Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Timothy Geithner, ngày 2/12 khẳng định Chính phủ có ý định kết thúc sớm chương trình cứu trợ tài chính trị giá 700 tỷ USD.
Không nêu chi tiết, song ông Geithner cho biết Chính phủ Mỹ nhận thấy đã đến gần thời điểm kết thúc chương trình này.
Phát biểu tại Ủy ban Nông nghiệp của Thượng viện Mỹ, ông Geithner tuyên bố không gì hạnh phúc hơn nếu chương trình cứu trợ 700 tỷ USD, được Quốc hội Mỹ thông qua vào lúc đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính hồi tháng 10/2008, có thể kết thúc sớm. Một số nghị sĩ trong ủy ban này cũng ủng hộ việc chấm dứt chương trình giải cứu khu vực tài chính-ngân hàng vốn không được lòng dân này.
Tuy nhiên, Ủy ban Nông nghiệp - một ủy ban chủ chốt của Hạ viện Mỹ, đã thông qua một dự luật ngăn chặn những biện pháp kiềm chế mới đối với các ngân hàng lớn ở Phố Wall và yêu cầu Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) "hào phóng" hơn nữa. Đây rõ ràng là một rào cản đáng kể trong việc xem xét lại toàn bộ các quy định về tài chính, và gây khó khăn cho quá trình chuẩn bị đưa ra toàn thể Hạ viện thông qua dự kiến vào tuần tới.
Trong khi đó, cùng ngày, theo FED, kinh tế Mỹ đã có sự cải thiện nhất định nhưng thị trường việc làm vẫn tồi tệ. Nhiều nhà kinh tế tư nhân dự đoán mặc dù tốc độ sa thải nhân công ồ ạt đã chậm lại nhưng tỉ lệ thất nghiệp, hiện đứng ở mức 10,2%, mức cao nhất trong 26 năm qua, vẫn tiếp tục tăng vào năm tới. FED cảnh báo phải mất 5-6 năm, thị trường việc làm mới trở lại bình thường.
Trong báo cáo Beige Book, một khảo sát của FED về tình hình kinh tế thuộc 12 vùng trên toàn nước Mỹ, công bố ngày 2/12, FED nêu rõ chi tiêu tiêu dùng đã tăng một cách khiêm tốn, điều kiện sản xuất đã cải thiện từ mức khiêm tốn tới mạnh mẽ tại hầu hết các vùng trong cả liên bang, thị trường bất động sản được cải thiện đôi chút, và nhìn chung, nhu cầu vay vốn từ các định chế tài chính còn yếu do điều kiện tín dụng tiếp tục bị thắt chặt.
Theo FED, trong khoảng hai tháng qua, 8 trong số 12 vùng thuộc nước Mỹ đã có sự khởi sắc hoặc đã có sự cải thiện khiêm tốn và tại 4 vùng còn lại tình hình kinh tế "có thay đổi".
Sau khi FED công bố báo cáo trên, hầu hết các chỉ số chứng khoán đều tăng điểm và giá một số "tài sản có giá trị" cũng tăng. Lãi suất trái phiếu kho bạc hạn 10 năm đứng ở mức 3,275%. Giá dầu thô tăng 1,09 USD/thùng và giá vàng tăng lên 1.200,20/ounce, lập mức cao kỷ lục mới.
Giới phân tích kinh tế cho rằng thách thức lớn nhất đối với FED là làm thế nào duy trì đà phục hồi kinh tế mới mẻ, đặc biệt là từ năm 2010 khi các chương trình hỗ trợ tài chính của chính phủ kết thúc. Để duy trì phục hồi kinh tế, FED có thể tiếp tục giữ nguyên lãi suất cho vay ở mức thấp kỷ lục từ 0 đến 0,25% đến năm sau./.