Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 03/12/2009-14:20:00 PM
Giới đầu tư nước ngoài tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam
Các chuyên gia kinh tế nước ngoài đánh giá, Việt Nam vẫn đang là địa điểm đầu tư hấp dẫn, với nhiều cơ hội đầu tư mới, nhất là khi Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cải cách trong cơ chế, chính sách để thị trường vốn, tài chính, ngân hàng có điều kiện phát triển trong công bằng, minh bạch.

Nhiều cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam

Mục tiêu tăng trưởng hợp lý
Tại Hội thảo “Thị trường vốn và tài chính Việt Nam” do Bộ Tài chính và Tổ chức tài chính Euromoney tổ chức tại Hà Nội ngày 30/11 vừa qua, thông tin về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủđặt racho năm 2010 ở mức 6,5% đã làm nhiều nhà đầu tư nước ngoài yên tâm vì đó là mức tăng trưởng hợp lý.
Ông Ayumi Konishi, Giám đốc ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, nền kinh tế 86 triệu dân không nên phát triển quá nhanh trong vòng 3-5 năm tới. Nguyên nhân ông đưa ra là do tổng cầu nội địa hiện đã vượt quá tổng cung. Nếu không giải quyết sớm nghịch lý này, nhập siêu sẽ tiếp tục trở thành lực cản lớn đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng theo Giám đốc ADB tại Việt Nam, để hấp thụ hết lượng 1,7 triệu lao động mới mỗi năm, GDP cũng không được thấp hơn mức 5% một năm. Mức tăng GDP 6%-6,5% một năm được ông Konishi cho là hợp lý.
Con số 6,5% thậm chí còn được ông Vũ Quang Thịnh, Tổng Giám đốc Saigon Investment Capital (SGI) đánh giá là "tuyệt vời" cho mục tiêu của năm 2010 trong điều kiện gói kích thích kinh tế thứ hai được thực hiện. Ông Thịnh cho rằng dân số đông và một nền kinh tế còn rất nhiều lĩnh vực cần phát triển là một trong những lợi thế của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Ông Tony Shale,Tổng giám đốc Tập đoàn Euromoney Institutional Investor khu vực châu Á đã khẳng định:Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách quyết đoán trong việc điều chỉnh lãi suất cho vay, tỷ giá… theo kịp với những biến động của kinh tế thế giới và trong nước. “Tôi đã tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư nước ngoài và nhận thấy họ hài lòng với những chuyển biến tích cực của kinh tế Việt Nam thời gian qua. Ngay cả chính sách gần đây về điều chỉnh tỷ giá, lãi suất cơ bản… cũng được họ nhìn nhận một cách tương đối tích cực. Đó là những cơ sở cho thấy Việt Nam vẫn hấp dẫn trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài”, ông bày tỏ.
Và trong thời gian tới, theo các nhà đầu tư, Việt Nam cần tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền kinh tế, ngành tài chính, ngân hàng. Có như vậy, Việt Nam mới có thể phát triển ổn định, bền vững.
Nhiều tiềm năng phát triển
Theo ông Ayumi Konishi, Chính phủ Việt Nam đã có những phản ứng tích cực để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua một cách nhanh chóng, kịp thời và kết quả đã thể hiện qua việc tốc độ tăng trưởng kinh tế đã tăng theo từng quý, kể từ đầu năm đến nay. Dù nền kinh tế Việt Nam còn có một số vấn đề cần giải quyết mang tính hệ thống nhưngôngcho rằng Chính phủ cần quan tâm đến an sinh xã hội hơn nữa để có thể duy trì tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, bền vững. Ông nhấn mạnh:” Chính phủ Việt Nam nên tập trung vào tăng trưởng tiêu dùng trong nước, bởi trong khi chỉ số bán lẻ ở các nước giảm thì tại Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt trên 20%/năm”.
Chuyên gia này cho hay: “Theo quan sát của chúng tôi, người dân Việt Nam vẫn rất lạc quan vào sự phục hồi của nền kinh tế. So với các nước láng giềng khác, Việt Nam có trên 80 triệu dân, với hơn 50% dân số trẻ; trong khi GDP đầu người chưa đến 1.000 USD. Những con số này cho thấy nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ tăng cao trong thời gian tới…”.
Một ví dụ được chuyên gia này đưa ra là ngành năng lượng của Việt Nam hiện vẫn đạt mức tăng trưởng 18% mỗi năm trong khi ở hầu hết các nước, thị trường này gần như đã bão hòa.
Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Hồ Nam, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Sacombank (SBS) cho rằng: ”Việt Nam có tiềm năng rất lớn là dân số trẻ, GDP đầu người thấp… dẫn đến nhu cầu về đầu tư, tiêu dùng lớn. Để nhìn nhận về khả năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, tôi quan tâm đến chỉ số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Chỉ số này thể hiện khả năng chi tiêu của người dân Việt Nam và từ đầu năm đến nay đã thể hiện tốt. Đây là điều rất quan trọng bởi chỉ số trên sẽ hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế, sự lạc quan của người dân và điều này lại trùng với việc chỉ số trên giảm ở nhiều nước khi mà nền kinh tế chưa phục hồi. Từ đó, tôi nhìn nhận lạc quan về hiệu quả các gói kích thích kinh tế của Chính phủ Việt Nam và tôi nghĩ, nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam chắc chắn cũng sẽ quan tâm đến chỉ số này"./.

Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1093
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)