Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 06/12/2009-08:32:00 AM
Hậu Giang cần đẩy mạnh hiện đại hóa nông nghiệp
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói, trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có, Hậu Giang cần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, có như vậy mới rút ngắn được khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, không ngừng đổi mới bộ mặt nông thôn, cải thiện và nâng cao mức sống của người dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang

Sáng 5/12, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, Chủ tịch Quốc hội cho rằng là một tỉnh nghèo đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Hậu Giang đã có một số biện pháp thu hút đầu tư và bước đầu có hiệu quả. Tuy nhiên, tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến việc thu hút đầu tư, rút kinh nghiệm từ các tỉnh bạn, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chú ý liên kết vùng...
Tại buổi làm việc, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và các thành viên trong Đoàn công tác đã trao đổi với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang về tình hình tư tưởng trong Đảng, trong dân; sự phát triển của các thành phần kinh tế tại địa phương (đóng góp như thế nào đối với sự tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách); tình hình phát triển Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân; đảng viên làm kinh tế giỏi; những chính sách, quy định pháp luật còn vướng mắc, cần được tháo gỡ; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; kinh nghiệm giải quyết vấn đề cơ sở hạ tầng...
Được tách ra từ tỉnh Cần Thơ tháng 1/2004, chỉ sau 5 năm xây dựng và phát triển, tình hình kinh tế-xã hội, cũng như công tác xây dựng Đảng ở Hậu Giang đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt gần 11,61%, riêng năm 2009 dự kiến đạt 12,6%; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 5 triệu đồng/người/năm 2004 lên 13,55 triệu đồng/người/năm 2009.
Với tiềm năng đất đai màu mỡ, nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Hậu Giang đã có nhiều chính sách, chương trình đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường.
Nhiều vùng sản xuất tập trung, chuyên canh được hình thành như vùng lúa chất lượng cao 50.000 ha với sản lượng hàng năm hơn 1 triệu tấn; vùng mía nguyên liệu ổn định 10.300 ha, vùng khóm (dứa) nguyên liệu, vùng trồng màu, nuôi thủy sản, vườn cây ăn quả đặc sản 6.500 ha. Nhiều đặc sản của Hậu Giang đã có thương hiệu trên thị trường cả nước như “Bưởi Năm Roi Phú Hữu,” “Khóm Cầu Đúc,” “Cá thát lát,” “lúa Hậu Giang 2”...
Nhiều khu công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp được hình thành, đến nay đã thu hút 12 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký 730 triệu USD; 1.081 dự án đầu tư trong nước tổng vốn đăng ký xấp xỉ 15 nghìn tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 15,63%/năm, theo hướng phục vụ nông nghiệp nông thôn và giải quyết việc làm cho người lao động.
Tỉnh Hậu Giang đề nghị Trung ương cần có cơ chế chính sách đặc thù đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn đối với Đồng bằng sông Cửu Long, vì đây là vùng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia nhưng lại nghèo nhất cả nước, cơ sở hạ tầng, chất lượng nhân lực yếu.
Trong 2 ngày 4-5/12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, dẫn đầu Đoàn công tác của Tiểu ban đã về thăm, làm việc tại tỉnh Hậu Giang để nắm tình hình, phục vụ công tác chuẩn bị văn kiện Đại hội XI./.

TTXVN/Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 1119
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)