Theo bài viết của tác giả Đàm Nhã Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đầu tư Ngoại hối Trung Quốc, đăng trên mạng Bình luận Trung Quốc, ngày 17/1, tiếp theo xu thế của năm 2010, thị trường tài chính thế giới năm 2011 sẽ đầy rủi ro và áp lực, thậm chí còn xuất hiện nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tài chính mới với hình thức và mức độ khác với lần trước, nhưng không thể xem nhẹ.
Nơi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính mới sẽ là châu Âu, thay vì ở Mỹ như hiện nay bởi thị trường đã tích tụ đủ yếu tố có thể làm xảy ra khủng hoảng, một mặt do nhân tố giá cả thị trường, mặt khác do nhân tố cơ chế tiền tệ.
Nhân tố giá cả nằm ở chỗ đồng USD mất giá khiến các đồng tiền khác, đặc biệt là đồng euro tăng giá rõ rệt, giá trị thực tế của đồng euro đã vượt mức nghiêm trọng. Thị trường có thể nhìn thấy một thực tế là trong khi kinh tế khu vực châu Âu đang đi xuống thì giá trị đồng euro lại đi lên, thêm vào đó, bong bóng giá cả tất yếu dẫn tới nguy cơ phá giá hoặc nguy cơ mất niềm tin vào đồng tiền.
Về nhân tố cơ chế, khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn chưa có cơ chế ràng buộc và cơ chế bảo đảm hiệu quả. Cuộc khủng hoảng nợ công chỉ nằm ở các con số và loại tiền tệ, không có sự thay đổi, cải tiến hay bổ sung nào về chế độ và cơ cấu. Đáng lưu ý, có tới hơn 60% dân số của các nước thành viên khu vực sử dụng đồng euro không hài lòng về đồng euro, điều này khiến cho đồng euro đối diện với nguy cơ sụp đổ.
Tình hình khu vực đồng tiền chung châu Âu hiện vô cùng nghiêm trọng. Cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài hơn 3 năm qua đã khiến Anh thực sự không muốn gia nhập vào khu vực này trong khi một số người Đức có tư tưởng rút ra khỏi khu vực và ngày càng có nhiều ý kiến đối lập, mẫu thuẫn giữa các nước trong khu vực. Vấn đề của Iceland, Hy Lạp, Ireland liên tiếp xảy ra và không đơn giản chỉ là vấn đề riêng của châu Âu và khu vực đồng tiền chung châu Âu, đó là diễn biến thị trường có chủ định, mục tiêu là làm sụp đổ đồng euro.
Trong giai đoạn 2011-2013, tiêu điểm thị trường tài chính tương lai là ở châu Âu, chứ phải ở Mỹ nhưng các tham số chỉ tiêu giá cả thị trường lại được quyết định bởi hướng đi của tỷ giá đồng USD. Sau đây là 6 xu thế lớn trong năm 2011:
Thứ nhất, xu thế đồng USD mất giá trên thị trường ngoại hối ngày càng tăng. Thị trường tiền tệ thế giới năm 2011 sẽ tiếp tục lấy sự điều chỉnh chính của đồng USD làm định hướng. Chỉ số đồng USD trên thị trường ngoại hối sẽ xuất hiện biến động lớn giữa mức 90 điểm và 70 điểm. Đồng USD sẽ phá giá hoặc tăng giá mang tính chu kỳ, theo giai đoạn, nhanh và linh hoạt.
Tỷ giá giữa đồng USD và đồng euro dự kiến sẽ ở mức 1,15 USD/euro và 1,5 USD/euro thậm chí có lúc, 1 euro có thể đổi được 1,6 USD. Tỷ giá giữa đồng USD và đồng bảng Anh dự kiến ở mức 1,45-1,90 USD/bảng, khó vượt ngưỡng 2,0 USD/bảng… Đồng Nhân dân tệ sẽ có hai xu thế khó khăn, khả năng đồng Nhân dân tệ phá giá là khá rõ ràng, hai hướng đi và mức đàn hồi (biên độ tăng giảm) sẽ mở rộng, tỷ giá so với đồng USD khoảng 6,5 - 7,2/Nhân dân tệ.
Thứ hai, thị trường cổ phiếu sẽ tăng giá nhanh và kéo dài. Tốc độ tăng cao của thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục nhanh thêm. Năm 2011, thị trường chứng khoán thế giới sẽ đi từ đỉnh cao này tới đỉnh cao khác, tình trạng giá cổ phiếu sụt giảm sẽ chậm lại.
Trong đó, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tiến tới mốc 12.000 điểm, có khả năng phá vỡ mức mức kỷ lục 14.000 điểm năm 2007, nếu có giảm cũng nằm ở khoảng 9.000 điểm. S&P Index có thể đạt đến 1.400 điểm, thậm chí là 1.500 điểm; chỉ số NASDAQ có thể đạt đến 3.200 điểm.
Thị trường chứng khoán châu Âu cũng đi theo cao trào này nhưng biên độ tăng ở mức thấp. Vấn đề đồng euro sẽ hạn chế mức tăng của thị trường chứng khoán châu Âu. Thị trường chứng khoán Nhật Bản khá ổn định ở mức 10.000 điểm. Thị trường chứng khoán châu Á lên nhanh xuống mạnh, cao trào ở các nước và khu vực Đông Á khá rõ rệt, biên độ dao động lớn.
Thứ ba, nhu cầu của thị trường vàng tăng cao. Năm 2011, thị trường vàng quốc tế sẽ tiếp tục xu thế tăng cao của hai năm trước. Biên độ tăng của giá vàng có thể lên tới trên 20%. Đỉnh điểm giá vàng có thể lên tới khoảng 1.700 USD/ounce thay vì mức đỉnh 1.400 USD/ounce vào năm 2010. Giá vàng tiếp tục tăng do tính lưu động của thị trường, tâm lý theo sau sự thay đổi của chính sách tiền tệ, đặc biệt là sự căng thẳng và hoang mang do những lời cảnh báo về mức lạm phát cao của thế giới và hiệu ứng chính sách thắt chặt tiền tệ.
Cũng có ít khả năng là giá vàng sẽ điều chỉnh xuống vì trong năm 2010, việc điều chỉnh giảm chưa đủ, sự điều chỉnh giá mang tính kỹ thuật khá cấp bách có thể dẫn tới giá vàng giảm trong năm 2011, có thể xuống đến mức 1.100 USD/ounce nhưng biên độ và thời gian cũng có hạn, có thể xảy ra bất ngờ, lặp lại.
Thứ tư, nhu cầu thị trường dầu thô tăng có hạn, giá tiếp tục tăng nhưng khó khôi phục mức đỉnh của năm 2008, có thể lên tới mức 100-120 USD/thùng. Bên cạnh đó, giá dầu thô thế giới cũng có khả năng giảm xuống mức 60-70 USD/thùng, mức dao động giá dầu thô có thể sẽ ở mức cao. Năm 2011, nhân tố khí hậu và các nhân tố đột phát sẽ khiến cho giá dầu thô có những thay đổi bất thường, khó đoán.
Thứ năm, thị trường lãi suất đảo chiều nhanh chóng.
Năm 2011, tiêu điểm của thị trường tài chính nằm ở chỗ chính sách lãi suất có sự bứt phá và chuyển biến hay không. Dự kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ đưa ra những thay đổi mang tính phương hướng vào quý II hoặc sau quý II năm 2011. Chính sách nới lỏng định lượng (EQ2) của Mỹ sẽ chuyển hướng nhanh chóng, thành chinh sách tiền tệ thắt chặt. Đặc biệt, nếu kinh tế Mỹ tăng trưởng thuận lợi thì FED sẽ lập tức đẩy nhanh tiến độ và nhịp độ điều chỉnh lãi suất.
Nhà đầu tư nổi tiếng thế giới Roger cho rằng, lãi suất của Mỹ sẽ tăng nhanh “như gió” lên mức cao kỷ lục. Theo ông, chỉ tiêu giá cả hàng hóa là dữ liệu mang tính tiêu chí đối với sự thay đổi của chính sách tiền tệ. Kết quả việc đồng USD mất giá và giá hàng hóa tăng lên đã gây ra sự thay đổi về chính sách tiền tệ thế giới.
Thứ sáu, sự khó khăn hơn trong việc điều chỉnh quy mô thị trường ngân hàng. Ngành ngân hàng thế giới trong năm 2011 sẽ đối diện với sự rắc rối và phức tạp, đầy rẫy rủi ro về chính sách. Ủy ban Giám sát Ngân hàng Basel với 27 thành viên đã thông qua hiệp định mới, quy định tăng mức vốn tối thiểu từ 4% lên 6% đối với các ngân hàng hàng đầu thế giới. Quy định này sẽ được áp dụng từ tháng 1/2015. Thỏa thuận mới này đưa ra định nghĩa về vốn ngân hàng và những giới hạn nghiêm khắc về việc đánh giá rủi ro. Thỏa thuận có ảnh hưởng to lớn đối với hệ thống ngân hàng Âu -Mỹ và các cơ cấu tài chính, bộ phận các ngân hàng đối diện với vấn đề thiếu vốn.
Tuy thỏa thuận Basel được đại đa số các nước và khu vực đồng ý nhưng sự phân biệt, áp lực sẽ gây ra ảnh hưởng và tác động rõ rệt đến thị trường tài chính./.
Phan Thành Dương
TTXVN/Vietnam+