Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner ngày 9/12 thông báo với Quốc hội, Chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục Chương trình cứu trợ tài sản xấu (TARP) đến ngày 3/10/2010.
Trước đó, nhà chức trách Mỹ dự kiến sẽ kết thúc chương trình này vào cuối năm nay.
Giải thích lý do gia hạn chương trình, Bộ trưởng Geithner nhấn mạnh chương trình này vẫn còn cần thiết để chống lại các cú sốc mới về kinh tế, bảo vệ các gia đình Mỹ và ổn định các thị trường tài chính.
Ông Geithner khẳng định chương trình này sẽ không dùng quá 550 tỷ USD từ các nguồn quỹ và các cam kết cứu trợ trong năm tới sẽ được giới hạn trong ba lĩnh vực ngăn chặn tình trạng tịch thu nhà để trả nợ; cấp vốn cho các ngân hàng nhỏ nhưng có vai trò quan trọng trong việc cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ; mở rộng chương trình cấp liên bang nhằm đẩy nhanh hoạt động cho vay tới người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ.
Ông Geithner ước tính đến cuối năm sau, các khoản hoàn trả sẽ lên tới 175 tỷ USD và sau đó các khoản hoàn trả bổ sung sẽ lớn hơn.
Trong một báo cáo ra cùng ngày, Ủy ban giám sát TARP cho biết nguồn quỹ từ chương trình này đã hạn chế sự hỗn loạn về tài chính vào mùa Thu năm ngoái, song vẫn chưa đạt được các mục tiêu mà Quốc hội đề ra như mục tiêu giảm số lượng nhà bị tịch thu để hồi nợ và làm tan băng trong hoạt động cho vay tới người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Trước đó, ngày 7/12, Bộ trưởng Geithner thông báo Chính phủ sẽ "tiết kiệm" được 200 tỷ USD từ TARP vì chương trình này chỉ mất 141 tỷ USD chứ không phải 341 tỷ USD như dự đoán của Chính quyền Tổng thống Barack Obama tháng 8 vừa qua.
Tính đến nay, chương trình cứu trợ trị giá 700 tỷ USD lấy từ ngân sách đã "giải cứu" được nhiều công ty tài chính lớn ở Phố Wall, các hãng xe hơi và doanh nghiệp khỏi tình trạng phá sản.
Tuy nhiên, chương trình này cũng gặp phải sự phản đối của nhiều người Mỹ cho rằng Chính phủ đã không làm cho họ yên tâm vì tỷ lệ thất nghiệp cao và số lượng nhà bị tịch thu sớm tăng nhanh.
Hiện Tổng thống Obama và Quốc hội đang soạn thảo chương trình chi tiêu và cắt giảm thuế mới, theo đó có thể sử dụng một phần khoản 200 tỷ USD còn dư trong TARP. TARP được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 10/2008 khi cuộc khủng hoảng tài chính đang ở đỉnh điểm./.