Ngày 3/6, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 5/2009. Chủ trì phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh cần tập trung đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2009.
Các thành viên Chính phủ xem xét, góp ý kiến vào các báo cáo: Kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, dự báo tình hình kinh tế trong nước và thế giới; kết quả kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ; tình hình điều hành kinh tế vĩ mô tháng 5/2009; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính, công tác phòng chống dịch bệnh tiêu chảy cấp, cúm A/H1N1, sốt xuất huyết…Dự thảo Nghị định quy định bổ sung về kế hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, do các Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, trình.
Sản xuất công nghiệp tháng thứ 4 tăng liên tiếp
Các thành viên Chính phủ có chung nhận định, sản xuất công nghiệp đang có chuyển biến khá tốt. So với cùng kỳ năm trước, giá trị sản xuất công nghiệp liên tục tăng (tháng 2 tăng 14,9%; tháng 3 tăng 2,4%; tháng 4 tăng 5,4%; tháng 5 tăng 6,8%). Tuy nhiên, 3 trung tâm công nghiệp lớn (Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương) có tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ thấp hơn mức bình quân của toàn ngành.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định. Vụ đông xuân ở cả hai miền Nam, Bắc đều được mùa với năng suất khá cao. Chăn nuôi tăng, đàn bò tăng 1-2%; đàn lợn tăng 2-3%; đàn gia cầm tăng 7-8%,... sản lượng thủy sản 5 tháng đầu năm đạt 1,74 triệu tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường trong nước khá sôi động, 5 tháng đầu năm đạt 452,3 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tháng 5 đạt 4,4 tỷ USD, tăng 2,8% so với tháng 4/2009. Lượng xuất khẩu một số mặt hàng chủ chốt không giảm mà giá trị giảm chủ yếu là do giảm giá, đồng thời cầu nội địa đã có dấu hiệu phục hồi. Thị trường xây dựng, vận tải, dịch vụ và bất động sản đang ấm dần lên. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 0,44%. Đây là tốc độ tăng hợp lý, có lợi cho tăng trưởng và đảm bảo cho mức tăng CPI cả năm khoảng 6%.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 5/2009 đạt 5,9 tỷ USD, tăng 8,1% so với tháng trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 5 tháng đầu năm đạt 2,8 tỷ USD, bằng 70,9% so với cùng kỳ năm 2008. Trong 5 tháng đầu năm đã cấp mới và tăng vốn cho 296 dự án với tổng vốn là 6,68 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường chứng khoán bắt đầu sôi động
Trong tháng 05/2009, thị trường chứng khoán tiếp tục xu thế tăng điểm từ hai tháng trước. Chỉ số VN-Index tăng lên mức cao nhất từ đầu năm 2009, đạt mức 425 điểm vào ngày 26/05/2009 (tăng khoảng 70% so với đầu tháng 03/2009). Nhìn chung, chỉ số VnIndex trong 3 tháng gần đây đã tăng hơn 70%, ngày 2/3/2009 chỉ số VnIndex đạt 247 điểm, đến ngày 27/5/2009 tăng lên 425 điểm. Một số mã cổ phiếu thậm chí đã tăng cao hơn mức đỉnh điểm của năm 2007 (Ree, Sam…), đặc biệt khối lượng giao dịch của các nhà đầu tư nội địa tăng rất mạnh. Điều này cho thấy niềm tin của thị trường đang được phục hồi.
Hai nhiệm vụ kinh tế trọng tâm
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, tháng 5 và 5 tháng đầu năm, kinh tế - xã hội đất nước có những chuyển biến tích cực, an ninh xã hội được bảo đảm; kinh tế vĩ mô, hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, cán cân thanh toán tổng thể cân đối; sản xuất công nghiệp tăng liên tục, tuy mứctăng chậm; sản xuất nông nghiệp ổn định nhưng thị trường nông sản phẩm chưa được mở rộng. Xuất khẩu và lĩnh vực dịch vụ tăng khá nhưng cũng tăng chậm; giải ngân các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, FDI,... đạt thấp; các dịch bệnh nguy hiểm như: tiêu chảy cấp, cúm A (H1N1),... đang diễn biến phức tạp.
Thủ tướng yêu cầu, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2009, trong chỉ đạo điều hành các ngành và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Kết luận của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội và các Nghị quyết của Chính phủ về điều hành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Cụ thể:
“Phải tập trung chỉ đạo, kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô”, Thủ tướng lưu ý: Hiện nay nền kinh tế nước ta không tách rời nền kinh tế thế giới, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng được đẩy mạnh, do vậy, các bộ, ngành cần tăng cường theo dõi, dự báo kịp thời, cần cải cách công tác thống kê, nắm chắc số liệu từ đó nghiên cứu đề suất sáng kiến đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Ngân hàng Nhà nước cần điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp với những diễn biến của nền kinh tế, tạo điều kiện nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững; chỉ đạo các ngân hàng thương mại, cải tiến, đơn giản hóa thủ tục, cho vay phải nhanh, nhất là vay vốn lao động, vốn đầu tư phát triển, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Thủ tướng cũng giao Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước tăng cường kiểm soát nhập siêu, nhất là hạn chế nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu.
“Các Bộ, ngành cần tập trung chỉ đạo để tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh”, Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt các chính sách, chế độ đã ban hành, như: Kích cầu đầu tư và tiêu dùng, khuyến khích xuất khẩu, chính sách tài chính, tiền tệ, giải quyết việc làm cho người lao động,... Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo thực hiện đúng đối tượng, đúng mục đích của các chính sách đã ban hành.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, tín dụng nhà nước, ODA, FDI.
Tích cực triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn và giảm bớt dịch bệnh hại lúa, cây trồng và vật nuôi. Tăng cường công tác phòng, chống lụt bão trong mùa mưa bão tới, chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch ứng phó với tình hình thiên tai có thể xảy ra. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh nhất là những dịch bệnh nguy hiểm, như: tiêu chảy cấp, cúm A/H1N1,...
Các Bộ, ngành cần chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan báo chí. Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phân công các thành viên Chính phủ chuẩn bị trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi lời chúc mừng tới các nhà báo nhân dịp sắp đến Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6./.
Việt Đông
Cổng thông tin điện tử Chính phủ