Kinh tế nước ta đang có những dấu hiệu khởi sắc. Trong bối cảnh đó, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều giải pháp cụ thể để kích thích sự phát triển kinh tế, đặc biệt là tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh là chủ trương được thống nhất cao ở các cấp ủy đảng, chính quyền nơi đây.
|
Chè - cây công nghiệp làm giàu
|
Những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã được ghi nhận là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, bởi điều kiện thuận lợi cả về tự nhiên và nguồn nhân lực chất lượng cao, cùng những chủ trương chính sách thông thoáng thông qua những kế hoạch cụ thế cho từng nhóm giải pháp đó là “Năm đẩy, bốn quản và ba chống”. Cụ thể hóa nhóm giải pháp này không đơn thuần chỉ là một ngành, một tổ chức … mà là sự đồng thuận cao của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân trong tỉnh.
Nhóm giải pháp “năm đẩy”, đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy mạnh công tác quy hoạch chung, quy hoạch vùng, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm và đẩy mạnh công cuộc đổi mới đồng bộ các loại hình dịch vụ. Nhóm giải pháp “bốn quản” là: Quản lý đầu tư, quản lý đất đai và tài nguyên khoáng sản, quản lý và bảo vệ rừng và quản lý về văn hóa xã hội. Nhóm giải pháp “ba chống” là: Chống lãng phí, tham nhũng, chống tội phạm ma túy và chống quan liêu.
Cụ thể hóa các nhóm giải pháp này, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư, thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ người nghèo và các đối tượng khó khăn, tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoán sản, tài nguyên rừng, quy hoạch và xây dựng quy hoạch; đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm … với quyết tâm cao nhất nhằm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững… Năm 2008, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP)đạt 11%, kế hoạch đề ra là tăng trên 12,5%. Thu nhập bình quân theo đầu người năm 2008đạt 11,5 triệu đồng, vượt kế hoạch và tăng 2,7 triệu đồng/người so với năm 2007. Tổng thu ngân sáchđạt gần 1.079,4 tỷ đồng, đạt 140,8% so với dự toán đầu năm (thu ngân sách của tỉnh đã vượt chỉ tiêu đến năm 2010). Tạo việc làm mới cho 16 nghìn lao động, đạt 100% kế hoạch.
Trong đó, tổng số vốn đăng ký đầu tư vào tỉnh trong năm 2008 và 5 tháng đầu năm 2009 khoảng trên 5 tỷ USD, một số dự án đã và sẽ có những sản phẩm đầu tiên, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước và của tỉnh như: Nhà máy xi măng Thái Nguyên với công xuất 1,5 triệu tấn/năm; dự án khai thác, chế biến khoáng sản Núi Pháo với trữ lượng các loại khoáng sản quý hiếm khoảng trên 80 triệu tấn; những dự án về đường Cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, dự án cải tạo, nâng cấp đường Quốc lộ 3 cũ, dự án xây dựng đường hầm xuyên núi Tam Đảo; dự án quy hoạch xây dựng Khu du lịch vùng Hồ Núi Cốc,...sẽ là những dấu ấn để các nhà đầu tư lựa chọn Thái Nguyên là điểm đến của mình.
Từ đầu năm nay, trước tình hình kinh tế khó khăn, lao động mất việc làm trong cả nước không ngừng tăng lên, nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khủng hoảng, hàng hóa sản xuất ra không bán được… Mối lo lạm phát vừa qua thì giảm phát lại đến, chống suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội đã và đang là tâm điểm để các ngành, các cấp, các địa phương phải phấn đấu.
Đầu năm 2009, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai Hội nghị xúc tiến đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Xuân Đương cho biết: Hiện nay, trên địa bàn Thái Nguyên có trên 10,6 vạn công nhân viên chức lao động (tăng gần 3000 người so với năm 2007) đang công tác và làm việc tại các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Thu nhập bình quân gần 1,8 triệu đồng/ người/ tháng. Mặc dù nền kinh tế đã và sẽ còn gặp nhiều khó khăn nhưng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vẫn chưa có doanh nghiệp nào tuyên bố phá sản và số lao động mất việc làm gần như là không có. Trong năm 2009, Thái Nguyên còn có nguy cơ thiếu lao động vì Thái Nguyên đang nỗ lực làm tốt công tác thu hút đầu tư, đẩy mạnh sản xuất và khuyến khích xuất khẩu…
|
Gang, thép -thế mạnh của Thái Nguyên
|
Hiện nay, tỉnh đang chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và coi đó là khâu đột phá để phát triển sản xuất, thu hút đầu tư, đi lại của nhân dân cũng gắn liền với đảm bảo an sinh xã hội, mang lại sự phồn vinh thịnh vượng cho Thái Nguyên. Thời gian qua, tỉnh cũng đã phát động phong trào thi đua phát triển giao thông trên địa bàn toàn tỉnh. Phối hợp với các ngành hữu quan của TW rà soát bổ sung mạng lưới giao thông, đồng bộ cho cả hệ thống giao thông đường sắt, cảng sông và đường thủy, ưu tiên cho các công trình trọng điểm về giao thông, xây dựng các cơ chế BT, BOT, huy động các nguồn lực trong nhân dân và từ các nhà đầu tư để phát triển giao thông.
Năm qua, Thái Nguyên đã thu hút được 150 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, có 70 dự án đã được cấp phép, với số vốn đăng ký đầu tư khoảng 50 nghìn tỷ đồng, các dự án khởi công trên 10 nghìn tỷ đồng. Năm 2009, là năm Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tiếp tục thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị, xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm của vùng Việt Bắc về kinh tế, văn hóa, giáo dục và y tế, vì vậy tỉnh sẽ là mảnh đất đầu tư đầy tiềm năng với các doanh nghiệp.
Với lợi thế là một trong những trung tâm của vùng các tỉnh miền núi Đông Bắc, liền kề với thủ đô Hà Nội, những năm gần đây, Thái Nguyên đã thực hiện các chương trình thu hút đầu tư, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, hình thành quy hoạch các khu công nghiệp, các khu đô thị và cụm vùng kinh tế, tạo môi trường đầu tư ngày càng hấp dẫn với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Các nhà đầu tư đã lựa chọn đầu tư phát triển đa dạng các lĩnh vực tại Thái Nguyên, trong đó về công nghiệp, xuất khẩu như: Sản xuất thép xây dựng, vật liệu xây dựng, may mặc, cơ khí. động cơ Diesel; Về sản xuất nông lâm nghiệp như: Sản xuất chè, đồ gỗ…; Về du lịch, dịch vụ như: Phát triển các Khu du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với các địa danh nổi tiếng… Tại Hội nghị xúc tiến đấu tư của tỉnh diễn ra đầu năm 2009, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Xuân Đương đã nêu lên những quan điểm nhất quán để các nhà đầu tư yên tâm khi lựa chọn Thái Nguyên là nơi phát triển vốn của các doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh đã bày tỏ thiện chí hợp tác, mời gọi đầu tư của tỉnh bằng các cam kết cụ thể: luôn mở rộng lòng chào đón và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư; Nhà đầu tư được giải quyết về địa điểm đầu tư, các ưu đãi đầu tư theo quy định và bảo đảm được bàn giao mặt bằng, nhận quyền sử dụng đất trong thời gian nhanh nhất; Nhà đầu tư được hưởng ưu đãi cao nhất trong khung Chính phủ đã ban hành về các loại thuế; Nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ một phần tiền đền bù, giải phóng mặt bằng, nếu dự án đầu tư thuộc vào các danh mục, lĩnh vực được tỉnh khuyến khích đầu tư hoặc dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế, xã hội cao.
|
Thái Nguyênđang từng ngàyđổi thay
|
Để đạt được những kết quả đó phải kể đến vai trò trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân. Thái Nguyên đã từng bước vượt qua lạm phát rồi suy giảm kinh tế và thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong 2 năm vừa qua. Phấn đấu đến năm 2015, Thái Nguyên sẽ trở thành vùng kinh tế trọng điểm. Nên, ngay từ bây giờ, tỉnh đã và đang làm hết sức mình vì một môi trường đầu tư thông thoáng, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư triển khai các dự án có hiệu quả trên địa bàn tỉnh./.
Huy Thủy
Đảng Cộng sản Việt Nam