Khoảng 200 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp Nhật Bản đã tham dự Hội thảo Xúc tiến Đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Mizuho tổ chức, vừa diễn ra tại thủ đô Tokyo.
|
Bà Nhữ Thị Hồng Liên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, tại buổi hội thảo
|
Phát biểu tại hội thảo, ông Abe Hiroshi, Giám đốc quan hệ quốc tế của Mizuho, giải thích lý do khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư Nhật Bản là vì có “sự ổn định về chính trị, nguồn nhân lực dồi dào và có chất lượng cao” và là thị trường lớn cho hàng hóa của nước ngoài.
Ông Abe nhấn mạnh Việt Nam đang có kế hoạch xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam và đường sắt cao tốc Bắc-Nam. Mạng lưới giao thông ngày càng phát triển giữa miền Bắc và miền Nam sẽ giúp tăng sự cạnh tranh của Việt Nam và tạo điều kiện cho sự phát triển của nền kinh tế nước này. Bên cạnh đó, sự kết nối với các thị trường ở phía Nam của Trung Quốc sẽ tạo nên sức mạnh mới đối với thị trường Việt Nam.
Ông Abe cho biết trong năm 2008, vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nhà đầu tư Nhật Bản đã cắt giảm đầu tư ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Kể từ đầu năm 2010, nhờ sự phục hồi của kinh tế thế giới nên hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư Nhật Bản đã cải thiện và đầu tư vào Việt Nam đã tăng lên.
Về phần mình, bà Nhữ Thị Hồng Liên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, khẳng định tỉnh Quảng Ninh luôn coi cộng đồng các nhà đầu tư Nhật Bản là đối tác quan trọng trong việc kêu gọi hợp tác đầu tư trên các lĩnh vực như hạ tầng cơ sở, khu công nghiệp, công nghệ chế tạo, chế biến, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ du lịch và xuất nhập khẩu.
Theo bà Nhữ Thị Hồng Liên, trong thời gian qua, Nhật Bản là nhà tài trợ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho tỉnh, với tổng vốn cam kết lên tới 300 triệu USD, trong đó tập trung vào các dự án lớn như bảo vệ môi trường thành phố Hạ Long (111 triệu USD), xây dựng cầu Vân Tiên (90 triệu USD) và xây dựng cảng Cái Lân (78 triệu USD). Bên cạnh đó, Nhật Bản hiện có 6 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng số vốn đăng ký 11,3 triệu USD.
Về thương mại và du lịch, bà Liên cho biết Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng của tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này liên tục tăng trong thời gian gần đây và đạt 84,6 triệu USD trong năm 2009. Trong khi đó, số lượng du khách Nhật tới thăm tỉnh Quảng Ninh đang ngày càng tăng. Năm 2009, con số này là 38.200 lượt, tăng 3 lần so với năm 2006.
Tuy nhiên, bà Liên nhấn mạnh “những kết quả đó chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu phát triển của tỉnh Quảng Ninh,” đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh trong các lĩnh vực như điện tử, công nghệ cao, phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng và chế biến thủy sản./.