(MPI Portal) - Ngày 01/7, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp báo thông báo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2009 với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Đức Hòa cùng với sự tham gia của các Bộ, ngành và cơ quan báo chí.
Sự suy thoái ngày càng nặng nề của kinh tế thế giới đã thu hẹp thị trường xuất khẩu, thị trường vốn và tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội của nước ta. Tuy nhiên, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng các doanh nghiệp và của toàn dân nên kinh tế - xã hội nước ta đang từng bước vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả quan trọng.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP)
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2009, tổng sản phẩm trong nước tăng 3,9% so với 6 tháng đầu năm 2008. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay tuy thấp hơn tốc độ tăng 6 tháng các năm trước và vẫn còn thấp hơn mục tiêu đề ra cho cả năm (tăng 5%) nhưng trong tình hình kinh tế thế giới suy thoái, nhiều nước tăng trưởng âm mà kinh tế nước ta chỉ giảm tốc độ tăng trưởng, đây là kết quả của sự phấn đấu quyết liệt và là một thành công lớn.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo giá so sánh năm 1994 đạt 96,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm nông nghiệp đạt 70,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8%; lâm nghiệp đạt 3,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1%; thuỷ sản đạt 22,7 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3%.
Sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh năm 1994 tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó, công nghiệp khai thác đạt mức tăng cao nhất với 8,6%, chủ yếu nhờ sản lượng dầu thô khai thác tăng cao do một số mỏ mới được đưa vào khai thác từ tháng 7/2008; công nghiệp chế biến tăng 4,4%; công nghiệp điện, ga và nước tăng 8,1%.
Một số địa phương có quy mô sản xuất công nghiệp lớn đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng cao hơn mức tăng chung của cả nước là: Quảng Ninh tăng 11,5%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 10,6%; Cần Thơ, Khánh Hòa tăng 7,5%; Đồng Nai tăng 7,1%; Hải Phòng tăng 6,9%….
Tháng 6, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao hơn tháng trước. Như vậy, giá trị sản xuất công nghiệp cả nước tăng liên tục trong 5 tháng qua (tháng 2 tăng 8,4%; tháng 3 tăng 2,3%; tháng 4 tăng 5,4%; tháng 5 tăng 6,8%, tháng 6 tăng 8,2%). Đây là tín hiệu tốt cho thấy khu vực công nghiệp nước ta đang dần hồi phục, đi vào phát triển ổn định để vượt qua thời kỳ khó khăn.
Hoạt động thương mại
Bán lẻ hàng hoá và dịch vụ phục vụ tiêu dùng
Nhờ triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng và đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa nên tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2009 theo giá thực tế ước đạt 547,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2008.
Hoạt động vận tải
Vận tải hành khách 6 tháng ước đạt 964,3 triệu lượt khách, tăng 7% và 41,8 tỷ lượt khách.km, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2008. Vận tải hàng hóa 6 tháng ước đạt 314,1 triệu tấn, tăng 0,3% và 84,2 tỷ tấn.km, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư phát triển
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2009 theo giá thực tếước đạt 322,6 nghìn tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước đạt thấp, ước tính chỉ đạt 50,6 nghìn tỷ đồng, bằng 35,1% so với kế hoạch năm điều chỉnh bổ sung gói kích cầu xây dựng.
Vốn đầu tư của khu vực Nhà nước do trung ương quản lý đạt 16,2 nghìn tỷ đồng, bằng 28,6% kế hoạch năm. Vốn đầu tư của khu vực Nhà nước do địa phương quản lý đạt 34,4 nghìn tỷ đồng, bằng 39,4% kế hoạch năm, trong đó một số địa phương đạt cao là: Bắc Ninh đạt 551,8 tỷ đồng, bằng 64,6% kế hoạch năm; An Giang 380,8 tỷ đồng, bằng 63,7%; Nghệ An 712,4 tỷ đồng, bằng 51,7%; Đà Nẵng 1607,9 tỷ đồng, bằng 48,6%; …
Thu hút vốn ODA thông qua các Hiệp định với các nhà tài trợ tính từ đầu năm đến ngày 16/6/2009 đạt 1783 triệu USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2008.
Trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2009, Hoa Kỳ là nhà đầu tư lớn nhất với 3860,9 triệu USD vốn đăng ký cấp mới và vốn bổ sung; tiếp đó là Đài Loan 1265,1 triệu USD; Hàn Quốc 1114,2 triệu USD; quần đảo Virgin thuộc Anh 767,9 triệu USD; Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 547,1 triệu USD; Singapore 403,2 triệu USD; Liên bang Nga 329,8 triệu USD.
Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/6/2009 ước đạt 40,2% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 43,2% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt 42,3%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể đạt 45,2%; chi trả nợ và viện trợ đạt 44%.
Thương mại
Giá trị xuất khẩu
Theo Tổng Cục thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2009 ước đạt 25,1 tỷ USD, giảm 18,6% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 6 tháng giảm chủ yếu do giá trên thị trường thế giới giảm sút và đứng ở mức thấp.
Xét theo nhóm hàng thì trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm sản tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2008 (trong đó gạo tăng 56,2% về lượng và tăng 24,1% về giá trị); kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản giảm 23% và hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp giảm 25%.
Do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới nên kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm 2009 sang các thị trường chủ yếu đều giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó thị trường Nhật Bản giảm mạnh ở mức 40%; EU giảm 16%; Hàn Quốc giảm 11%; Trung Quốc giảm 9%.
Giá trị nhập khẩu
Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2009 ước đạt 29,7 tỷ USD, giảm 34,1% so với cùng kỳ năm 2008.
Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2009 từ khu vực ASEAN ước đạt 6 tỷ USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2008; nhập khẩu từ Trung Quốc ước đạt 7 tỷ USD, giảm 27%; Hàn Quốc ước đạt 3 tỷ USD, giảm 32%; Nhật Bản ước đạt 3 tỷ USD, giảm 37%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2009, nhập siêu 2,1 tỷ USD, bằng 14,7% cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với mức nhập siêu trong 6 tháng ước tính là 5 tỷ USD; Mỹ và EU tiếp tục là các thị trường xuất siêu ở mức 3,9 tỷ USD và 2,1 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2009 ước đạt 2737 triệu USD, giảm 25,7% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng
So với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 chỉ tăng 0,32%; tháng 2 tăng 1,17%; tháng 3 giảm 0,17%; tháng 4 tăng 0,35%; tháng 5 tăng 0,44% và tháng 6/2009 tăng 0,55%.Nếu so với giá bình quân 6 tháng đầu năm 2008 thì chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm nay đã tăng 10,27%.
Bảo đảm an sinh xã hội
Việc thực hiện các chương trình, chính sách xóa đói giảm nghèo của Nhà nước như: Chương trình 135; chương trình 134; hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, các xã đặc biệt khó khăn; trợ cấp thường xuyên; cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế và miễn giảm chi phí khám chữa bệnh cho người nghèo; hỗ trợ và tặng quà tết; các chương trình huy động “quỹ vì người nghèo”, “ngày vì người nghèo”; cho vay vốn ưu đãi hoặc hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở và sản xuất kinh doanh đối với các hộ nghèo đã góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo trong 6 tháng vừa qua.
Nghị quyết số 30a/2008/NĐ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo đã được triển khai tích cực. Mỗi huyện nghèo được tạm ứng 25 tỷ đồng để triển khai các dự án. Đến nay đã có 11/62 đề án giảm nghèo của các huyện được phê duyệt. Hưởng ứng kêu gọi của Chính phủ, đã có 37 tập đoàn kinh tế, tổng công ty và doanh nghiệp nhận trợ giúp 57 huyện nghèo.
Trong tháng 6/2009 (tính đến ngày 19/6), cả nước có 56 nghìn lượt hộ với 254,9 nghìn lượt nhân khẩu bị thiếu đói, chiếm 0,49% tổng số hộ nông nghiệp và chiếm 0,51% tổng số nhân khẩu nông nghiệp. So với tháng 5/2009, số hộ thiếu đói và số nhân khẩu thiếu đói đều giảm 39,6%. So với cùng kỳ năm 2008, số hộ thiếu đói giảm 45% và số nhân khẩu thiếu đói giảm 44%. Tính chung 6 tháng, số lượt hộ thiếu đói giảm 40% và số lượt nhân khẩu thiếu đói giảm 38% so với 6 tháng đầu năm 2008.
Thu nhập của người lao động làm công ăn lương tiếp tục được cải thiện. Tính chung, thu nhập bình quân một tháng của lao động khu vực Nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2009 đạt 2795,8 nghìn đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó khu vực trung ương đạt 3609,7 nghìn đồng, tăng 15,1%; khu vực địa phương đạt 2273,1 nghìn đồng, tăng 9,3%.
Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế - xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2009 tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức nhưng đang phát triển nhanh dần và có dấu hiệu phục hồi. Các gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng bước đầu đã phát huy tác dụng, nhiều công trình, dự án quan trọng đang được tập trung đầu tư. Mức tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay khẳng định chúng ta đã nhận định đúng tình hình, đề ra các giải pháp, chính sách phù hợp với thực tiễn và đánh dấu sự thành công bước đầu trong chỉ đạo điều hành vĩ mô của Chính phủ, các cấp, các ngành và địa phương; đồng thời thể hiện sự nỗ lực bền bỉ và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, của các doanh nghiệp, tập đoàn, cơ sở sản xuất và của toàn dân.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới hiện nay vẫn đang có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Trong khi đó, kinh tế trong nước tăng trưởng vẫn còn ở mức thấp; các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc; giá cả tuy tăng chậm nhưng vẫn đứng ở mức cao và chứa đựng nhiều yếu tố tái lạm phát; đời sống một bộ phận dân cư đang gặp khó khăn, nhất là những người mất việc làm, đồng bào vùng bị thiên tai.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả năm 2009, các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị phải tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 09/01/2009 của Chính phủ, đặc biệt cần chú trọng một số vấn đề như: khẩn trương cơ cấu lại nền kinh tế, bao gồm cơ cấu các loại sản phẩm, cơ cấu ngành và cơ cấu vùng nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế cạnh tranh; cần tăng cường công tác quản lý giá, nhất là giá các mặt hàng chiến lược, giá cây, con giống, giá thức ăn gia súc để tạo sự ổn định sản xuất kinh doanh cho các cơ sở sản xuất và các hộ nông dân; triển khai nhanh, đúng mục đính, đúng đối tượng các gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ; tập trung nỗ lực khai thác và phát triển thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường nông thôn; tiếp tục thực hiện chính sách, giải pháp bảo đảm an sinh xã hội bền vững; tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, tập trung tháo gỡ vướng mắc để đưa các chương trình, chính sách và giải pháp đã đề ra nhanh chóng đi vào cuộc sống và có hiệu quả cao./.
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư