Là năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001-2010, vì vậy, việc thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2010 có ý nghĩa rất quan trọng, đồng thời cũng tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội quốc gia trong giai đoạn tiếp theo.
|
Ngay trong tháng 1/2010, các Bộ, ngành, địa phương ban hành chương trình hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết phát triển KTXH
|
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010.
Mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 là nỗ lực phấn đấu phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn năm 2009, tăng tính ổn định kinh tễ vĩ mô; nâng cao chất lượng tăng trưởng; ngăn chặn lạm phát cao trở lại; tăng khả năng bảo đảm an sinh xã hội; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh; phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010.
Để thực hiện được mục tiêu tổng quát trên, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện quyết liệt 6 nhiệm vụ và 8 nhóm giải pháp chủ yếu.
6 nhiệm vụ
Thứ nhất, khai thác mọi tiềm năng, nhất là nội lực để đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm.
Thứ 2, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, phấn đấu giảm nhập siêu; giảm dần bội chi ngân sách và thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ phù hợp để ngăn ngừa lạm phát cao, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh.
Thứ 3, tập trung sức phát triển nông nghiệp và nông thôn, triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là vấn đề đã được đặt ra trong Nghị quyết Trung ương Đảng khóa X.
Thứ 4, đẩy nhanh việc thực hiện chương trình giảm nghèo vững chắc; tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng phúc lợi xã hội và an sinh xã hội; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ 5, tạo một bước tiến mới trong cải cách hành chính; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội.
Thứ 6, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; mở rộng quan hệ quốc tế, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài và tạo môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước.
8 giải pháp
Thứ nhất là phục hồi kinh tế, chuyển dịch cơ cấu và nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Thứ 2 là điều hành chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt, thận trọng để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát nhập siêu và ngăn chặn lạm phát cao trở lại.
Thứ 3 là đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ.
Thứ 4 là tạo chuyển biến trong công tác chăm sóc sức khỏe, phát triển văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Thứ 5 là bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.
Thứ 6 là tăng cường công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ 7 là mở rộng quan hệ quốc tế, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn toàn xã hội.
Thứ 8 là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thực hiện Nghị quyết về phát triểnkinh tế - xã hội năm 2010, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp khẩn trương xây dựng và ban hành ngay trong tháng 1/2010 chương trình hành động cụ thể của Bộ, cơ quan, địa phương, mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian và đơn vị chủ trì thực hiện cụ thể. Đồng thời, triển khai, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Chính phủ; thường xuyên kiểm điểm tiến độ và kết quả thực hiện chương trình công tác đã đề ra; hàng tháng, hàng quý có kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện, báo cáo đầy đủ, nghiêm túc theo quy định.
Nhìn lại công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong suốt năm 2009 vừa qua, có thể thấy Chính phủ đã điều hành nền kinh tế- xã hội với quyết tâm cao và tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt.
Nhờ các giải pháp tổng hợp, chúng ta đã thực hiện thành công mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì mức tăng trưởng hợp lý (GDP cả năm tăng 5,32%, cao hơn chỉ tiêu 5% của Quốc hội đề ra và đứng vào hàng các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao của khu vực và trên thế giới).
Đặc biệt, việc vốn đầu tư toàn xã hội đạt 704.200 tỷ đồng, tăng cao (15,3%) so với năm 2008 là rất có ý nghĩa, nhất là đặt trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư. Bội chi ngân sách bảo đảm được mức Quốc hội đề ra (không vượt quá 7% GDP). Lạm phát được kiềm chế, chỉ số tăng giá tiêu dùng tháng 12 năm 2009 so với tháng 12 năm 2008 tăng 6,52%, thấp hơn mục tiêu 7% Quốc hội thông qua.
Cùng với những kết quả trong lĩnh vực an sinh xã hội, việc chủ động triển khai có hiệu quả công tác đối ngoại, giữ vững an ninh quốc phòng, cải cách hành chính có bước tiến lớn, đấu tranh phòng chống tham nhũng có chuyển biến tốt hơn, những thành tựu nói trên đã một lần nữa khẳngđịnh, nhìn tổng thể, những giải pháp và chính sách của Chính phủ trong năm 2009 đã có tác động tốt và hiệu quả rõ rệt.
Những thành tựu đã "thể hiện bước tiến mới về năng lực lãnh đạo, trình độ dự báo và khả năng phản ứng chính sách của Đảng và Nhà nước ta", như nhận định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phát biểutại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII vừa qua./.
|
Phương Mai
Cổng thông tin điện tử Chính phủ