|
Tính đến 1/1/2008, diện tích đất lúa toàn quốc là 4,1 triệu ha
|
Hiện nay, 2 vùng lúa lớn nhất cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng, chiếm đến 67% diện tích gieo trồng và 70% sản lượng lúa cả nước. Diện tích đất lúa toàn quốc (tính đến 1/1/2008) là 4,1 triệu ha.
Báo cáo của Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Trí Ngọc cho biết, diện tích gieo trồng lúa tính từ năm 1995 đến năm 2008 tăng hơn 630 ngàn ha, tốc độ tăng bình quân đạt 0,7%/năm. Từ năm 2001 do thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nên một phần diện tích đất lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng cây khác, đặc biệt là chuyển sang nuôi trồng thủy sản, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp góp phần xóa đói giảm nghèo cho nông dân.
Tuy nhiên, một số nơi chuyển đổi đất lúa không theo quy hoạch đã dẫn đến không đem lại hiệu quả kinh tế, tác động tiêu cực đến môi trường.
Bộ NNPTNT đã thực hiện một số chính sách nhằm phát triển quỹ đất lúa như quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của chính quyền các cấp trong việc quản lý đất trồng lúa theo quy hoạch; phát triển mạnh thủy lợi ở miền núi để chuyển đất 1 vụ lúa thành 2 vụ lúa. Có chính sách hỗ trợ cho người sản xuất lúa như tiếp tục miễn thủy lợi phí; đối với người sản xuất lúa ở vùng khó khăn, thường xuyên thiếu lương thực hỗ trợ theo diện tích gieo trồng để mua giống, phân bón sản xuất, mức hỗ trợ cụ thể theo từng đối tượng và từng vụ…
Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát cho biết sẽ tổ chức rà soát tổng thể diện tích đất lúa, yêu cầu Cục trồng trọt xây dựng kế hoạch cụ thể về điều chỉnh quy hoạch đất lúa toàn quốc.
Mục tiêu cụ thể của việc quy hoạch tổng thể sử dụng đất lúa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Bộ NNPTNT xây dựng là, duy trì diện tích đất canh tác đến 2010 là 4,05 triệu ha, đến năm 2015 là 3,85 triệu ha và năm 2020 là 3,7 triệu ha. Từ năm 2030 giữ ổn định lâu dài là 3,6 triệu ha, trong đó đất chuyên lúa nước là 3,2 triệu ha.
Đại diện các Bộ, ngành cho rằng, quy hoạch là một trong những biện pháp để quản lý tốt đất trồng lúa. Vì vậy, trước tiên cần phải đánh giá chính xác thực trạng sử dụng đất lúa hiện nay; có quy định đất lúa ở khu vực nào, khoanh vùng cụ thể, phân bổ chỉ tiêu cho các địa phương quản lý và phát triển, trong đó, khu vực đất lúa phải được quản lý chặt chẽ.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ NNPTNT tổng điều tra về ruộng đất trong đó có việc sử dụng đất lúa hiện nay.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch sử dụng đất lúa phải gắn với chủ trương chính sách, mục tiêu cụ thể, phải chỉ rõ diện tích đất lúa quy hoạch đến đâu, giao cho từng cấp quản lý, đồng thời đưa ra được kế hoạch quản lý cụ thể và đảm bảo quản lý được diện tích đất quy hoạch đó.
|