Năm 2009, Lâm Ðồng đề ra chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 12,5 - 13,5%, GDP bình quân đầu người 16,5 triệu đồng, tổng mức đầu tư toàn xã hội 8.000 - 8.200 tỷ đồng, thu ngân sách 2.650 tỷ đồng... Một trong những giải pháp lớn thực hiện mục tiêu này là phải tăng cường thu hút đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng Huỳnh Ðức Hòa cho biết: Bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh đã đề ra một số giải pháp chủ yếu: Ðối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng ngân sách nhà nước, phải thực hiện mọi biện pháp đẩy nhanh tiến độ và sử dụng hết vốn đầu tư được phân bổ. Tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và làng nghề ở nông thôn. Yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương triển khai thi công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kịp thời khi có khối lượng phát sinh, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm trễ trong giải ngân vốn khi đã có khối lượng hoàn thành. Ðối với các dự án đầu tư từ vốn trái phiếu Chính phủ, cần đẩy nhanh tiến độ, giải ngân hết kế hoạch phân bổ để tiếp tục xin bổ sung vốn, sớm hoàn thành dự án, đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư, UBND các huyện, thị xã,thành phố (TP)Ðà Lạt và các chủ đầu tư dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phải khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình và tiếp tục rà soát, xem xét báo cáo UBND tỉnh để trình Trung ương bổ sung vốn đầu tư. Tỉnh cũng chỉ đạo thực hiện chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp thuộc dự án có tổng mức đầu tư không quá năm tỷ đồng, đồng thời đề nghị Chính phủ cho phép chỉ định thầu đối với 27 dự án cấp bách nhưng có tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ đồng/dự án.
Ðối với những dự án đầu tư từ các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi tối đa về đất đai, tiếp cận nguồn vốn, giải phóng mặt bằng... để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư. Tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh là hướng về doanh nghiệp, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, giải quyết việc làm, không để các doanh nghiệp khó khăn dẫn đến ngừng hoạt động hoặc phá sản; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng nguồn vốn, mặt bằng... UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc và TP Ðà Lạt phải đặc biệt quan tâm, hỗ trợ tích cực, bảo đảm cho doanh nghiệp có mặt bằng để triển khai và đưa dự án vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.
Với những nỗ lực trên, đến nay trên địa bàn Lâm Ðồng có 114 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực (91 dự án đầu tư 100% vốn nước ngoài, 20 dự án liên doanh và ba dự án hợp đồng hợp tác kinh doanh) với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 565 triệu USD. Những tháng đầu năm, tỉnh cấp một giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 16,5 triệu USD và bổ sung điều chỉnh bốn dự án. Ðể thu hút và kích cầu đầu tư, một trong những vấn đề quan trọng là phải cải cách hành chính. Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Ðức Hòa khẳng định: Ðây là vấn đề hết sức quan trọng, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhằm giảm phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. UBND tỉnh sẽ tổ chức đối thoại với từng nhóm doanh nghiệp, qua đó tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc... hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất. Có một số lĩnh vực hiện tỉnh đang triển khai như việc phân cấp đầu tư xây dựng cơ bản cho cấp huyện (thị xã, thành phố) theo hướng khả năng các địa phương thực hiện đến đâu phân cấp đến đó; cùng Sở KH và ÐT quyết định đầu tư đối với các dự án nhóm C; phê duyệt kết quả đấu thầu đối với các dự án do UBND tỉnh quyết định đầu tư; phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Về phân cấp đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách, tỉnh giao cho các huyện Ðức Trọng, Bảo Lâm, thị xã Bảo Lộc, TP Ðà Lạt thỏa thuận địa điểm đầu tư đối với dự án có tổng vốn đầu tư không quá 50 tỷ đồng; các huyện còn lại thỏa thuận với dự án có tổng vốn đầu tư không quá 30 tỷ đồng (không phân cấp đối với các dự án đầu tư có điều kiện); đồng thời phân cấp cho UBND cấp huyện thực hiện đăng ký đầu tư.
Phan Hoàng
Báo Nhân dân điện tử