Các nước EU cho đến nay vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về cách thức thực hiện gói kích thích kinh tế trị giá 200 tỷ euro cũng như chưa đánh giá chính xác được những tác động tích cực và tiêu cực của biện pháp này
Đánh giá tác động, hiệu quả của kế hoạch kích thích kinh tế hiện nay và thống nhất lập trường của Liên minh châu Âu (EU) để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) sắp tới là những nội dung chính trong chương trình nghị sự Hội nghị thượng đỉnh EU nhóm họp trong hai ngày 19-20/3 tại Brusselles (Bỉ).
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh vài tháng đã trôi qua kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất EU áp dụng kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 200 tỷ euro để hạn chế tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và phục hồi kinh tế. Thế nhưng, các nước EU cho đến nay vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về cách thức thực hiện gói kích thích kinh tế này cũng như chưa đánh giá chính xác được những tác động tích cực và tiêu cực của biện pháp này. Bất đồng lớn nhất là vấn đề "địa chỉ" quyên góp và giải ngân nguồn quỹ này.
Ngay trước thềm hội nghị, các nhà lãnh đạo EU còn chịu sức ép từ phía Mỹ về việc đưa ra thêm các gói kích thích kinh tế mới như một biện pháp "kích cầu" thế giới sau khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 18/3 tuyên bố sẽ "bơm" thêm 1.000 tỷ USD nhằm đưa kinh tế đầu tàu thế giới thoát khỏi thời kỳ suy thoái. Tuy nhiên, khả năng EU công bố các gói kích thích mới là khó xảy ra vì các nước chủ chốt trong EU như Đức, Pháp và Czech - nước hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU đều không hoan nghênh giải pháp này.
Theo các nhà quan sát, hội nghị lần này sẽ chỉ tập trung đánh giá hiệu quả và tác động của gói kích thích hiện nay - một kế hoạch vốn đi kèm với các điều kiện như tăng chi tiêu công, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành năng lượng và dịch vụ Internet, tăng các nguồn quỹ hỗ trợ tài chính trung hạn cho các nước thành viên thuộc Trung và Đông Âu...
Về đối ngoại, hội nghị sẽ thảo luận kế hoạch cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vay từ 75 tỷ đến 100 tỷ USD để nâng cao khả năng hoạt động của tổ chức này, đồng thời bày tỏ ủng hộ lời kêu gọi tăng gấp đôi các nguồn quỹ cho vay của IMF lên 500 tỷ USD để giúp các nước bị khủng hoảng về cán cân thanh toán.
Phát biểu trước thềm hội nghị, Phó Thủ tướng Czech Alexander Vondra đã kêu gọi lãnh đạo các nước thành viên đề cao hai nguyên tắc cơ bản của EU là trách nhiệm và đoàn kết nhằm đi đến thỏa thuận về kế hoạch kích thích kinh tế hiện nay./.