Người đứng đầu Chính phủ 4 quốc gia thành viên Ủy hội sông Mekong đã thông qua Tuyên bố chung Hua Hin xác định các lĩnh vực ưu tiên cho kế hoạch hành động trong giai đoạn tới.
|
NgườiđứngđầuChính phủ của các nước thành viên Ủy hội sông Mekong
|
Ngày 5/4, tại Hua Hin (Thái Lan) đã diễn ra trọng thể Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ nhất với sự tham gia của Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Lào Buasone Bouphavanh, Thủ tướng Campuchia Hunsen; lãnh đạo các đối tác chiến lược Trung Quốc, Myanmar; các quốc gia và các tổ chức tài trợ quốc tế như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Australia, Bỉ, Phần Lan, New Zealand, Luxembourg, Liên minh châu Âu, ASEAN, WWF (Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên), Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á.
Hợp tác Mekong là xu thế chung
Dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong lần thứ nhất, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong phát biểu tại Hội nghị, nêu rõ: Hiệp định Mekong 1995 với việc thành lập Ủy hội sông Mekong đã mở ra một chương mới trong hợp tác Mekong.
Hiệp định đã đưa ra tầm nhìn chiến lược và những nguyên tắc cơ bản về sử dụng công bằng, hợp lý nước và tài nguyên nước trong lưu vực sông Mekong, xác định những lĩnh vực hợp tác và quy định cụ thể về các hoạt động phát triển chung trong lưu vực.
Thực tế hợp tác 15 năm qua cho thấy Hiệp định Mekong là xu thế hợp tác của các dân tộc chung sống trong lưu vực và được sự ủng hộ tích cực của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam vui mừng về những thành tựu quan trọng đạt được trong việc thực hiện Hiệp định, như thông qua các bộ quy chế sử dụng nước, xây dựng các chiến lược phát triển lưu vực cùng các chương trình hợp tác về thuỷ điện, thuỷ sản, giao thông thuỷ và phòng chống lũ lụt.
Ủy hội đã thu thập được nhiều thông tin quý báu làm cơ sở cho việc xây dựng các chiến lược phát triển dài hạn trong lưu vực.
Các hoạt động hợp tác hiệu quả của Ủy hội góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện cuộc sống của hơn 60 triệu người dân và tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các nước trong lưu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Là quốc gia ở cuối nguồn, Việt Nam thấy rõ những biến chuyển của sông Mekong do tác động của tự nhiên và con người.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam coi trọng hợp tác Mekong
|
Ngay trong mùa khô này, Việt Nam, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long đang phải chịu tác động kép của hạn hán cùng với xâm nhập mặn hết sức nặng nề và gay gắt nhất từ trước đến nay, ảnh hưởng lớn tới đời sống của hàng triệu người dân và sản xuất nông nghiệp, thủy sản.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam coi trọng hợp tác Mekong, cam kết sẽ phối hợp với các nước trong việc thực hiện các tầm nhìn của Uỷ hội, thực hiện đầy đủ Hiệp định Mekong, tiếp tục phát huy “tinh thần hợp tác Mekong” nhằm chung sức xây dựng sông Mekong không chỉ là dòng sông kết nối các nền văn hoá, dòng sông của tình đoàn kết và hữu nghị mà còn là dòng sông của hợp tác, phát triển và hội nhập.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng hoan nghênh những hoạt động hợp tác của các nước đối thoại Trung Quốc và Myanmar, đánh giá cao các đối tác quốc tế, các nhà tài trợ vì sự hỗ trợ nhiệt tình dành cho Uỷ hội sông Mekong.
6 đề nghị hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong
Nhất trí với chủ đề “Đáp ứng nhu cầu, bảo đảm cân bằng: Hướng tới phát triển bền vững lưu vực sông Mekong”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu ra 6 đề nghị.
Thứ nhất, cần đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước.
Thứ hai, nghiên cứu xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu đối với toàn lưu vực sông Mekong, từ đó đề ra kế hoạch hành động ứng phó chung. Nhằm góp phần thực hiện ưu tiên này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, cần tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về tác động của biến đổi khí hậu đối với sông Mekong.
Thứ ba, hoàn thiện các khung pháp lý và thiết lập cơ chế cụ thể để phối hợp thực hiện các bộ thủ tục về sử dụng nguồn nước đã được Ủy hội thông qua và hoàn tất bộ thủ tục về bảo đảm chất lượng nguồn nước.
Thứ tư, tăng cường năng lực về mọi mặt cho Ủy hội sông Mekong cả về đội ngũ cán bộ, tổ chức và cơ sở vật chất.
Thứ năm, đối với các nước đối thoại là Trung Quốc và Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao việc Trung Quốc đã cung cấp thêm số liệu thủy văn trong trong mùa khô, đề nghị Trung Quốc, Myanmar xem xét tích cực việc trở thành thành viên đầy đủ của Ủy hội để cùng nhau hợp tác sử dụng bền vững, có trách nhiệm nguồn tài nguyên nước Mekong.
Thứ sáu, đối với các đối tác phát triển, tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn tiếp tục nhậnđượcsự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật để phát triển lưu vực sông Mekong thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội, lành mạnh về môi trường.
Thông qua Tuyên bố Hua Hin
Kết thúc Hội nghị, Người đứng đầu Chính phủ 4 quốc gia thành viên đã thông qua Tuyên bố chung Hua Hin cam kết mạnh mẽ việc 4 nước thành viên Ủy hội Mekong tiếp tục hợp tác và thúc đẩy phát triển bền vững; sử dụng quản lý hợp lý tài nguyên nước và tài nguyên liên quan của hạ lưu sông Mekong; khẳng định thành tựu to lớn của Ủy hội trong 15 năm qua; nêu bật các cơ hội và thách thức trong thời gian tới như thiên tai, lũ lụt, biến đổi khí hậu; nhất trí về tầm nhìn của lưu vực sông Mekong là thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội, lành mạnh về môi trường; giao sứ mệnh cho Ủy hội Mekong.
Tuyên bố chung xác định các lĩnh vực ưu tiên cho kế hoạch hành động trong giai đoạn tới là phê chuẩn và thực hiện chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp về tài nguyên nước; nỗ lực bảo vệ người dân khỏi nguy cơ bị lũ lụt; khuyến khích vận tải và thương mại đường thủy, trao đổi; nghiên cứu và tiếp cận các mối đe dọa đến sinh kế do biến đổi khí hậu; chia sẻ thông tin về số liệu, kinh nghiệm về việc quản lý, sử dụng nguồn nước; cam kết đẩy mạnh hợp tác trong việc thực hiện Hiệp định Mekong 1995; xây dựng một Ủy hội hoạt động có hiệu quả; tăng cường hoạt động với các đối tác chiến lược; hoan nghênh các quốc gia ven sông khác (Trung Quốc, Myanmar) tích cực tham gia các hoạt động của Ủy hội…
|
Người đứng đầu Chính phủ 4 quốc gia thành viên Ủy hội sông Mekong khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc tiếp tục hợp tác và thúc đẩy phát triển bền vững Mekong
|
Cùng bảo vệ, chia sẻ hợp lý nguồn nước Mekong
Ngay trước thềm Hội nghị Cấp cao, trong hai ngày 2-3/4/2010 đã diễn ra Hội nghị quốc tế về Quản lý nguồn nước xuyên biên giới trong tình hình mới. Hội nghị quy tụ hơn 300 đại biểu đến từ các nước lưu vực sông Mekongvà 9 lưu vực sông quốc tế khác, đại diện các tổ chức quốc tế, cùng nhiều chuyên gia về nguồn nước.
Nhất trí chung tại Hội nghị là việc bảo vệ, chia sẻ hợp lý và công bằng lợi ích do nguồn nước sông Mekong đem lại là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển kinh tế, xã hội của toàn lưu vực,thông qua các cơ chế hợp tác như Ủy hội sông Mekong.
Đồng thời, các đại biểu tham dự Hội nghị thảo luận và khuyến nghị các biện pháp cụ thể nhằm đảm bảo sản xuất lương thực và năng lượng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy sự tham gia của các thành phần kinh tế trong phát triển cơ sở hạ tầng và tăng cường vai trò của các tổ chức lưu vực sông quốc tế.
Chiều 5/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn Việt Nam đã rời Hua Hin lên đường về nước kết thúc thành công chuyến thăm làm việc tại Myanmar và dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ nhất tại Thái Lan./.
Sông Mekong dài 4.800 km, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng ở độ cao trên 5.000 mét. Lưu vực sông Mekong có tổng diện tích là 795.000 km2, trải rộng trên lãnh thổ 6 quốc gia trong vùng là Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và một phần lãnh thổ quan trọng của Việt Nam. Sông Mekong đứng thứ 12 thế giới về chiều dài, thứ 8 về tổng lượng dòng chảy.
|
Việt Đông
Cổng thông tin điện tử Chính phủ