I. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 5/2009
1. Về kinh tế
1.1. Sản xuất công nghiệp tăng cao liên tục trong 2 tháng qua:
Giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 1994) tháng 5 năm 2009 ước đạt 2.354,5 tỷ đồng, tăng 4,9% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ[1]. Trong đó: Công nghiệp Trung ương 1.438,1 tỷ đồng, tăng 4,1% so với tháng trước và bằng 98,8% cùng kỳ; công nghiệp địa phương 547,7 tỷ đồng, tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 127,3% cùng kỳ; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 368,7 tỷ, tăng 8,1% so với tháng trước và tăng 19,9% cùng kỳ. Đây là dấu hiệu khả quan cho thấy chủ trương, chính sách, biện pháp đồng bộ kịp thời của Chính phủ và của tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong thời gian qua đã và đang phát huy tác dụng.
Tính chung 5 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt 10.030,5 tỷ đồng, bằng 37,4% kế hoạch (26.800 tỷ đồng) và tăng 10,7% cùng kỳ (quý I tăng 3,6%). Trong đó: Công nghiệp Trung ương 6.353,2 tỷ đồng, đạt 32,1% KH và bằng 98,6% CK; công nghiệp địa phương 2.106,2 tỷ, bằng 67,9% KH và tăng 83,2%; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 1.571 tỷ, đạt 40,3% KH và tăng 6,8%. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu thực hiện như sau:
Than sạch tháng 5 ước đạt 3,79 triệu tấn (tháng trước 3,629 triệu tấn), luỹ kế 5 tháng đạt 16,531 triệu tấn, đạt 44,7% KH năm (37 triệu tấn) và bằng 92,2% cùng kỳ; than tiêu thụ tháng 5 ước đạt 3,68 triệu tấn (tháng trước 3,52 triệu tấn), 5 tháng 16,766 triệu tấn, bằng 46,6% KH năm (36 triệu tấn) và bằng 92,2% cùng kỳ (trong đó xuất khẩu 9,661 triệu tấn, bằng 96,2% cùng kỳ).
Điện sản xuất tháng 5 ước đạt 65 triệu Kwh (tháng trước 42,77 triệu kw), luỹ kế 5 tháng 327,9 triệu Kwh, đạt 9,9% KH năm (3.300 triệu Kw) và bằng 33,8% cùng kỳ[2].
Đóng mới tàu tháng 5 ước đạt 35.860 tấn phương tiện (tháng trước 28.360 tấn), luỹ kế 5 tháng đạt 138.920 tấn, đạt 34,7% KH năm (400.000 tấn) và bằng 101,4% cùng kỳ.
Xi măng tháng 5 ước đạt 339.000 tấn (tháng trước 324.000 tấn), luỹ kế 5 tháng đạt 1.115.000 tấn, đạt 23,2% KH năm (4,8 triệu tấn) và tăng 462,3% cùng kỳ[3].
Gạch nung tháng 5 ước đạt 73,179 triệu viên (tháng trước 71,53 triệu viên), luỹ kế 5 tháng đạt 337,129 triệu viên, đạt 34,7% KH và bằng 101,4% cùng kỳ;
Dầu thực vật tháng 5 ước đạt 19.363 tấn (tháng trước 21.367 tấn), luỹ kế 5 tháng đạt 96.021 tấn, đạt 32% KH và bằng 84,4% cùng kỳ;
Bia các loại tháng 5 ước đạt 5,195 triệu lít (tháng trước 1,875 triệu lít), luỹ kế 5 tháng đạt 9,474 triệu lít, đạt 31,6% KH và bằng 94,3% cùng kỳ…
Trong tháng 5 sản xuất công nghiệp đã có chuyển biến tích cực so với các tháng đầu năm, một số sản phẩm công nghiệp chế biến tháng 5 đều tăng so với tháng trước như: Bia tăng 2,77 lần, thuỷ sản chế biến tăng 4,2%, bột mỳ các loại tăng 5,1%, giày xuất khẩu tăng 9,3%… Tính chung 5 tháng đầu năm 2009 đạt mức tăng trưởng 10,7% so với cùng kỳ (quý I tăng 3,6%; 4 tháng tăng 9,6%).
1.2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tiếp tục phát triển ổn định.
Trồng trọt: Toàn tỉnh đã kết thúc gieo trồng các loại cây vụ Đông xuân 2009[4], thời tiết thuận lợi nên lúa vụ Đông Xuân năm nay phát triển tốt: Diện tích lúa xuân sớm đã được thu hoạch, năng suất nhiều đơn vị đạt và vượt so với vụ Đông Xuân năm trước. Kết thúc vụ Đông Xuân 2009, toàn tỉnh đã gieo trồng được 37.228 ha cây các loại, đạt 96,2% so kế hoạch và bằng 97,9% cùng kỳ (trong đó: Lúa xuân 17.318 ha, đạt 96,2% KH và bằng 100,6% cùng kỳ), các cây trồng khác tương, lạc, rau xanh… cơ bản đạt kế hoạch đề ra.
Theo kết quả sản xuất vụ Đông Xuân đến nay, khả năng Tổng sản lượng lương thực cây có hạt vụ Đông Xuân năm 2009, toàn tỉnh đạt 104.230 tấn, bằng 100% vụ Đông Xuân năm trước.
Chăn nuôi: do ảnh hưởng của dịch bệnh, đàn gia súc, gia cầm đều bị giảm so với cùng kỳ[5]. Tổng hợp từ đợt rét đậm, rét hại cuối năm 2008 cho đến kỳ điều tra, toàn tỉnh có trên 2.400 con trâu, bò bị chết rét, tập trung ở các huyện miền núi (trong đó có 840 con nghé và 415 con trâu già bị chết). Do vậy, đàn trâu giảm so với năm trước; đàn lợn sau Tết tuy có ảnh hưởng bởi dịch cúm song đang dần khôi phục. Mặc dù, dịch cúm gia cầm xuất hiện đầu tiên ở Đông Triều và Móng Cái, sau lan ra Hải Hà, Đầm Hà, Uông Bí, Hạ Long, nay đã được khống chế nên đàn gia cầm đang được khôi phục.
Ngành chức năng và các địa phương đã chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H1N1 theo chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh tại Công điện số 06/CĐ-UBND ngày 29/4/2009. Các cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương đã bắt giữ và xử lý 106 vụ vận chuyển gồm 83.913 kg gà, 288.670 quả trứng, 22.760 con gà vịt giống, 21 con trâu bò thịt và 60 kg mèo không rõ nguồn gốc nhập lậu vào tỉnh.
Lâm nghiệp: Toàn tỉnh đã trồng được 5.270 ha rừng tập trung, đạt 35% kế hoạch, bằng 103,2% so với cùng kỳ. Khai thác gỗ ước 5 tháng đạt 8.430 m3, bằng 18,1% kế họạch, so cùng kỳ đạt 94%. Khai thác nhựa thông trong tỉnh 740 tấn, bằng 41,1% kế hoạch, khai thác nguyên liệu giấy 7.430 tấn bằng 39,7% kế hoạch, so cùng kỳ đạt 145,2%. Khai thác tre dóc các loại đạt 950 nghìn cây, so cùng kỳ bằng 70%. Công tác quản lý, bảo vệ rừng tiếp tục được bảo đảm[6].
Thuỷ lợi: Tính đến 15/5/2009 lượng nước trữ ở 23 hồ chứa trong tỉnh là 138,9 triệu m3,so với cùng kỳ tăng 41,1 triệu m3, so với tháng trước giảm 12,9 triệu m3. Các địa phương, các công ty quản lý khai thác công trình thuỷ lợi đã tổ chức kiểm tra các công trình thuỷ lợi hồ, đập, trạm bơm, kênh mương và hệ thống đê điều đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ cho sản xuất vụ đông xuân 2009.
Thuỷ sản: Tổng sản lượng thuỷ sản đến 15/5/2009 ước thực hiện 26.357 tấn đạt 37,7% so với kế hoạch, bằng 103,3% so với cùng kỳ, trong đó: nuôi trồng 7.423 tấn đạt 27,8% kế hoạch, tăng 12,2%; khai thác 19.934 tấn đạt 43,7% kế hoạch, bằng 100,2% cùng kỳ. Kim ngạch chế biến thuỷ sản xuất khẩu ước thực hiện 7,955 triệu USD đạt 46,8% so với kế hoạch, tăng 58,1% so với cùng kỳ; trong đó chế biến xuất khẩu 7,711 triệu USD, đạt 48,2% so với kế hoạch, chế biến ngọc trai xuất khẩu 0,244 triệu USD đạt 24,4% so với kế hoạch. Giá trị xuất khẩu tiểu ngạch qua cửa khẩu trên biển ước thực hiện 10 triệu USD đạt 46,3% so với kế hoạch, tăng 14,9% so với cùng kỳ.
1.3. Lĩnh vực dịch vụ đạt được nhiều kết quả.
Thương mại nội địa: Thị trường Quảng Ninh tiếp tục có chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ước tháng 5 đạt 1.777 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 16,7% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng năm 2009, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 8.604,6 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ.
Giá cả không biến động lớn, chỉ số giá tiêu dùng chung tháng 5/2009 tăng 1,61% so với tháng 12/2008, trong đó hàng lương thực giảm 4,04%; hàng thực phẩm tăng 2,58%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,57%; dịch vụ y tế tăng 2,34%...Các cơ quan chức năng và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý theo quy định các đơn vị, cá nhân lợi dụng tình hình để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, góp phần bình ổn giá cả và kiềm chế tốc độ tăng giá theo chỉ đạo của Chính phủ.
Các hoạt động du lịch diễn ra sôi động, nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch đã được tổ chức ở nhiều nơi. Trong thời gian tổ chức lễ hội Du lịch Hạ Long 2009, lượng khách du lịch đến Hạ Long tăng mạnh, thu hút được trên 45 vạn lượt khách, tăng 73% so với Lễ hội cùng kỳ (trong đó có 89.700 lượt khách tới thăm Vịnh Hạ Long tăng 20% so cùng kỳ). Tổng số khách du lịch đến Quảng Ninh tháng 5 ước đạt 495,6 ngàn lượt (tháng trước 506,55 ngàn lượt) tăng 57,2% cùng kỳ; trong đó khách quốc tế 121,63 ngàn lượt, giảm 37,5%. Khách lưu trú ước đạt 147 ngàn lượt (tháng trước 148,6 ngàn lượt) bằng 73,5% cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch tháng 5 ước đạt 215,45 tỷ đồng (tháng trước 220 tỷ), bằng 103,1% cùng kỳ.
Tính chung 5 tháng, tổng số khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 2,998 triệu lượt, đạt 62,5% KH năm (4,8 triệu lượt) và tăng 30,1% cùng kỳ[7]. Lượng khách du lịch tăng cao (25%) chủ yếu là khách nội địa, song lượng khách quốc tế lại giảm 38,9% nên hiệu quả kinh doanh du lịch còn hạn chế, tổng doanh thu du lịch 5 tháng chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ.
Hoạt động vận tải hàng hoá và hành khách: Tổ chức tốt việc phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hoá và đi lại của nhân dân nhất là trong một số ngày lễ lớn nhu cầu đi lại của nhân tăng cao đột biến như dịp 30/4-01/5. Tính chung 5 tháng, khối lượng vận chuyển hàng hoá ước đạt 6.497,2 ngàn tấn, tăng 21,7% so với cùng kỳ; vận tải hành khách ước đạt 6.788,9 ngàn lượt, tăng 11%; tổng doanh thu vận tải ước đạt 869,931 tỷ đồng, tăng 39,1% so với cùng kỳ.
Mạng lưới và dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp tục phát triển: Hoạt động bưu chính, viễn thông an toàn, ổn định. Hoạt động báo chí, xuất bản được duy trì và thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước. Trong dịp tổ chức Lễ hội Du lịch Hạ Long năm 2009 đã tổ chức tốt việc phục vụ đón, tiếp và tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế đến tác nghiệp và đưa tin tuyên truyền. Trong tháng 5/2009 đã phát triển mới 173.041 thuê bao điện thoại các loại. Tổng số thuê bao toàn tỉnh đến tháng 5/2009 đạt 2.315.614 thuê bao, đạt tỷ lệ 193 thuê bao/100 dân (trong đó máy cố định và di động trả sau là 421.255 thuê bao, đạt 35 thuê bao/100 dân). Phát triển thuê bao Internet trong tháng 5 đạt 2.166 thuê bao, nâng tổng số thuê bao đến tháng 5/2009 là 79.141 thuê bao.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các cơ quan quản lý nhà nước qua Cổng thông tin điện tử Quảng Ninh đã từng bước phát triển ổn định. Uỷ ban nhân dân tỉnh đã tổ chức kiểm điểm công tác biên tập, cập nhật các thông tin hoạt động, các văn bản, thủ tục hành chính công của các ngành, địa phương để dần đi vào nề nếp.
1.4. Xuất khẩu.
Tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu tháng 5 ước đạt 123,55 triệu USD, bằng 101,4% so với tháng 4/2009. Tính chung 5 tháng, giá trị xuất khẩu hàng hoá đạt 572,227 triệu USD, đạt 28,6% KH năm (2.004 triệu USD) và bằng 88,4% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu Trung ương tăng 1,1%; xuất khẩu địa phương bằng 55,4% cùng kỳ; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài bằng 38,5% cùng kỳ. Một số sản phẩm xuất khẩu ước 5 tháng tăng so với cùng kỳ là: Hải sản (900 tấn) tăng 57%; Tùng hương (1.985 tấn) tăng 18,3%; quần áo may sẵn (509.000 chiếc) tăng 4,3%; ... Các mặt hàng xuất khẩu giảm so với cùng kỳ là: Than (9,662 ngàn tấn) giảm 3,8%; Dầu thực vật (723 tấn) bằng 3,8%; cao su hỗn hợp (19.450 tấn) giảm 1,1%; gạch (249.000 m2) giảm 8,5%; ngói giảm 26,8%; giày (2,5 triệu đôi) giảm 29,8%…Hoạt động biên mậu gặp khó khăn, một số mặt hàng đông lạnh, cao su...xuất khẩu tồn đọng do việc tăng cường kiểm soát chặt chẽ về chất lượng từ phía Trung Quốc, đã được ngành chức năng tập trung các biện pháp xử lý linh hoạt. Song nhìn chung, kim ngạch xuất nhiều mặt hàng trong 5 tháng đầu năm 2009 tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước.
1.5. Đầu tư xây dựng cơ bản.
Các ngành, các địa phương đang tập trung chỉ đạo, quyết tâm trong tháng 6 thực hiện hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn xây dựng cơ bản được giao. Các công trình trọng điểm như: Dự án, cải tạo nâng cấp Quốc lộ 18A đoạn Mông Dương - Móng Cái, đường Trới - Vũ Oai, hai cầu vượt trên quốc lộ 18A, đường 337... được đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời tích cực thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, đề xuất, báo cáo các Bộ ngành Trung ương đối với các dự án đã có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 1837/VPCP-ĐP ngày 24/3/2009 của Văn phòng Chính phủ.
Khối lượng xây dựng cơ bản thực hiện 5 tháng ước đạt 955.350 triệu đồng, bằng 62,2% kế hoạch; giải ngân đạt 777.321 triệu đồng, đạt 50,6% kế hoạch[8] (ngân sách tỉnh đạt 50,4%, ngân sách huyện đạt 51,7%).
Trong tháng Uỷ ban nhân dân tỉnh đã tổ chức Đoàn công tác đi xúc tiến đầu tư tại Ma Cao và Hồng Kông (Trung Quốc).
1.6. Tài chính, ngân hàng
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 5 tháng năm 2009 ước đạt 6.833 tỷ đồng[9], đạt 49% dự toán năm, tăng 21% cùng kỳ, trong đó thu XNK 4.641,773 tỷ đồng, đạt 50% dự toán, tăng 22%; thu nội địa (phần cân đối ngân sách) 2.016,729 tỷ đồng, đạt 48% dự toán, tăng 25%; các khoản thu để lại quản lý qua ngân sách 174,498 tỷ đồng, đạt 35% dự toán. Tổng chi ngân sách 5 tháng ước đạt 2.148 tỷ đồng, đạt 50% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển 1.070,602 tỷ đồng, đạt 66% dự toán, tăng 127% cùng kỳ; chi thường xuyên 1.057,127 tỷ đồng, đạt 45% dự toán và tăng 45% so với cùng kỳ[10].
Tổng nguồn vốn hoạt động của các ngân hàng dự kiến đến 31/5 đạt 30.000 tỷ đồng, tăng 19,5% so với 31/12/2008 (trong đó: vốn huy động tại địa phương là 24.600 tỷ, tăng 20,8%). Doanh số cho vay tháng 5 ước đạt 5.800 tỷ, tăng 160,8% so với cùng kỳ, trong đó cho vay ngắn hạn 4.800 tỷ, tăng 207,8%, cho vay trung và dài hạn 1.000 tỷ, tăng 50,6%. Tổng dư nợ vốn tín dụng ước đến 31/5/2009 là 24.400 tỷ, tăng 22,8% so 31/12/2008, trong đó dư nợ vay ngắn hạn đạt 11.200 tỷ, chiếm 45,9%; dư nợ vay trung và dài hạn chiếm 54,1% tổng dư nợ. Chất lượng tín dụng của các ngân hàng được đảm bảo, dự kiến tỷ lệ nợ xấu đến 31/5 là 860 tỷ chiếm 3,5% tổng dư nợ.
Triển khai thực hiện Quyết định 131 và Quyết định 443 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hỗ trợ lãi suất, đến hết tháng 4/2009, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã cho 3.172 khách hàng vay hỗ trợ lãi suất với dư nợ 4.043,6 tỷ đồng, chiếm 17,2% tổng dư nợ. Việc cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng được tập trung vào các ngành, lĩnh vực có thế mạnh và phù hợp với cơ cấu kinh tế của tỉnh. Hiện dư nợ hỗ trợ lãi suất đối với thành phần kinh tế Nhà nước chiếm tỷ trọng 54%, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh chiếm 46%. Qua thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân và hộ gia đình thực hiện đầu tư mới phát triển sản xuất kinh doanh, kết cấu hạ tầng nhằm giảm chi phí đầu tư; duy trì, phát triển sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.
2. Văn hoá - xã hội.
Các cơ quan văn hoá - thông tin đã tập trung tuyên truyền và tổ chức các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn trong tháng như: Ngày quốc tế lao động (01/5), 55 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5), 119 năm Ngày sinh nhật Bác (19/5)… Đặc biệt là các hoạt động Lễ hội du lịch Hạ Long 2009 được tổ chức thành công, kết hợp với việc bầu chọn Vịnh Hạ Long là Kỳ quan thiên nhiên Thế giới, tạo được ấn tượng tốt đối với du khách trong và ngoài nước.
Đã hoàn thành việc thanh tra, kiểm tra chuyên môn và các hoạt động đào tạo theo kế hoạch. Triển khai các công việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT vào tháng 6/2009. Hoàn thành việc tổ chức kiểm tra học kỳ II lớp 10,11 THPT và lớp 6,7,8,9 THCS nghiêm túc, an toàn.
Trong tháng 5 tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp với sự bùng phát của dịch cúm A (H1N1) xảy ra ở nhiều nước, ở trong nước và trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện bệnh nhân bị mắc cúm A (H1N1), nhưng các ngành, địa phương đã chủ động tăng cường công tác quản lý phòng chống dịch bệnh do lượng khách du lịch đến Quảng Ninh ngày càng nhiều trong mùa du lịch năm 2009. Dịch tiêu chảy cấp đã xuất hiện trở lại, đã có 2 người nhiễm bệnh (thị xã Uông Bí và huyện Vân Đồn), 3 người khác kết quả xét nghiệm nghi ngờ dương tính với phẩy khuẩn tả. Các hoạt động phòng chống dịch các cấp từ tỉnh, huyện đến xã phường được duy trì và đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát dịch ở nhiều địa bàn trọng yếu của tỉnh. Công tác Dân số-Kế hoạch hoá gia đình đã được củng cố, kiện toàn và duy trì hoạt động có nề nếp từ tuyến tỉnh đến cơ sở.
Đã kịp thời triển khai chính sách thất nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp có khó khăn do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế. Tổ chức Sàn giao dịch việc làm tháng 5 năm 2009, thu hút trên 28 đơn vị tham gia và sơ tuyển được 84 lao động. Chuẩn bị các nội dung và điều kiện để tổ chức Chợ phiên việc làm tại thành phố Móng Cái.
3. Khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường
Nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2009 tiếp tục được tập trung thực hiện, trong đó đã tổ chức triển khai 06 nhiệm vụ cấp tỉnh, 08 nhiệm vụ cấp cơ sở; xác định danh mục 16 nhiệm vụ cấp tỉnh năm 2010. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ phục vụ hội nhập quốc tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Công tác tài nguyên và môi trường tiếp tục được quan tâm thực hiện: Trong tháng 5/2009 đã giao đất cho 4 đơn vị với diện tích 30,7 ha; cho thuê đất 9 đơn vị (33,8 ha); thu hồi và giao đất cho địa phương thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho 10 dự án với tổng diện tích là 126,8 ha. Tiếp nhận 03 hồ sơ xin phê duyệt đánh giá tác động môi trường; 02 hồ sơ ứng cứu sự cố tràn dầu; 03 hồ sơ xin xác nhận đề án bảo vệ môi trường; 10 hồ sơ đăng ký chủ nguồn thải, chất thải nguy hại. Công tác kiểm tra quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được duy trì thường xuyên.
4. Công tác cải cách hành chính và Thanh tra
Trọng tâm công tác cải cách hành chính trong tháng 5 là tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính để sửa đổi, thay thế Quyết định 3752/QĐ-UBND ngày 28/11/2006 về việc ban hành danh mục thủ tục hành chính thực hiện cơ chế "một cửa" tại các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Quảng Ninh. Đã ban hành Quy chế tạm thời về quản lý hành chính, quản lý công sở tại Trụ sở liên cơ quan số 2 để đưa các hoạt động vào nề nếp. Tiếp tục chỉ đạo chấn chỉnh lề lối làm việc trong công tác tham mưu, đề xuất của các sở, ban, ngành.
Các cơ quan Thanh tra đã triển khai 16 cuộc thanh, kiểm tra trên địa bàn tỉnh[11], đã kết thúc 09 cuộc thanh tra, trong đó có 06 cuộc triển khai từ kỳ trước. Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm với tổng số tiền là 428.626.000 đồng, trong đó: kiến nghị xử lý thu hồi nộp ngân sách với số tiền là 116.000.000 đồng, giảm cấp phát vốn với số tiền là 312.626.000 đồng. Các cơ quan hành chính các cấp đã tiếp 546 lượt công dân (trong đó có 15 lượt đông người) với 269 vụ việc khiếu nại, tố cáo (riêng tại nơi tiếp công dân của tỉnh đã tiếp 228 lượt (có 8 lượt đông người) với 47 vụ việc). Với những cố gắng trong lĩnh vực tiếp dân, tỉnh cùng các ngành chức năng đã giải quyết được 199 vụ khiếu nại, trong đó có: 12 vụ khiếu nại, 2 vụ tố cáo, số vụ việc còn lại là các vụ việc mới tiếp nhận hoặc đang trong thời hạn giải quyết, góp phần ổn định xã hội.
5. Công tác đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Tình hình trật tự an ninh trên tuyến biên giới, biển đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tình hình nội bộ nhân dân cơ bản ổn định. Các lực lượng vũ trang duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu ở cơ quan, đơn vị.
Công tác phòng chống buôn lậu được kiểm soát và tình hình tương đối ổn định do các ngành chức năng trong tỉnh mở các đợt cao điểm tăng cường kiểm tra, kiểm soát biên giới để đảm bảo an ninh trật tự và phòng chống dịch bệnh.
Phạm pháp về trật tự an toàn xã hội đã xảy ra 58 vụ, làm chết 3 người, thiệt hại tài sản khoảng 800 triệu đồng, trong đó có 15 vụ trọng án (trong đó có 03 vụ giết người), tăng 7 vụ so với tháng trước. Các cơ quan chức năng đã điều tra và làm rõ được 79,3% số vụ (46/58 vụ), bắt 76 đối tượng (trong đó trọng án làm rõ được 80% số vụ (12/15), bắt 27 đối tượng).
Tai nạn giao thông đường bộ tiếp tục được kiềm chế, giảm 40% số vụ so với tháng trước (6/10 vụ), giảm 58,3% số người chết (5/12), số người bị thương tăng 150% (5/2). Nguyên nhân chủ yếu do lưu lượng phương tiện vận chuyển hàng hoá trên quốc lộ 18A đã giảm nhiều cùng với sự tăng cường công tác tuần tra và kiểm soát thường xuyên và dịp lễ hội du lịch năm 2009.
Ngành Công an tiếp tục làm tốt vai trò Thường trực và tham mưu Ban chỉ đạo các cấp về thực hiện đợt cao điểm 3 tháng tổng kiểm tra, vận động toàn dân thu nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tàng trữ, sử dụng trái phép (Từ ngày 01/3 đến 31/5/2009)[12].
Đã xảy ra 2 vụ tai nạn lao động làm chết 2 người. Luỹ kế từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ tai nạn lao động chết người, làm chết 8 người (riêng ngành than đã xảy ra 5 vụ, làm chết 5 người).
6. Nhận xét chung:
Tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng qua mặc dù vẫn còn khó khăn, nhưng đã có chuyển biến theo chiều hướng tích cực và rõ nét hơn trong nhiều ngành và lĩnh vực. Sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản giữ được sự ổn định; dịch bệnh được kiểm soát; sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng cao(quý I tăng 3,1%, 4 tháng tăng 9,6%; dự kiến 5 tháng tăng 10,7%); Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 13,5%; Doanh thu vận tải tăng 39,1%; Thu ngân sách nhà nước tăng 21% (trong đó thu nội địa tăng 25%); chính trị xã hội ổn định, an ninh quốc phòng giữ vững; quan hệ đối ngoại, xúc tiến đầu tư được tăng cường; tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế; việc làm của người lao động được quan tâm và không có biến động phức tạp; công tác an sinh xã hội được các cấp, các ngành thường xuyên chăm lo; hoạt động văn hoá, chăm sóc sức khoẻ nhân dân đạt được nhiều kết quả... Tuy nhiên, một số chỉ tiêu phát triển của các ngành sản xuất, kinh doanh mặc dù đã tăng dần trong tháng 4, tháng 5 nhưng vẫn đạt thấp hơn mục tiêu kế hoạch và thấp hơn so với cùng kỳ (như tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 11,6%; khách du lịch quốc tế giảm 38,9%...), cân đối ngân sách dự báo vẫn còn khó khăn; giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn phải phấn đấu quyết liệt mới đạt yêu cầu đề ra; tình trạng ngập úng một số khu dân cư còn phức tạp…, cần phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế với tốc độ cao hơn trong các tháng tiếp theo.
II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THÁNG 6 NĂM 2009
Tiếp tục tập trung sức ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu duy trì và khôi phục lại đà tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trong đó, ngăn chặn suy giảm kinh tế và phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2009 trong tháng 6 năm 2009 là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Theo đó, các ngành, các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là,thực hiện có hiệu quả các gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng, tập trung ngăn chặn suy giảm kinh tế, khôi phục đà tăng trưởng hợp lý: Dồn sức tập trung chỉ đạo và đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư, nhất là các dự án sử dụng vốn ngân sách, kiên quyết phấn đấu đến hết 30/6 hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn xây dựng cơ bản được giao từ đầu năm 2009 và khẩn trương xây dựng, triển khai kế hoạch vốn xây dựng cơ bản bổ sung 6 tháng cuối năm 2009. Các ngành liên quan cần bám sát và tranh thủ sự ủng hộ của các Bộ ngành để thực hiện có hiệu quả các nội dung kết luận của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ trong các buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh việc bổ sung vốn đầu tư, cần thắt chặt quản lý đầu tư xây dựng. Các Sở ngành và địa phương khẩn trương xử lý những vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng; tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư, của cấp quyết định đầu tư và phát huy vai trò giám sát cộng đồng trong việc bảo đảm tiến độ và chất lượng các công trình, dự án.
Hai là, chuẩn bị tốt nguồn lực để đảm bảo thực hiện giải ngân xây dựng cơ bản, khai thác nguồn thu, tạo nguồn thu cho ngân sách. Có cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ thuế đối với Nhà nước gắn với hoạt động kinh doanh ngân hàng .
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường nội địa, mở rộng thị trường xuất khẩu: Cùng với các biện pháp kích cầu, cần tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Triển khai nhanh và hiệu quả việc hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay ngắn hạn, trung hạn của các tổ chức, cá nhân để đẩy nhanh đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh. Kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn và phối hợp các Bộ ngành liên quan để sớm đưa vào sản xuất các nhà máy điện, xi măng..., đúng tiến độ đề ra. Tổ chức tốt việc xuất khẩu than qua cảng Vạn Gia, giải quyết tồn đọng hàng hoá tại các cửa khẩu nhất là khu vực biên giới, chú trọng phát triển du lịch chất lượng cao. Quan tâm phát triển du lịch đặc biệt là việc thu hút khách nội địa trong dịp hè. Nghiên cứu có cơ chế chính sách phù hợp để quảng bá xúc tiến du lịch nội địa...
Bốn là, tăng cường kiểm tra, kiểm soát không để bùng phát dịch bệnh: Đặc biệt dịch cúm A (H1N1) và dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm; Tập trung chỉ đạo phòng chống dịch mùa hè, tăng cường chất lượng khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế cho người nghèo; đẩy nhanh chương trình xây dựng, nâng cấp các bệnh viện; chuẩn bị và thực hiện tốt các công tác của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm học mới 2009-2010.
Năm là, tăng cường phân côngkiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai trước mùa mưa bão năm 2009 và quan tâm tới các phương án phòng chống giông, lốc, lũ quét, sạt lở đất tại các địa phương. Thường xuyên tổ chức kiểm tra các công trình thuỷ lợi, đê kè để kịp thời sửa chữa đối với các công trình đã xuống cấp. Đôn đốc các đơn vị khẩn trương thi công các công trình thuỷ lợi quan trọng. Tổ chức thường trực phòng chống lụt bão 24/24 giờ.
Sáu là, tiếp tục chăm lo đời sống nhân dân và giải quyết việc làm: Triển khai nhanh các cơ chế, chính sách đã ban hành, như: Chương trình giảm nghèo, Chương trình nhà ở xã hội, hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, Chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, các chương trình: khuyến công, nông, lâm, ngư, tín dụng chính sách xã hội. Kịp thời triển khai chính sách thất nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp có khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.
Bảy là, chủ động chuẩn bị các nội dung trình Kỳ họp thứ 15 - Hội đồng Nhân dân tỉnh khoá XI: Các ngành, địa phương phải sớm chủ động báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh các cơ chế, chính sách kinh tế - xã hội và các tài liệu khác đã được phân công theo kế hoạch để kịp xem xét, trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua theo quy định của pháp luật.
Tám là, thực hiện hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành: bám sát thực tiễn, nâng cao năng lực chỉ đạo, theo sát diễn biến tình hình, làm tốt công tác dự báo và phân tích để có điều chỉnh linh hoạt, kịp thời các chính sách và giải pháp. Đề cao trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao để sớm đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống.
Chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan thông tin, báo chí, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các chính sách, cơ chế và các giải pháp điều hành. Phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể, các phương tiện thông tin đại chúng trong việc vận động các tầng lớp nhân dân ủng hộ, giám sát và tích cực thực hiện các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, khôi phục đà tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh./.
[1] Giá trị SXCN xét theo diễn biến các tháng năm 2009 so với cùng kỳ như sau: Tháng 01 giảm 7,2%; Tháng 2 tăng 14,9%; Tháng 3 giảm 0,6%; Tháng 4 tăng 14,8%; dự kiến Tháng 5 tăng 17,5%.
[2] Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng giai đoạn I chính thức hoà lưới điện quốc gia vào sáng ngày 21/5/2009. 10h30’ ngày 12/5/2009 Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh tiến hành hoà đồng bộ (phát điện lên lưới) Tổ máy số 1 vào lưới điện quốc gia thành công bằng dầu. Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả vận hành thành công Tuabin phát điện, dự kiến 01/6 sẽ vận hành tin cậy và trong quý III sẽ hoà vào lưới điện quốc gia.
[3] Nhà máy xi măng Thăng Long chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2009 đến nay đã sản xuất được trên 500.000 tấn xi măng và clinker và là dự án xi măng đầu tiên có mức nội địa hoá cao nhất Việt Nam.
[4] Tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân năm 2009 đạt 37.225,8 ha cây các loại, bằng 97,5% so cùng kỳ, giảm 956,1 ha so vụ Đông Xuân năm trước, giảm chủ yếu là cây ngô (giảm 595,7 ha); diện tích cây lúa năm nay đạt 17.318,3 ha, bằng 100,56% cùng kỳ; cây ngô đạt 4.708 ha, bằng 89,13% cùng kỳ; cây khoai lang 2.946,2 ha, bằng 94,9 % so cùng kỳ, giảm 167,2 ha; cây lạc 2.518,5 ha bằng 103,08% so cùng kỳ, tăng 61,8 ha, cây đậu tương đạt 608,4 ha, bằng 106,48 % so cùng kỳ, tăng 49,5 ha, cây rau xanh 6.120 ha, bằng 97,95% so cùng kỳ, giảm 129,9 ha.
[5] Sơ bộ, kết quả điều tra chăn nuôi tại thời điểm 01/4/2009 so với thời điểm 01/10/2008 như sau: Tổng đàn lợn có 350.650 con, bằng 96,8%; Đàn trâu có 63.800 con, so 1.10.2008 bằng 99,4% (giảm 300 con); Đàn bò có 27.000 con, so 1.10.2008 bằng 98,6% (giảm 380 con), trong đó: Đàn bò lai sind có 3.563 con so với cùng kỳ bằng 95,5 % (giảm 166 con). Đàn gia cầm có 1.850 ngàn con, so với 1.10.2008 đạt 83% (giảm 379 ngàn con).
[6] Tính đến 15/4/2009 lực lượng Kiểm lâm đã kiểm tra bắt giữ và xử lý 74 vụ vi phạm các quy định quản lý bảo vệ rừng. trong đó vi phạm các qui định về phòng cháy chữa cháy rừng 01 vụ, vi phạm về sử dụng đất lâm nghiệp 02 vụ, mua bán vận chuyển lâm sản trái phép 43 vụ, vi phạm khác 28 vụ; tổ chức tịch thu 122,68m3 gỗ các loại, động vật rừng quí hiếm 713,3 kg; thu nộp ngân sách 409,5 triệu đồng.
[7] Trong đó: khách quốc tế 575,7 ngàn lượt khách, đạt 24,5% KH và bằng 61,1% cùng kỳ. Khách lưu trú ước đạt 673,57 ngàn lượt, đạt 30,6% KH năm (2,2 triệu lượt) và bằng 74,7% cùng kỳ. Trong đó: Khách quốc tế 478,5 ngàn lượt, đạt 36,8% KH năm (1,3 triệu lượt) và bằng 100,3% cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch 5 tháng ước đạt 1.120,5 tỷ đồng, đạt 40% KH năm (2.800 tỷ) và tăng 0,7% so với cùng kỳ
[8]Kế hoạch năm 2009 theo chỉ đạo của UBND tỉnh cần phấn đấu hoàn thành giải ngân trong 6 tháng đầu năm là 1.535.680 triệu đồng (không bao gồm 100 tỷ vốn vay vừa bổ sung theo Quyết định số 1287/QĐ-UBND ngày 29/4/2009 của UBND tỉnh). Các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân trên 50% KH là: Uông Bí 83,34%; Móng Cái 61%; Hoành Bồ 62,22%; Ba Chẽ 75,36%; Bình Liêu 61,82%; Đầm Hà 74,22%; Cô Tô 80,17%; Sở Nông nghiệp và PTNT 56,86%… Một số chủ đầu tư giải ngân dưới 35% KH là: Ban Quản lý đầu tư XD CT trọng điểm 29,72%; Sở Giáo dục 30,18%; Sở Y tế 33,14%; Ban Quản lý Vịnh Hạ Long 10,72%…
[9] Một số khoản thu ước thực hiện: Thu các doanh nghiệp quốc doanh 1.227,1 tỷ, tăng 57% CK; thu ngoài quốc doanh 243,3 tỷ đạt 41% dự toàn = 95% CK; thu phí và lệ phí 43,8 tỷ, đạt 22% dự toán = 91% CK; thu cấp quyền sử dụng đất đạt 224,1 tỷ, đạt 56% dự toán = 108% CK
[10] Nguyên nhân các khoản chi thường xuyên tăng cao so với cùng kỳ là do mức lương tối thiểu chung tăng và thanh quyết toán các khoản chi phục vụ các hoạt động văn hoá xã hội của tỉnh.
[11] Trong đó có 03 cuộc về lĩnh vực xây dựng cơ bản; 03 cuộc về lĩnh vực đất đai, 03 cuộc về lĩnh vực tài chính ngân sách; 02 cuộc thanh tra cổ phần hoá doanh nghiệp; 02 cuộc thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị trong việc thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, Luật khiếu nại tố cáo; 01 cuộc thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật; và 02 cuộc thanh tra giải quyết đơn thư tố cáo.
[12] Từ ngày 01/3 đến 15/5/2009 đã vận động dân nộp: 1.105 khẩu súng các loại, 227 nòng súng, 12.227 viên đạn các loại; 27,75 kg thuốc nổ, 223 kíp mìn, 31m dây cháy chậm; 187 quả bom, mìn, lựu đan cũ; 40 công cụ hỗ trợ, 1.196 vũ khí thô sơ, 15.652 súng nhựa đồ chơi nguy hiểm, 195,7 kg pháo nổ.../.
Website UBND tỉnh Quảng Ninh