Năm 2009, lần đầu sau nhiều năm xuất khẩu của Việt Nam không đạt mục tiêu. Tuy nhiên, triển vọng trong năm 2010 sẽ rất sáng sủa cùng với đà phục hồi kinh tế thế giới.
|
Năm 2010, dự báo kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 6% so với năm 2009
|
Sau 11 tháng của năm 2009, kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam chỉ đạt 51,4 tỉ USD, dự báo cả năm đạt 56,2 tỉ USD, thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch đặt ra (72 tỷ USD). Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm kim ngạch là bởi thị trường XK bị thu hẹp do ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính thế giới; đơn giá XK hầu hết mặt hàng đều giảm mạnh, có loại giảm đến 15% so với cùng kỳ.
Dự báo kim ngạchXK năm 2010 tăng 6%
Bộ Công Thương nhận định, triển vọng phục hồi kinh tế thế giới từ nay đến 2010 sẽ giúp XK của Việt Nam tăng hơn so với 2009. Dự báo kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt khoảng 60 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2009.
Mặc dù vậy, Thứ trưởng Bộ Công Thương,ông Lê Danh Vĩnh cho rằng trong XK, chúng ta có lợi thế về hàng nông sản, đặc biệt là hàng nông sản nhiệt đới. Chúng ta phải bám lấy lợi thế cạnh tranh này để phát triển. Có thể trong nhiều năm tới, hàng nông sản VN vẫn có lợi thế cạnh tranh cao trên thị trường thế giới. Lợi thế thứ hai là chúng ta có nhiều lao động trẻ (độ tuổi vàng), đặc biệt là trong những lĩnh vực sản xuất cần nhiều lao động. Bên cạnh đó, Việt Nam nằm ở trung tâm Đông Nam Châu Á nên có nhiều lợi thế về địa lý. Với nhiều cảng nước sâu, chúng ta có thể thành lập các khu công nghiệp để sản xuất và XK hàng hoá. Do đó, DN nên tận dụng lợi thế để nâng cao khả năng cạnh tranh với các thị trường XK khác.
Bộ Công Thương tiếp tục nỗ lực thúc đẩy XK với trên 200 đề án xúc tiến thương mại (XTTM) trong năm 2010 được phê duyệt với kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ là 250 tỉ đồng, tăng 45% so với thực hiện năm 2009. Bên cạnh đó là việc sắp xếp lại sản xuất, đẩy mạnh các dự án trọng điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và mở rộng hoạt động XTTM; đồng thời khuyến nghị doanh nghiệp không nên tập trung vào một thị trường mà phải đa dạng hoá thị trường và sản phẩm, phấn đấu để hàng hóa VN vào được thị trường hơn 153 nước thành viên WTO.
Để đạt được mục tiêu kim ngạch XK, Bộ Công Thương sẽ tận dụng tối đa những thuận lợi từ các Hiệp định, thỏa thuận kinh tế song phương; xây dựng kênh phân phối một số mặt hàng XK mà Việt Nam có thế mạnh.
Ở tầm vĩ mô khác, ông Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra nhận định: Hiện nhiều quốc gia đã điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP, tạo cho chúng tacăn cứ để có thể tin tưởng nền kinh tế thế giới trong năm 2010 sẽ hồi phục mạnh hơn. Như vậy, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội đẩy mạnh XK và nâng cao giá trị gia tăng đối với các mặt hàng XK. Vấn đề ở đây không phải là cố gắng để đạt mức tăng 6% mà là cần dự báo để có phương án xử lý chính sách ngoại tệ. Chúng ta phải tính được mức XK và thu được thuế XK là để cân đối năm 2010 sẽ nhập siêu bao nhiêu - đó mới là vấn đề quan trọng.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, hiện nay gói kích thích kinh tế thứ 2 được Chính phủ ban hành với hy vọng sẽ giúp được các doanh nghiệp XK phát triển. Nhưng vấn đề không phải là xuất khẩu bằng mọi giá, mà với số lượng hàng XK như thế nhưng thực hiện hỗ trợ để tăng giá trị gia tăng trên từng sản phẩm. Đó chính là mục đích của Chính phủ.
Các mặt hàng XK chủ lực đã sẵn sàng
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2010 sẽ là năm “vàng” cho XK gạo bởi nhu cầu của thị trường thế giới tăng cao. Thị trường tốt, giá bán sẽ tăng. Do đó, các doanh nghiệp XK gạo cần liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và kinh doanh; nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm. Được biết, chính sự cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực XK gạo đã khiến trong năm 2009, mặt hàng gạo XK của VN nhiều thời điểm bị ép giá thấp. VFA cho biết, tính đến hết tháng 25/11/2009, Việt Nam đã xuất khẩu được 5,6 triệu tấn gạo, đạt giá trị 2 tỷ 266 triệu USD, tăng 33% về số lượng, nhưng lại giảm 7,7% giá trị so với cùng kỳ năm 2008.
Đối với mặt hàng thủy sản XK, tình hình sẽ khó khăn hơn bởi từ 1/1/2010, quy định của EC về hoạt động đánh cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) sẽ chính thức có hiệu lực. Đây sẽ là rào cản mới đối với hoạt động XK thuỷ sản của VN (chủ yếu là các sản phẩm đánh bắt từ biển) và có thể tác động không tốt với các doanh nghiệp XK thuỷ sản. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thuỷ sản hoàn thiện Quy chế chứng nhận thủy sản có nguồn gốc từ khai thác để phổ biến cho doanh nghiệp XK thủy sản và ngư dân. Dự kiến, Quy chế này sẽ sớm được phê duyệt.
Về mặt hàng gỗ, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết, kim ngạch XK đồ gỗ trong năm 2009 vẫn đạt khoảng 2,7 tỷ USD, chỉ thấp hơn năm 2008 khoảng 100 triệu USD. Từ đầu quý IV/2009 trở lại đây, kim ngạch XK đồ gỗ đã tăng trưởng trở lại. Năm 2010, Hiệp hội cố gắng phấn đấu đạt giá trị XK sản phẩm gỗ tăng từ 8-10% so với năm nay. Hiệp hội sẽ đăng ký với Bộ Công Thương kim ngạch khoảng 3 tỷ USD. Theo ông Quyền, đón tín hiệu lạc quan từ thị trường, các doanh nghiệp đã chuẩn bị khá tốt cho năm 2010. Về nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp đã tăng cường sử dụng nguồn gỗ rừng trồng trong nước. Cho đến nay, riêng nguồn cung nguyên liệu gỗ trong nước đã đảm bảo đáp ứng được 30%.
Với ngành Dệt may, kết quả tương đối khả quan trong năm 2009 (dự kiến kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khoảng 1 - 2% so với năm 2008, đạt 9,2 tỷ USD) là động lực để đặt ra kế hoạch năm 2010 đạt khoảng 10,2 - 10,5 tỷ USD. Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã chủ trương yêu cầu các thành viên trong Tập đoàn tăng cường liên kết đưa sản phẩm của DN bạn tiêu thụ tại các thị trường truyền thống của mình nhằm tiết kiệm chi phí XTTM.
Mặt hàng cao su XK trong 10 tháng qua đã tăng 2,5% so với năm 2008, lên tới 539.000 tấn, nhưng kim ngạch sút giảm 41,2%, chỉ còn 823 triệu USD. Dự báo, lượng cao su XK của Việt Nam trong năm tới sẽ đạt 700.000 tấn, tăng 17% so với năm 2009 với kim ngạch ước đạt 1,4 tỷ USD./.
Vũ Trọng
Cổng thông tin điện tử Chính phủ