So với các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), Bạc Liêu được đánh giá là địa phương giàu tiềm năng. Ngoài thế mạnh trồng lúa, tỉnh còn có bờ biển dài gần 60 km, có thế mạnh nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản xuất khẩu và phát triển nghề muối... Tuy nhiên, nếu chỉ chú trọng con tôm, cây lúa thì khó có thể trở thành tỉnh giàu mạnh. Nhận rõ thực trạng này, Bạc Liêu đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
|
Nhiều hộ dân ở Bạc Liêu nuôi tôm sú công nghiệp, trọng lượng 20 con/kg, có giá trị xuất khẩu cao
|
Thực trạng thu hút đầu tư
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thu hút đầu tư ở Bạc Liêu trong những năm qua còn hạn chế. Trước hết, Bạc Liêu cách xa các thành phố lớn, việc đi lại từ các thành phố lớn đến Bạc Liêu gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém; lực lượng lao động tuy dồi dào, nhưng hầu hết chưa được đào tạo. Ngoài ra, thời gian qua, thủ tục hành chính còn rườm rà, không ít cán bộ, công chức một số sở, ngành có trách nhiệm còn "hành" các doanh nghiệp...
Năm 2000, cơ cấu sản xuất công nghiệp, xây dựng của Bạc Liêu chiếm 22% GDP, nhưng đến nay (2009) mới tăng lên gần 25%. Nông dân trong tỉnh sản xuất ra hơn 800 nghìn tấn lúa/năm, nhưng tiêu thụ chưa đến 10% sản lượng. Năm 2008, xuất khẩu gạo được đánh giá là năm "được mùa", tăng 14% so với năm 2007, nhưng lượng gạo tiêu thụ mới chỉ dừng ở con số khoảng 65.500 tấn. Hoặc trong lĩnh vực khai thác nuôi trồng thủy sản, với sản lượng 200 nghìn tấn/năm, riêng sản lượng tôm chiếm khoảng 80 nghìn tấn/năm, nhưng sản lượng tôm chế biến xuất khẩu hằng năm tại địa phương cũng chỉ khoảng 18 nghìn tấn. Toàn tỉnh có tám nhà máy chế biến thủy sản, nhưng được đầu tư xây dựng cách đây từ 15 đến 20 năm, công nghệ lạc hậu, hầu hết chỉ sơ chế, nên chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh hạn chế, giá trị xuất khẩu không cao. Những bất cập này đã dẫn đến nghịch lý là doanh nghiệp chế biến thủy sản thiếu tôm chế biến ngay trên vùng nguyên liệu, còn hàng nông sản, thủy sản của nông dân làm ra thì chạy sang các tỉnh khác và mang thương hiệu của nơi khác. Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lợi Ðoàn Ngọc Sai, nói: "Vĩnh Lợi là huyện trọng điểm lúa của tỉnh, nông dân sản xuất ra nhiều loại gạo đạt chất lượng. Tuy nhiên, khi thương lái và các doanh nghiệp tỉnh khác thu mua để xuất khẩu thì mang thương hiệu của tỉnh họ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các doanh nghiệp của tỉnh hầu hết nhỏ bé, chưa đủ sức chế biến và xuất khẩu, trong khi đó công tác thu hút đầu tư các doanh nghiệp, công ty trong và ngoài nước đến địa phương hợp tác đầu tư những năm qua rất hạn chế...".
Giải pháp thúc đẩy thu hút đầu tư
Nhận rõ thực trạng nêu trên, thời gian gần đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu đã đề ra các giải pháp khắc phục hạn chế, yếu kém và bất cập, chủ động và tích cực tìm kiếm các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các thành phố lớn trong khu vực. Ðiều đáng chú ý, giữa năm 2009, tỉnh Bạc Liêu đã ký kết hợp tác đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội với TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ, là hai thành phố lớn phía nam. Ðể phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, Bạc Liêu đã và đang tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đồng thời ban hành một số chính sách thu hút đầu tư các nhà doanh nghiệp trong và ngoài nước đến hợp tác làm ăn tại Bạc Liêu, nhất là các doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ...
Mới đây, Công ty cổ phần Ðầu tư và thương mại - dịch vụ - sản xuất Hải Yến, Liên hiệp HTX (siêu thị Sài Gòn Co.op Mart), Liên hiệp các công ty May mặc và một số doanh nghiệp, công ty tại thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác đầu tư một số dự án tại Bạc Liêu, bước đầu với tổng số vốn hàng triệu USD. Ngoài ra, một số công ty của Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðài Loan... đã đầu tư một số dự án nuôi trồng, chế biến thủy sản, hải sản tại Bạc Liêu. Có thể nói, gần đây, công tác xúc tiến và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước ở Bạc Liêu khá sôi động, bước đầu có triển vọng rất đáng khích lệ. Trong chương trình ký kết hợp tác phát triển với thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ, nhất là việc ký kết phát triển kinh tế nông nghiệp, thủy sản gắn với việc đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước được xem là mục tiêu hàng đầu, nhằm khai thác tối đa tiềm năng từ sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Giám đốc Sở Công thương Bạc Liêu Phan Việt Hùng cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Sở Công thương đã mở các lớp tập huấn các doanh nghiệp về công tác quản lý, cũng như những kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế. Ðồng thời, tăng cường hỗ trợ công tác quảng bá, giới thiệu những sản phẩm, tiềm năng, thế mạnh của các doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin và trang web thương mại của ngành. Bên cạnh đó, Sở sẽ cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ cho các doanh nghiệp có hướng trong phát triển sản xuất, kinh doanh, hướng đến việc giao dịch trên sàn điện tử...
Ðồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Ðảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu khẳng định: "Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã đặc biệt chú trọng đến công tác này và đề ra kế hoạch, biện pháp nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền và các sở, ban, ngành. Thực tế cho thấy, công tác thu hút đầu tư ở Bạc Liêu còn yếu, đáng lưu ý là chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh xếp vào hạng thấp nhất trong các tỉnh khu vực ÐBSCL, suy cho cùng là do yếu tố con người, do cán bộ. Vì vậy, trong mấy tháng qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quyết liệt đề ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, đẩy mạnh thu hút đầu tư. Trong đó, đặc biệt chú trọng đổi mới tư duy, thay đổi lề lối làm việc, tránh kiểu làm ăn tắc trách. Tỉnh có chính sách và tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi, hấp dẫn, khắc phục kịp thời tình trạng các doanh nghiệp và nhà đầu tư "quay lưng" với Bạc Liêu. Mặt khác, tỉnh kiên quyết xử lý, loại bỏ những cán bộ, công chức yếu kém năng lực, trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức... Nhờ vậy, có thể khẳng định, việc thu hút đầu tư ở Bạc Liêu thời gian qua có chuyển biến rõ nét, nhiều lãnh đạo chủ chốt và các doanh nghiệp lớn các địa phương tại thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, các tỉnh trong khu vực và các công ty, tổ chức nước ngoài đến Bạc Liêu hợp tác, ký kết đầu tư làm ăn...".
Với việc đề ra các giải pháp đồng bộ nêu trên, hy vọng công tác thu hút đầu tư của Bạc Liêu trong thời gian tới sẽ khởi sắc hơn, rút ngắn khoảng cách phát triển với các tỉnh trong khu vực ÐBSCL và cả nước, đáp ứng yêu cầu thời kỳ CNH, HÐH đất nước./.