“Các chương trình, dự án đầu tư giữa Việt Nam và Lào cần được tiếp tục đẩy mạnh trên tinh thần đề cao chất lượng và hiệu quả thực tiễn”, nhiều thành viên Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội đề nghị như vậy khi xem xét vấn đề này trong phiên họp toàn thể Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 9/7.
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, ngoài các dự án hợp tác cấp chính phủ, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có quy mô hợp tác và đầu tư lớn nhất của Việt Nam tại Lào. Các hoạt động hợp tác, đầu tư được triển khai trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp, trồng cây cao su, đào tạo, y tế, văn hóa, trợ giúp nhân đạo và trợ giúp tài chính.
Tại Vientiane và Champasak - hai địa phương kết nghĩa, thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai loạt dự án đầu tư và hợp tác thương mại quy mô lớn, bao gồm trung tâm thương mại tại Champasak, liên doanh giữa công ty Vissan và trung tâm Nonghen, hệ thống 3 siêu thị do Tổng công ty Thương mại Sài Gòn đầu tư tại Vientiane.
Nhà máy sản xuất đồ nhựa gia dụng của Công ty Nhựa Sài Gòn với tổng vốn đầu tư 1,3 triệu USD đã đi vào hoạt động từ tháng 12/2004 với doanh thu tăng mạnh qua các năm. Viện Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cũng đã giúp Champasak xây dựng “Định hướng chiến lược phát triển bền vững đến năm 2015, tầm nhìn 2020“, cung cấp nhiều tài liệu hướng dẫn quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Một loạt dự án khác về đầu tư trồng cây công nghiệp và nông nghiệp cũng đã đi vào hoạt động, bao gồm dự án đầu tư 32 triệu USD trồng cây cao su tại Champasak và Attapu, dự án trồng ngô giống trị giá 1,2 triệu USD của Công ty nông nghiệp Sài Gòn-Pakse, liên doanh Champa-Savi về sản xuất, chế biến đồ gỗ xuất khẩu trị giá gần 1 triệu USD.
Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, các dự án đã đem lại hiệu quả kinh tế tốt, giúp xóa đói giảm nghèo tại vùng nông thôn Lào, đảm bảo an ninh trật tự xã hội, được chính quyền và nhân dân Lào đánh giá rất cao, coi Việt Nam là mô hình và chỗ dựa tin cậy để hợp tác xây dựng và phát triển đất nước.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng là địa phương hỗ trợ Lào rất lớn trong công tác đào tạo. Từ năm 2002 đến nay, đã có 235 lưu học sinh Lào được thành phố giúp đào tạo bằng nguồn ngân sách địa phương.
Các dự án hợp tác về văn hóa, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, y tế, hỗ trợ nhân đạo luôn được thành phố Hồ Chí Minh coi trọng. Gần 5.000 người nghèo ở Lào đã được Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố Hồ Chí Minh giúp mổ mắt miễn phí.
Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa hữu nghị sâu sắc của việc tăng cường hợp tác, đầu tư toàn diện với Lào. Tuy nhiên, các thành viên của Uỷ ban cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan và chính quyền các địa phương bám sát các thỏa thuận cấp cao giữa Chính phủ hai nước để xây dựng những chương trình hợp tác cụ thể, làm rõ các cơ chế đầu tư và hình thức hợp tác./.