Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/08/2009-10:03:00 AM
Hướng đến 2010: Năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN
Nhân kỷ niệm 42 năm thành lập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (1967-2009), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã có bài viết “Hướng đến 2010: Năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN”, điểm lại những mốc lớn trong quá trình phát triển của ASEAN và công tác chuẩn bị của nước ta cho vị trí Chủ tịch ASEAN 2010.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm

Hôm nay, chúng ta vui mừng kỷ niệm 42 năm Ngày thành lập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt và là ngày hội chung của cả 10 nước thành viên ASEAN. Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại những đóng góp của Việt Nam vào việc tăng cường hợp tác ASEAN trong 14 năm qua, từ đó đề ra phương hướng tham gia các hoạt động ASEAN trong thời gian tới, nhất là chuẩn bị để Việt Nam đảm nhận tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010.
Lịch sử đã chứng kiến sự trưởng thành của ASEAN sau 42 năm tồn tại và phát triển, vượt qua bao thăng trầm và thách thức. Là tập hợp 10 quốc gia Đông Nam Á với hơn 550 triệu dân và tổng giá trị GDP lớn thứ 3 châu Á, ASEAN ngày nay đã trở thành một tổ chức hợp tác khu vực toàn diện, một thực thể chính trị-kinh tế năng động, có vai trò và vị thế quan trọng ở khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương. Với những kết quả đã đạt được, ASEAN hiện đã bước sang giai đoạn phát triển mới hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Thực tiễn hơn 4 thập kỷ qua đã cho thấy ASEAN là một tổ chức hợp tác khu vực có sức sống mãnh liệt và khả năng thích ứng nhanh chóng với những biến đổi của thời cuộc. Điều đó thể hiện rõ qua những kết quả hợp tác trong những năm qua và khả năng ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức đặt ra, kể cả các tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu hiện nay. Nổi bật nhất là những nỗ lực để đưa Hiến chương ASEAN đi vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế cho ASEAN gia tăng liên kết khu vực, trước mắt là hỗ trợ mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Sự ra đời của Hiến chương và mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN thể hiện tầm nhìn và quyết tâm của các nước thành viên trong việc xây dựng một ASEAN gắn kết, vững mạnh, đóng góp tích cực cho hoà bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới. Để đưa tầm nhìn và quyết tâm đó thành hiện thực, ASEAN cần phải tiếp tục giữ vững và phát huy tinh thần đoàn kết và những giá trị truyền thống của Hiệp hội. Đó chính là động lực và sức mạnh giúp 10 nước thành viên vượt qua những khác biệt về chính trị, kinh tế, văn hóa và những rào cản do lịch sử để lại để cùng nhau tạo dựng tương lai tốt đẹp hơn cho mỗi nước cũng như cả khu vực. Chuyển sang giai đoạn mới, nhu cầu bức thiết đặt ra lúc này là các nước ASEAN phải cùng nhau nỗ lực đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình, kế hoạch xây dựng Cộng đồng đã được thông qua, khẩn trương đổi mới tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động để nâng cao hiệu quả và chất lượng hợp tác ASEAN.
Từ khi gia nhập ASEAN tháng 7/1995, Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động vào hợp tác của ASEAN và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Hiệp hội. Đặc biệt, trong những năm gần đây, chúng ta đã tích cực tham gia xây dựng, triển khai Hiến chương và Cộng đồng ASEAN với tinh thần trách nhiệm cao và có nhiều nỗ lực trong việc duy trì và thúc đẩy đoàn kết ASEAN. Để nâng cao hiệu quả tham gia hợp tác ASEAN trong tình hình mới, điểm đáng chú ý là chúng ta đã có nhiều đổi mới, từ nâng cao nhận thức và xác định phương hướng, biện pháp hợp tác đến việc cải thiện hiệu quả của tổ chức bộ máy và tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành tham gia hợp tác ASEAN, tạo nên một nỗ lực chung của quốc gia thông qua Chương trình hành động của Chính phủ về việc Việt Nam tham gia ASEAN đến năm 2015. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các Bộ chủ trì các Hội đồng cộng đồng và Hội đồng điều phối, ban hành Quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành tham gia hợp tác ASEAN.
Đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010 vừa là một vinh dự to lớn vừa là trách nhiệm nặng nề đối với Việt Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam vì các hội nghị không chỉ giới hạn trong phạm vi các nước ASEAN mà còn là Diễn đàn đối thoại trên nhiều lĩnh vực giữa ASEAN với nhiều nước lớn và tổ chức khu vực và quốc tế. Sự kiện này còn có ý nghĩa hơn bởi năm 2010 đánh dấu 5 năm hướng tới thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2010-2015) và là giai đoạn chuyển tiếp đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống với tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động mới. Năm 2010 còn trùng vào dịp chúng ta sẽ tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và tổ chức nhiều sự kiện và hoạt động quan trọng khác.
Với vai trò Chủ tịch ASEAN, chúng ta sẽ đăng cai tổ chức và chủ trì nhiều hội nghị lớn trong cả năm, trong đó có 2 Hội nghị Cấp cao là Cấp cao ASEAN và Cấp cao giữa ASEAN với các bên đối tác; Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Bộ trưởng ngoại giao ASEAN với các nước đối thoại và Hội nghị Bộ trưởng của Diễn đàn khu vực ASEAN (AMM43/PMC/ARF17), gần 10 hội nghị cấp Bộ trưởng khác cùng nhiều Hội nghị các quan chức cấp cao. Chúng ta cũng sẽ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Đại hội đồng Liên Nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA) và đăng cai tổ chức Đại hội đồng AIPA – 31. Việt Nam cũng sẽ thay mặt Hiệp hội tham dự một số diễn đàn quốc tế và khu vực khác; triển khai ngoại giao con thoi để xử lý những vấn đề phức tạp nảy sinh hoặc điều phối lập trường các bên liên quan.
Với cương vị Chủ tịch ASEAN, chúng ta cần phát huy tinh thần "chủ động, tích cực, có trách nhiệm" trong hợp tác ASEAN, đề xuất sáng kiến và biện pháp phù hợp để tăng cường đoàn kết và hợp tác trong ASEAN, thúc đẩy giải quyết những vấn đề lớn và phức tạp đặt ra cho Hiệp hội, thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận của ASEAN, đưa 2010 thực sự trở thành Năm hành động ASEAN. Làm được như vậy, chúng ta sẽ vừa thể hiện được dấu ấn Việt Nam, nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của đất nước, vừa tăng cường đoàn kết ASEAN, góp phần tích cực cho sự phát triển chung của Hiệp hội.
Chúng ta đã và đang khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị về mọi mặt. Để khởi động quá trình chuẩn bị, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia (UBQG) về chuẩn bị và thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ngành và nhiều địa phương. Ngay sau đó, Uỷ ban đã họp phiên đầu tiên vào ngày 8/7/2009, chính thức vận hành bộ máy tổ chức và quy chế làm việc, phân công phân nhiệm trong Uỷ ban và thông qua chức năng, nhiệm vụ của các Tiểu ban, thống nhất lộ trình công tác của UBQG, đặc biệt là các công tác cần khẩn trương triển khai từ nay đến cuối năm 2009, chuẩn bị sẵn sàng cho Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010.
Với nhận thức mới về vai trò quan trọng của ASEAN trong chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, với kinh nghiệm đăng cai nhiều hội nghị quốc tế lớn, với sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ và với lòng hiếu khách của người dân Việt Nam, chúng ta tin tưởng, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN khác bảo đảm thành công cho các hội nghị và sự kiện của ASEAN năm 2010, góp phần thiết thực vào việc xây dựng cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, có vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực và trên trường quốc tế./.

Chinhphu.vn

    Tổng số lượt xem: 2165
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)