Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/08/2010-12:21:00 PM
Nhật Bản cân nhắc về biện pháp kích thích kinh tế
Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cho biết ông sẽ xem xét liệu có triển khai các biện pháp kích thích bổ sung nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước, trong bối cảnh có mối lo ngại rằng đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang "mất đà."
Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan
Phát biểu trước Ủy ban Ngân sách của Hạ viện Nhật Bản ngày 3/8, ông Kan nói: "Tình hình lao động trong nước vẫn đang nghiêm trọng, trong khi các điều kiện kinh tế ở bên ngoài thực tế đã không ổn định. Chúng ta sẽ phải cân nhắc liệu có cần thiết đưa ra các biện pháp bổ sung hay không, nhằm kích thích đà tăng trưởng còn mong manh hiện nay."
Trong khi đó, trong một phát biểu riêng rẽ, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Yoshihiko Noda cho rằng chính phủ có thể không muốn can thiệp vào các thị trường hối đoái, trong bối cảnh giá trị đồng yen tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2009 khi ghi nhận mức tỷ giá 85,83 yen đổi 1 USD.
Một đồng yen mạnh hơn nếu kéo dài có thể làm xói mòn lợi nhuận ở nước ngoài gửi về nước của các doanh nghiệp Nhật Bản và làm cho hàng hóa Nhật Bản đắt đỏ hơn trên các thị trường quốc tế, đe dọa ngành xuất khẩu mà kinh tế Nhật Bản phụ thuộc lâu nay để bù đắp cho tình trạng yếu kém của thị trường nội địa.
Nhật Bản đã thoát ra khỏi cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng vào mùa Xuân 2009, song đà phục hồi này đã bộc lộ tính mong manh, với các chỉ số mới đây cho thấy những dấu hiệu về sự bình phục dựa vào xuất khẩu và kích thích của nền kinh tế Nhật Bản có thể đình đốn.
Chính phủ Nhật Bản tuần trước cho biết tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã tăng lên 5,3% trong tháng 6/2010, mức cao nhất kể từ tháng Mười Một năm ngoái và cao hơn mức dự đoán 5,1% của giới thị trường.
Trong khi đó, thị trường cũng sửng sốt khi chứng kiến sản lượng công nghiệp trong tháng Sáu giảm 1,5% so với tháng trước đó.
Những số liệu mới nhất đang tạo thách thức cho Chính phủ Nhật Bản, giữa lúc chính quyền của ông Kan cần phải cân bằng giữa "thực tế bất ổn của nền kinh tế" với các mục tiêu ưu tiên giảm thâm hụt ngân sách.
Việc các khoản hỗ trợ như bồi hoàn thuế cho các hộ gia đình và chính sách ưu đãi dành cho người mua xe thân thiện với mô trường không còn hiệu lực đã nêu bật những lo ngại rằng tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của kinh tế Nhật Bản có thể bước vào một "giai đoạn đình đốn dai dẳng"./.
Nguyễn Trường
TTXVN/Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 690
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)