 triệu USD.
Về hợp tác lao động, đây là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng giúp hai nước giải quyết khó khăn của nhau. Hàn Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam. Tới nay, Việt Nam đã đưa sang Hàn Quốc gần 70.000 lao động. Theo ý kiến của các nhà đầu tư Hàn Quốc, hiện Việt Nam thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng cao và nhân lực qua đào tạo để đáp ứng các lĩnh công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng như điện, nước, giao thông chưa đồng bộ. Liên quan đến vấn đề thực thi một số thủ tục hành chính ở Việt Nam cần được cải thiện.
Phía Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ được những vấn đề nêu trên và thực tế đã đưa ra nhiều biện pháp đồng bộ để giải quyết những khó khăn nhằm thúc đẩy mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong đó có các nhà đầu tư Hàn Quốc trong thời gian tới.
Việt Nam mong muốn Hàn Quốc tiếp tục phối hợp nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam. Bên cạnh đó, phối hợp với Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào lĩnh vực phụ trợ tại Việt Nam. Đây là một trong những giải pháp làm cân bằng cán cân xuất nhập khẩu Việt Nam – Hàn Quốc.
Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Việt Nam đang hoàn thiện khung thể chế mới, cải thiện môi trường kinh doanh, cụ thể dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi), dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm nay.
Đại diện phía Hàn Quốc đánh giá, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao và nguồn nhân lực dồi dào. Hàn Quốc kỳ vọng đầu tư của mình vào Việt Nam ngày càng được mở rộng theo lộ trình cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Trong khuôn khổ Phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề về hợp tác đầu tư và thâm nhập thị trường, hợp tác lao động, hợp tác về môi trường và đất đai, hợp tác trên các diễn đàn khu vực và đa phương. Phiên họp này đã thảo luận và thông qua các nội dung nhằm phục vụ cho Kỳ họp Ủy ban liên chính phủ Việt Nam – Hàn Quốc lần thứ 13 sẽ diễn ra chiều cùng ngày với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư vàThứ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Ahn Chong Ghee./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư