Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 15/01/2010-15:33:00 PM
PCI 2009: Ghi nhận nỗ lực cải cách ở địa phương
Kết quả về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2009 vừa được công bố sáng nay (14/1), cho thấy Đà Nẵng và Bình Dương tiếp tục là các tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất trên toàn quốc.
Đà Nẵng vẫn dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Đặc biệt, điều tra về PCI cũng chỉ ra rằng, các lĩnh vực về chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, chi phí thời gian, đào tạo lao động và lòng tin vào thiết chế pháp lý đạt được những tiến bộ trong năm 2009. Đây là ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp đối với những nỗ lực cải cách ở các địa phương trong thời gian qua.
Không có đột biến
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu làm PCI 2009, giống như năm 2008, Đà Nẵng (75,96 điểm) vẫn dẫn trước Bình Dương - tỉnh đã từng dẫn đầu trong ba năm (74,01 điểm).
Ngoài ra, nằm trong nhóm tỉnh xếp hạng Rất tốt là Lào Cai (70,47 điểm), Đồng Tháp (67,24 điểm) và Vĩnh Long (66,65 điểm).
Cao Bằng, Đắk Nông, Bắc Kạn nằm cuối bảng xếp hạng, cho thấy các địa phương này cần nỗ lực nhiều hơn để cải thiện công tác điều hành.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nhận định, “ổn định” không đồng nghĩa với “cố định”. Trong hai năm qua, một loạt các địa phương đã dần chuyển lên thứ hạng cao hơn trong bảng xếp hạng.
Cụ thể, các tỉnh Cà Mau, Điện Biên, Long An và Thừa Thiên-Huế đã cho thấy có sự cải thiện mạnh mẽ hàng năm về xếp hạng PCI. Điểm thú vị là, điểm số của các tỉnh này tăng mạnh ở các lĩnh vực khác nhau. Điện Biên cải thiện đáng kể trong cắt giảm các chi phí không chính thức, nâng cao tính năng động của lãnh đạo tỉnh và thúc đẩy chất lượng đào tạo lao động. Trong khi đó, Cà Mau thực hiện các biện pháp giảm chi phí gia nhập thị trường và chi phí không chính thức.
Các bước tiến của hai tỉnh Long An và Thừa Thiên-Huế lại là nhờ cải thiện chỉ số tính minh bạch tăng, mà thí dụ điển hình nhất về cải thiện này là ngay cửa trụ sở của Sở Tài nguyên và Môi trường Long An có đặt một màn hình máy tính, giúp người dân tiếp cận với các kế hoạch sử dụng đất, văn bản pháp luật và tiến độ xử lý các hồ sơ.
Minh bạch và lao động: Mối quan tâm lớn của Doanh nghiệp
Phân tích kết quả phát triển khu vực kinh tế tư nhân (số lượng doanh nghiệp, quy mô đầu tư, và lợi nhuận) cho thấy hai chỉ số thành phần quan trọng nhất đối với tăng trưởng kinh tế tư nhân chính là tính minh bạch và chất lượng lao động. Hai chỉ số thành phần này chiếm trọng số cao nhất - 20% trong chỉ số PCI năm nay.
"Khi được tiếp cận đầy đủ với thông tin về những thay đổi chính sách, phát triển cơ sở hạ tầng, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, các doanh nghiệp sẽ dự báo tốt hơn về triển vọng đầu tư của họ trong tương lai. Doanh nghiệp cũng sẽ mạnh dạn đầu tư hơn nếu thấy yên tâm về triển vọng kinh doanh dài hạn. Và ngược lại, khi doanh nghiệp lo lắng về những thay đổi bất ngờ trong quy định, cơ sở hạ tầng, hay đất đai, doanh nghiệp sẽ do dự trước các dự án quy mô lớn, và chỉ đầu tư cầm chừng để thăm dò thị trường", báo cáo dẫn lời các chuyên gia phân tích cho hay.
Tuy chỉ số này đã đạt được bước tiến lớn trong thời gian qua nhưng lại thể hiện sự đảo chiều trong năm nay. Khả năng tiếp cận tài liệu kế hoạch của tỉnh và tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng phải có “mối quan hệ” mới tiếp cận được các tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh (61,26%) giảm về mức năm 2006 sau khi đã có những cải thiện liên tục theo thời gian.
Tương tự, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng có thể dự đoán được việc thực thi pháp luật của tỉnh (8,4%) và tỷ lệ doanh nghiệp phải thương lượng với cán bộ thuế địa phương (41%) giảm xuống dưới mức năm 2007.
Theo nhóm phân tích, đây là các kết quả đáng lo ngại nhưng điều đáng lưu ý là trong chỉ số thành phần này, chỉ tiêu tiếp cận tài liệu văn bản pháp lý (như luật, nghị định và các văn bản hướng dẫn) lại được cải thiện và được doanh nghiệp đánh giá là dễ tiếp cận nhất kể từ khi tiến hành điều tra PCI.
Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước cho thấy đã có những cải thiện, sau nhiều năm “giậm chân tại chỗ”. Tổng thời gian mà các nhà quản lý doanh nghiệp phải bỏ ra để thực hiện các thủ tục hành chính đã giảm từ 22% xuống còn 15%, trong khi đó thời gian trung bình của mỗi đợt thanh tra, kiểm tra thuế giảm từ 8 giờ xuống còn 5 giờ.
Thế nhưng, bất chấp những tiến bộ này, nhiều doanh nghiệp được điều tra cho biết họ vẫn phải chi một khoản không nhỏ cho những "chi phí không chính thức". Tỉ lệ doanh nghiệp cho biết thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức tuy giảm nhẹ (từ 65% xuống 59%), nhưng 53% doanh nghiệp cho biết cần phải trả hoa hồng khi tham gia đấu thầu để có được hợp đồng với các cơ quan nhà nước. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại về nạn nhũng nhiễu trên diện rộng.
Tệ tham nhũng lặt vặt và hối lộ nhỏ nhằm “bôi trơn” các giao dịch ở các cấp trực tiếp thực hiện trở nên ít thường xuyên hơn và có quy mô dự báo được. Tuy nhiên, tham nhũng ở quy mô lớn có xu hướng phát triển. Điều này khiến cho các doanh nghiệp nhỏ sẽ khó cạnh tranh khi tham gia đầu thầu các hợp đồng của cơ quan nhà nước...
Bên cạnh đó, chất lượng lao động cũng đóng vai trò rất quan trọng. Năm ngoái, đánh giá của doanh nghiệp về chất lượng lao động và giáo dục đào tạo trong nước thấp ở mức kỷ lục. Năm nay, điểm số cho chỉ tiêu này đã được cải thiện, dù vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết.
Khoảng 45% số doanh nghiệp tham gia điều tra đánh giá chất lượng giáo dục đào tạo nói chung ở mức Tốt hoặc Rất tốt so với 35% vào năm 2008. Tương tự, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá chất lượng đào tạo nghề ở mức Tốt cũng tăng từ 20% vào năm 2008 lên 28% trong năm nay.
Cùng với tầm quan trọng của chất lượng lao động trong việc đưa ra quyết định của doanh nghiệp thì những cải thiện này là những dự báo tích cực cho tương lai, song điểm số chung thấp cho thấy còn nhiều quan ngại.
Theo nghiên cứu gần đây của Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO), năm 2007, 70,4% công ty Nhật gặp khó khăn khi tuyển dụng kỹ sư tại Việt Nam; 63% khó tuyển dụng nhân sự quản lý cấp trung (tỉ lệ này ở các nước ASEAN là 39,1%) . Còn theo số liệu thống kê từ trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước, năm 2009 có 100.000 nhu cầu tuyển dụng song số lao động đăng ký qua những trung tâm này chỉ chiếm 17% tổng nhu cầu. Đáng lo ngại hơn, chỉ có 6% lao động tìm việc đáp ứng đủ trình độ và yêu cầu theo tiêu chí của nhà tuyển dụng.
Nhu cầu cải thiện hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục cấp trung học phổ thông, và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp đã và đang trở thành vấn đề thảo luận cấp thiết, “nóng bỏng” tại tất cả các cấp, các ngành của chính phủ, trong các diễn đàn của cộng đồng xã hội.
PCI: Hàn thử biểu đo nền kinh tế
Năm nay, bất chấp các số liệu về kinh tế vĩ mô chỉ ra rằng Việt Nam đã thoát khỏi giai đoạn tồi tệ nhất của khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, tâm lý lạc quan của các doanh nghiệp vẫn có chiều hướng sụt giảm.
Chỉ 65% doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam dự định mở rộng hoạt động kinh doanh của mình trong hai năm tới, so với 78% năm 2008 và 77% năm 2007. Các doanh nghiệp nhỏ chịu tác động nặng nề hơn từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu với 47% doanh nghiệp cho biết có ý định mở rộng kinh doanh.
"Dù chỉ mang tính dự báo, xu hướng này cho thấy môi trường kinh doanh trong thời gian tới cần được cải thiện hơn nữa để tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp phát triển và đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam", nhóm phân tích nhận định.
Về bản chất, chỉ số PCI 2009 là “tập hợp tiếng nói” của 9.890 doanh nghiệp dân doanh đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền tỉnh, trên cơ sở kết hợp với các nguồn dữ liệu đã được công bố để làm tăng tính khách quan trong các kết quả đánh giá của doanh nghiệp, kết quả điều tra được tổng hợp thành điểm số ở cấp tỉnh.
Năm nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố đều được đưa vào bảng xếp hạng chỉ số PCI. Số doanh nghiệp phản hồi điều tra trung bình của một tỉnh là 157, chỉ có duy nhất một tỉnh (Lai Châu) nhận được dưới 75 phiếu trả lời. Tuy nhiên, 63 doanh nghiệp tham gia trả lời điều tra ở Lai Châu đã chiếm khoảng một phần ba tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên thực tế của tỉnh miền núi vùng Tây Bắc này.
Thay đổi lớn nhất của PCI 2009 là việc bỏ một chỉ số thành phần “Ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước” trên cơ sở tham vấn ý kiến chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách cho thấy vấn đề ưu đãi doanh nghiệp nhà nước không còn là trở ngại lớn đối với môi trường kinh doanh ở các địa phương. Lý do là các doanh nghiệp nhà nước thuộc địa phương quản lý (thường gọi là doanh nghiệp nhà nước địa phương) phần lớn đã được cổ phần hóa và không còn là rào cản đối với sự tăng trưởng và phát triển của khu vực tư nhân.
"Điều này không có nghĩa là Việt Nam nói chung và từng tỉnh thành nói riêng không còn vấn đề ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề thực tế nằm ở việc ưu đãi đối với các công ty con của các doanh nghiệp nhà nước thuộc trung ương quản lý (doanh nghiệp nhà nước trung ương), đặc biệt là các tập đoàn kinh tế lớn như Vinaconex, Petrolimex hoặc Vinashin", nhóm phân tích nhấn mạnh.
Trong tổng số doanh nghiệp tham gia trả lời điều tra PCI năm nay, Doanh nghiệp tư nhân chiếm 35%, Công ty trách nhiệm hữu hạn, chiếm 45% và 18% là các doanh nghiệp đăng ký dưới hình thức công ty cổ phần.
Có 19 công ty cổ phần trong mẫu điều tra PCI có cổ phiếu hiện đang giao dịch trên Sàn Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HaSTC) hoặc thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), chiếm 7% tổng số doanh nghiệp được niêm yết; trong đó có một số đang hoạt động trong những ngành, lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế.
Kết quả điều tra PCI cũng cho thấy, 3.225 trong số 9.890 doanh nghiệp tiếp cận được khoản vay với lãi suất ưu đãi 4%. Theo các chuyên gia, mặc dù đây mới chỉ là kết quả sơ bộ và cần tiến hành thêm một số phân tích chuyên sâu, nhưng kết quả ban đầu khá khích lệ.
Số liệu này chỉ ra rằng, việc tiếp cận được khoản vay hỗ trợ lãi suất từ gói kích thích kinh tế dường như có liên quan đến khả năng mở rộng kinh doanh. Những doanh nghiệp được hưởng lãi suất ưu đãi này có khả năng tuyển dụng thêm lao động trong năm vừa qua cũng như mua thêm đất đai để làm mặt bằng kinh doanh, sản xuất, và khả năng có phương án mở rộng hoạt động kinh doanh trong vòng 2 năm tới cũng cao hơn.
Ngoài ra, phân tích ban đầu cho thấy gói kích thích kinh tế của chính phủ đã được phân bổ tương đối đồng đều trên khắp cả nước chứ không chỉ tập trung tại các trung tâm kinh tế lớn. Trên thực tế, các doanh nghiệp ở nông thôn và có quy mô nhỏ hơn dễ có khả năng được vay vốn hơn các doanh nghiệp có quy mô lớn và trình độ phát triển cao hơn (trong đó có cả các công ty nhà nước đã cổ phần hóa).
Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được xây dựng từ năm 2005 là kết quả hợp tác nghiên cứu giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ.
Kể từ khi công bố, chỉ số PCI đã trở thành một một công cụ quan trọng để đo lường và đánh giá công tác quản lý và điều hành kinh tế trên 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam dựa trên cảm nhận của khu vực kinh tế tư nhân.
Anh Quân
Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 1280
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)