Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 13/07/2009-09:48:00 AM
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Điều tra cơ bản là tiền đề quan trọng để mạnh và giàu từ biển
Khai thác biển, đảo ở Việt Nam bước đầu đã đem lại lợi ích kinh tế - xã hội to lớn. Kinh tế biển và vùng ven biển hiện đóng góp khoảng 48% GDP hàng năm của cả nước, chủ yếu từ các ngành kinh tế như dầu khí, hải sản, hàng hải, du lịch và các dịch vụ đi kèm.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại cuộc họp

Ngày 10/7, tại Hà Nội, chủ trì cuộc họp lần thứ 4 Ban chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo nhấn mạnh, công tác điều tra cơ bản cần được coi là tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2020 nước ta mạnh về biển, làm giàu từ biển, đảm bảo vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển như tinh thần Nghị quyết Trung ương về Chiến lược Biển Việt Nam đã đề ra.
Phó Thủ tướng đánh giá, bên cạnh những nỗ lực, kết quả thu được thời gian qua, nhìn chung hoạt động của Ban chỉ đạo về công tác điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển, bảo vệ môi trường biển và phát triển nguồn nhân lực biển cần khắc phục các tồn tại, phát huy tốt hơn nữa vai trò, chức năng trong điều phối, triển khai ở lĩnh vực hết sức quan trọng này.
Việc triển khai thực hiện đề án còn chậm
Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo, thực hiện Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020, hiện mới có 14 dự án được triển khai và giải ngân mới đạt 766 tỷ/1.771 tỷ đồng được phê duyệt. Các dự án còn lại đang trong giai đoạn khảo sát và xây dựng báo cáo tiền khả thi, khả thi hoặc chuẩn bị đề cương.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do việc phối hợp giữa các chủ dự án và các Bộ liên quan thực hiện chưa hài hòa, còn lúng túng trong khâu triển khai, một số dự án còn gặp khó khăn về kinh phí do trượt giá… Một số ngành được giao chủ trì dự án còn chưa quán triệt đúng tinh thần Quyết định số 47 của Thủ tướng Chính phủ, chưa quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện, dẫn tới chậm nhiều khâu ở các dự án.
Ngoài ra, cơ chế thực hiện cũng bộc lộ một số bất cập dẫn đến việc nhiều dự án không được bố trí kinh phí kịp thời để thực hiện. Hiện cũng chưa có một cơ quan quản lý Nhà nước cấp Trung ương được giao nhiệm vụ tổng chỉ huy việc thực hiện Đề án.
Cần xử lý kịp thời các vướng mắc, đảm bảo tiến độ Đề án
Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đặc biệt nhấn mạnh: “Ở các phiên họp trước, Ban chỉ đạo đã nghiêm khắc kiểm điểm và nhắc nhở về sự chậm tiến độ của các dự án. Điều này đã được khắc phục nhưng vẫn cần đẩy mạnh hơn nữa, thực hiện thành công Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên – môi trường biển kịp tiến độ đã đề ra”.

Toàn cảnh cuộc họp

Trong 5 nhóm nhiệm vụ điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý khâu rà soát các dự án và tình hình thực hiện tiến độ với sự điều hành, giám sát cụ thể. Từ đó có giải pháp quyết liệt và kịp thời trong xử lý các điểm vướng mắc trong trình tự, thủ tục, đặc biệt là quan điểm nhận thức ở một số đơn vị được giao chủ trì, tham gia các dự án. Lấy nhiệm vụ làm “khung” triển khai, trong mỗi nhóm nhiệm vụ là các dự án cụ thể. Mỗi dự án chỉ nên có một đơn vị chủ trì, tránh tình trạng “đồng chủ trì” làm lúng túng trong triển khai như 1 số trường hợp vừa qua.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho ý kiến xử lý các kiến nghị cụ thể như đẩy nhanh việc ứng dụng kết quả điều tra, cơ chế kiểm tra, giám sát các dự án, đầu mối quản lý về kế hoạch nhiệm vụ và kinh phí thực hiện và sự phối hợp trong triển khai Đề án với Chương trình đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, các kịch bản nước biển dâng sẽ được phê duyệt thời gian tới.
* Cuộc họp lần thứ 4 cũng công bố Quyết định số 15/QĐ-ĐTTNMTB ngày 8/6/2009 của Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về việc thay đổi một số thành viên Ban chỉ đạo nhằm kiện toàn hơn nữa tổ chức, chức năng Ban chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển.

Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến 2010, tầm nhìn đến năm 2020 được phê duyệt theo Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có tầm quan trọng đặc biệt nhằm làm rõ vị trí địa - chính trị của vùng biển Việt Nam, xác định rõ nguồn tài nguyên thiên nhiên vùng biển. Đây là một trong số ít đề án điều tra cơ bản được Chính phủ phê duyệt cụ thể tổng kinh phí thực hiện lên đến 2.916 tỷ đồng. Khoản đầu tư lớn cho Đề án đòi hỏi có sự lồng ghép giữa các lĩnh vực (môi trường, địa chất khoáng sản...), phương thức tổ chức hoạt động điều tra vừa tinh gọn, chú trọng đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, vừa đào tạo cán bộ nghiên cứu trình độ cao.


Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1178
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)